Trời xám xịt, u ám. Trận mưa rào đổ xuống, cái mùi đất tỏa ra lạ lắm.
Thằng bé dật dờ đứng gần bãi tha ma, đưa mắt nhìn về phía mẹ. Ngôi mộ nằm tít phía xa, mẹ nó an nghỉ tại đó. Nó nhớ mẹ. Thất thểu đi ngoài dãy chợ, nó đói, ba hôm nay chưa ăn gì.
Nhìn bát bún nghi ngút khói trên bàn quán bà Năm, đôi mắt nó như bị mê hoặc. Thằng bé đứng đờ ra một lúc cho đến khi tiếng còi xe ba gác cất lên. Tiếng quát lớn từ ông chú chạy xe ngoảnh mặt ra: “Thằng nhỏ này gọn vào nào, xe đang gấp lắm đây”.
Khang lết cái chân chậm chạp nép vào bên góc cửa, trước quán cắt tóc. Thằng bé đói lắm. Cặp mắt đờ đẫn như muốn rũ xuống. Tiếng bà Năm gọi lại:
- Khang ơi, đói quá qua đây dì cho bát bún. Thấy mày không ăn mấy hôm nay rồi phải không.
- Nhưng dì ơi con không có tiền. Nay con chưa đi lượm được ve chai.
Khang thều thào trong hơi thở yếu ớt.
- Cứ qua đây, dì cho không lấy tiền.
Đâu đó tiếng mấy bà hàng phở bên cạnh: “Úi thương gì mấy cái loại đấy. Mẹ không đi bán hàng cấm thì đâu ra nông nỗi.”
Thằng Khang nghe xong cúi gằm mặt xuống, hình như nó khóc. Hai tay lau vội hàng nước mắt, nó bảo: “Con không đói ạ”, rồi bước nhanh ra khỏi khu chợ. Nó tìm vào một góc, trên những đống gạch cao, tìm những cuộn bê tông lớn trốn mình trong đấy.
Nó òa khóc thật to rồi gọi mẹ trong vô vọng. Tiếng khóc như xe toạc cả khoảng không yên tĩnh, chưa khi nào nó khóc lớn vậy. Đứa trẻ ngây thơ vô tội đang phải hứng chịu những gì? Tiếng chửi rủa, tiếng mắng nhiếc, lăng mạ. Chín năm trên cuộc đời chưa khi nào nó ngừng nhận những lời đầy khiếm nhã.
Khang vốn dĩ yêu đời, hồn nhiên nhìn thẳng vào mắt mẹ: “Mẹ ơi con sẽ làm phi công bay trên bầu trời kia nhé”. Nó ước ao muốn thực hiện vô vàn thứ trên đời cùng mẹ. Với Khang, lúc ấy mẹ là cả thế giới. Nó thương mẹ hơn bao giờ hết. Đôi mắt nó hiền lắm. Nhoẻn miệng cười thật tươi mỗi chiều tan học. Gọi mẹ thật to, rồi chạy lại và được mẹ ôm vào lòng.
Nó không có bố. Từ lúc sinh ra nó chưa gặp bố. Mà hình như những thắc mắc về bố, nó không hề nhắc đến, bởi Khang hiểu. Hiểu hết nỗi lòng mẹ nên không nói ra nhưng thằng bé yêu mẹ nhiều hơn bao giờ hết. Trong suy nghĩ non nớt ấy luôn nghĩ rằng phải bảo vệ mẹ thay phần bố nó. Nhưng không được nữa rồi.
Độ chừng một tháng nay nó không đến trường, cứ lang thang cuối chợ kiếm vài thứ ve chai. Hồi chiều đứng ở bờ đê nhìn xuống, đám thằng Nam đạp xe đi học về, nó núp sau bụi tre, thoáng nhìn đứa bạn khăn quàng đỏ thắm nói cười. Nó lại nhớ đến cái cặp cũ sờn rách một bên quai.
Trong chiếc cặp ấy đã từng là ước mơ, từng có những cuốn sách nó xem như báu vật. Nhưng cuối cùng lại được treo nơi gác bếp tối thui, tối như cuộc đời hiện tại của nó vậy.
Nó cúi mặt rầu rĩ nhìn đám cỏ xanh mướt dưới chân. Khang mơ mộng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, đơn giản chỉ cần được xanh như đám cỏ kia thôi. Một ngày nào đó trong mơ tưởng ấy, sẽ chẳng bao giờ đến với nó ít nhất là lúc này.
Khang nằm trên bờ đê đến tối mịt. Nó yêu cái cảm giác yên bình, bởi hình như nó đã quen với cô đơn. Bởi hình như là chai sạn của những người xung quanh. Trên bầu trời kia tự do thoải mái, Khang ngắm ngôi sao sáng nhất, sáng rực lóe lên đầy hi vọng.
Đôi mắt long lanh ngây dại lại nhuốm đầy màu đau thương cơ cực. Cậu bé mang tâm hồn trẻ dại giấu mình sau vẻ trưởng thành đến cùng cực. Khang không giống những bạn bè cùng trang lứa.
Cuộc sống của Khang ép nó phải trưởng thành, buộc nó phải lớn mà quên đi những hồn nhiên, những yên bình vốn có. Là ai đã giấu đi, là ai đã cướp đi nụ cười tỏa nắng của cậu bé lên 9 ấy. Là cuộc sống, không là chính những người lớn, những người mang đến cuộc đời Khang cái rào cản vô hình của sự cách biệt xa lánh.
Đâu đó nó lại nhớ mẹ. Hàng nước mắt lăn dài, cay xè. Dòng hồi ức đưa nó về kí ức có mẹ. Nói sao nhỉ, có ai lại tự hào về người mẹ tù tội. Với Khang, mẹ thương nó, mẹ làm tất cả cho nó được sống tốt hơn. Nhưng hỡi ơi, những tưởng về cuộc sống tốt đẹp ấy bỗng chốc hóa thành địa ngục đen tối. Vùi sâu đi mọi thứ, che lấp đi cả một khoảng trời tương lai.
* * *
Khang theo chân bà con xa lên phố huyện. Người đàn bà họ xa lắc xa lơ, chính Khang cũng không rõ. Thằng bé mặt lấm lem nhìn người đàn bà đã ngoài bốn mươi. Nó không chút sợ sệt, gật đầu đi cùng bà ấy. Đơn giản nó chỉ nghĩ nơi đó sẽ không ai biết về mẹ nó. Không ai đầy đọa nó bằng lời nói cay nghiệt.
- Dì đưa con đi khỏi nơi này đi. Con sẽ làm việc chăm chỉ.
Nó nói chắc nịch với người đàn bà như thế. Nhưng chợt thấy lòng gợn gợn. Nó sẽ đi khỏi đây ư? Còn mẹ thì sao? Nó không còn được gần mẹ nữa à. Vô vàn thứ suy nghĩ hiện lên trong đầu, chỉ biết bây giờ nó muốn biến mất khỏi nơi này.
Đi về miền đất hứa, về nơi phố thị khác xa với nơi Khang ở, nó cũng ước ao về bao điều mơ mộng khác. Trên con xe ba gác cùng người bà con xa, đôi mắt nó chớp chớp dõi theo ánh đèn lung linh dọc tuyến phố. Nó hít thật sâu ngửi cái mùi phố xá, xe máy, ô tô nườm nượp đỏ rực cả một góc trời về đêm.
Hai người dừng chân ở một con phố nhỏ dưới chân cầu. Khang lững thững từng bước xuống xe, từ từ quan sát những mái gác, những lồng sắt san sát nhau trên tầng thượng.
Bây giờ là hơn 10 giờ tối, nhưng mọi thứ ở đây như vừa mới bắt đầu. Tiếng hô hào của tiểu thương, tiếng còi inh ỏi của xe chở hàng, tiếng mấy bà gánh rong cũng vọng chung vào một góc nhỏ ồn ào huyên náo. Khang mở tròn xoe mắt, tay nắm chặt cái ba lô cũ. Nó níu tay vào người dì.
- Dì ơi nhà mình ở đâu.
Người dì chỉ tay về phía cái cửa sắt đã cũ màu nâu han gỉ phía cuối ngõ.
- Phía kia, nào đi thôi cho người ta còn chở hàng. Còi inh ỏi nãy giờ rồi.
Khang khệ nệ xách ba lô bước vào nhà. Căn nhà cũng lụp xụp chẳng khấm khá hơn nhà nó dưới quê. Có điều căn nhà còn nhiều hơi ấm. Mùi mì tôm của chồng người dì bốc ra từ trong bếp. Hắn ăn vội bát mì, rồi móc tay ra hiệu cho người dì.
- Tôi ra chợ đây không mấy thằng cửu vạn nó tranh mất chỗ. Hai dì cháu ăn tạm cái gì chứ nay không nấu cơm.
Người đàn ông có vẻ bặm trợn, cặp mày ngài rậm nhíu vào nhau. Khang hơi sợ đứng gọn sang một bên. Người dì cầm lấy ba lô của Khang đặt lên trên cái tủ. Căn nhà hơi chật chội, vừa bước vào đã hết lối đi.
Đêm ấy, Khang trằn trọc không ngủ được. Đời nó lại gắn với khu chợ với ti tỉ hạng người. Nó xoay trái rồi lại xoay phải, nó lay nhẹ vào người dì:
- Dì Dung ơi, mai dì cho con ra chợ làm với nhé, chỗ chú Thắng làm cũng được.
- Mày còn nhỏ thế làm sao làm được chỗ chú Thắng. Bốc vác hàng nặng lắm chứ không phải đùa. Mai dì cho ra hàng bún bà Liên phụ dọn dẹp ở đấy. Việc vừa sức người ta còn nhận. Mà dì nhận cho mày cả lớp học chiều rồi. Chỗ này học bổ túc nửa ngày, ráng đi làm về rồi đi học.
- Thôi con không đi học đâu. Giọng thằng bé lí nhí.
- Dì xin lớp rồi, không phải lo chuyện tiền bạc. Nhớ lúc trước mẹ mày cũng giúp dì không đồng bạc cắc nào. Giờ dì lo cho mày ăn học không được chỗ tốt nhưng cũng phải tử tế.
- Vâng, thế mấy giờ chú Thắng mới về.
- Không phải lo, 4 giờ chú về. Ngủ đi mai dậy sớm.
4 giờ sáng, chú Thắng về thì dì Dung cũng lục sục dậy. Dì mở hàng chiếu ở cuối chợ. Tinh mơ gà gáy đã vội chạy ra bật đèn quán. Chả là mấy nay có mấy gã chuyên cửu vạn nghỉ chân gần đấy, dì ra dọn thêm vài cốc nước mát kiếm đồng bạc. Khang vẫn nằm trong buồng, nó giật mình tỉnh giấc, xung quanh tối quá, nó không thấy dì đâu, lần mò ra phòng ngoài bật điện. Chú Thắng uể oải nằm dài ra ghế:
- Sao dậy sớm thế. Không ngủ được à.
- Cháu dậy để chuẩn bị sang hàng bà Liên làm.
- Ừ nhưng vẫn sớm. Mà sang đấy làm bà có nói to cũng đừng để bụng. Khắp cái khu này người ta nói năng chợ búa nhưng không có ý gì đâu. Thôi chú vào nghỉ một lát.
- Vâng cháu cũng quen rồi không sao ạ.
Chú Thắng vào buồng nằm chợp mắt một lúc. Khang vẫn thừ người ngồi ở ghế. Hai quầng thâm mắt ngày càng rõ. Dì Dung mua gói xôi lạc rồi chạy về nhà để vào bếp, một gói còn lại đưa cho Khang. Nó ăn xong gói xôi là cũng tầm 5 rưỡi sáng. Hai dì cháu dắt nhau sang hàng bún. Bà Liên giọng có vẻ lanh lảnh, tay thì thoăn thoắt bê một nồi nước dùng to lên bếp.
- Đâu thằng bé đâu.
Bà hất mặt hỏi dì Dung.
Khang đứng sang một bên. Bà Liên nhìn một lượt từ trên xuống dưới lại lắc đầu:
- Bé nhỉ. Trông ốm quá.
- Không cháu bé thôi chứ khỏe lắm. Bà cứ để cháu bê bún dọn dẹp ở đây. Cháu làm được.
- Cha bố anh cũng nhanh nhảu được mồm phết. Thôi cứ làm thử hôm nay xem thế nào đã.
Bà quay sang dặn dì Dung:
- Nó còn bé tôi cũng chẳng dám thuê cả ngày. Nghĩ cũng thương thôi thì cho nó làm từ 6 giờ đến 9 rưỡi sáng. Hôm nào mà bận học quá thì bảo tôi.
- Vâng cháu cám ơn bà. Bà cho cháu nó dọn dẹp ở đây là mừng rồi. Số nó cũng khổ, thương nó được phần nào thôi.
Khang được nhận vào làm. Miền đất hứa với cuộc đời nó bắt đầu từ đây. Vẫn chỉ là góc chợ với đủ bề cao thấp, mạt hạng hay ông nọ bà kia cao đến tận mây xanh. Ít nhất là đời nó cũng có thứ ánh sáng le lói chiếu rọi như những ánh đèn lung linh mờ ảo trong đêm nó từng nhìn thấy.
Chú Thắng trước kia thời trai trẻ cũng là dân anh chị máu mặt. Trước khi mất mẹ thằng Khang hết mực khuyên dặn chú hoàn lương. Cái bóng tối bủa vây sau con người chú dần được rũ bỏ.
Chú gặp được dì Dung. Cuộc sống hai vợ chồng chẳng khấm khá gì ở cái nơi tạm gọi là miền đất hứa của nhiều người. Nép bên khu chợ sầm uất, là con phố xập xệ chìm trong úa tàn của bê tông xuống cấp.
Hàng dì Dung mở được bốn năm. Cái đám bảo kê trong khu chợ cũng ít lần vào làm khó dễ. Có lần, chúng nó đập phá hết đồ, chiếu cói cắt xẻ tanh bành. Khang nhìn thấy, nó hung hăng lao cả đám. Cái thằng loắt choắt mà cũng khỏe đáo để.
Thằng bệu đeo kính đen đang cầm bó chiếu thế mà cũng hụt chân lảo đảo ngã về phía sau. Nó chạy lại ôm chặt lấy dì Dung. Dì ôm nó vào lòng vỗ nhẹ bên vai “Đừng sợ”. Chú Thắng chạy lại từ quán hoa quả bà Tám.
Mắt giận dữ nhìn về phía bọn nó. Dì can ngăn, bởi cái tính chú nóng lại thêm quá khứ cũng chẳng tốt đẹp mấy. Dì sợ chú lại đánh mất bản thân. Dì sợ chú lại dở cái thói đánh đấm. Thế là bọn bảo kê cũng đi. Ngổn ngang bao thứ đồ dưới chân bọn chúng.
Ánh Mặt trời nắng gắt của trưa oi ả, chiếu xiên vào cái bạt che nắng. Ba con người lặng lẽ thu dẹp đống tàn cuộc. Khang nhìn về phía ánh sáng chói gắt. Nó ngẫm nghĩ đến thứ ánh sáng lung linh của ánh đèn, ánh sáng tờ mờ trong căn nhà, rồi lại ánh sáng chói lòa của vì sao giữa trời đêm.
Phải chăng bao nhiêu thứ ánh sáng đó là bấy nhiêu gập ghềnh đi qua cuộc đời. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong khu chợ nhộn nhịp. Khang tiếp tục được làm bạn với con chữ, rồi cả kiếm tiền phụ giúp dì chú. Tuy không phải là cuộc sống sung túc nhưng là một cuộc đời ở vùng trời nó được yêu thương.
Miền đất hứa mà Khang, chú Thắng, dì Dung hay mọi tầng lớp lao động trong khu chợ này ít nhiều cũng chẳng phải nơi hoàn hảo tốt đẹp, nơi toàn gấm vóc hoa lệ.
Chẳng biết cuộc đời sẽ dài rộng bao lâu chỉ biết là đã từng có vùng đất chứa đựng cùng cực, chứa đựng cả niềm hạnh phúc nhỏ bé, và giờ là cả một gia đình được chắp vá từ những người khốn khổ chung số phận, chung kiếp người.