Tháng Chạp ở miền Bắc đã lạnh lại có thêm sương muối. Cái thứ sương lạnh lẽo và khốc hại cho loài vật, cây cỏ và con người.
Nó ngồi phụ mẹ bên khung thêu. Trời càng về khuya càng lạnh. Nhưng hai mẹ con phải cố làm cho xong bức tranh thêu để kịp ngày mai trả hàng.
Bàn tay mẹ thoăn thoắt. Bức tranh chỉ còn mấy họa tiết thêu sa hạt đôi cánh bướm bên những bông hồng tuyệt đẹp. Mẹ là một tay thêu khéo và tài hoa có tiếng ở đây nên có nhiều người đặt hàng.
Một lát cái mặt bàn phím chiếc điện thoại chợt lóe sáng. Là tin nhắn của Minh Long. Nó chợt nhoẻn cười khi nhớ tới nét mặt người yêu với cử chỉ âu yếm vỗ vỗ vào bờ vai bé nhỏ của nó mà nói nó khờ quá, khi nghe nó nói “thương anh thật nhiều”. Anh bảo hãy để anh thương nó nhiều hơn... Bất chợt, có tiếng động ở phía sau. Thằng Quý em nó trở dậy lần lần đi mén sang bên chị:
- Vào ngủ tiếp đi em!
Nó vừa nói vừa đẩy nhẹ thằng Quý về phía giường. Nhưng Quý đã lần lấy được cây đàn treo trên cây cột phía đầu giường. Quý chơi đàn bầu rất giỏi. Những giai điệu lúc du dương, lúc trầm lắng như gợi cả một miền ký ức xa xăm.
Ngày em lên bốn tuổi, cũng chỉ vì bận bịu công việc mà mẹ đã phải ân hận suốt đời vì để cho Quý bị biến chứng bệnh sởi mà mù lòa đôi mắt. Mẹ đã khóc ròng trong nỗi xót xa, ân hận mãi không thôi. Tiếng đàn bỗng thê lương ai oán như có nước mắt.
Ngày ba nó bỏ ba mẹ con theo người đàn bà khác, rặng trâm bầu khắc khoải buông những chùm quả thơm, tím ngắt bên tán lá xanh rời rợi. Con bé Phương ngày ấy lên sáu cứ lẽo đẽo chạy theo một chặng đường dài bên những rặng trâm bầu xào xạc.
Ba nó không ngoái lại. Nó khóc một hồi dài rồi lang thang bên bờ kênh. Đôi chân nó mỏi rời rã nhưng có lẽ cũng không mỏi bằng con mắt trông ba. Từ mùa Thu ấy, ba nó không trở về. Nghe nói ông trở về Bắc làm việc ở một viện nghiên cứu cây trồng.
Bàn tay mẹ vẫn cần mẫn bên cây kim với một sợi chỉ, quấn nhiều vòng trước đầu mũi kim rồi đâm thẳng đứng xuống nền vải, nút chỉ thật gọn tròn và đều. Họa tiết đôi cánh bướm hoàn thành cũng là lúc trời hé sáng.
Những tiếng gà gáy te te. Phương đã ngủ gục bên bàn thêu trong tiếng đàn bầu của đứa em trai từ khi nào. Trong giấc ngủ chập chờn, nó mơ thấy chị em nó trở về cái miền quê tuổi ấu thơ Bến Tre, nơi có rặng trâm bầu bốn mùa xanh ngăn ngắt. Nó mơ gặp lại ba mà ba như người xa lạ, rồi lại chợt như quen. Rồi ba nhìn nó rất lâu, rất ái ngại.
Thằng Quý không nhìn thấy nhưng hình như trong tim nó như có muôn vàn đôi mắt, nhìn thấu hết thảy mọi điều. Nó nắm chặt tay chị nói “Chị ơi, ta về thôi”. Trong bóng tối lờ mờ, nó thấy trên đôi mắt mở to vô hồn đờ đẫn của đứa em trai tật nguyền rỉ ra hai giọt nước mắt đọng ứ trên tròng rồi chảy tràn xuống mái tóc nó.
Bình minh rọi những tia nắng ấm áp xuyên qua khe cửa khiến nó choàng dậy. Một ngày mùa Đông nắng đẹp, thật đẹp! Từ ngày ba mẹ con nó trở về quê ngoại, trong nó đã nhen lên bao khát khao, dự định và nỗ lực cố gắng. Thương cái vẻ mặt rầu rầu của mẹ, chị em nó càng quyết tâm hơn. Chúng nó sẽ giúp mẹ xua đi những ánh nhìn thương hại, khinh miệt của người đời.
Sáng nay, như thường lệ cả hai chị em cùng chỉnh tề trang phục tới trường. Chị là giáo viên dạy Văn ở một trường trung học, còn cậu em là giáo viên dạy chữ nổi cho trẻ em ở một trường trẻ khuyết tật.
Người mẹ nhìn theo bóng hai đứa con đẹp đẽ chỉnh tề mà nước mắt chảy tràn nơi gò má. Đời người là một chuỗi những thăng trầm, chỉ có điều ta sẽ đối mặt với nó ra sao thôi. Chị lặng lẽ thu dọn bàn thêu định chợp mắt một chút thì bỗng có chuông điện thoại. Là con Phương. Hồi sáng mẹ nói nhân tiện trống tiết dạy đi giao hàng cho mẹ mà luýnh quýnh quên ghi địa chỉ.
Chị lần tìm, hơi tái mặt khi đọc cái tên trên địa chỉ đặt hàng: Hà Quang Phú, số nhà 24... Bàn tay chị run run ghi vào tin nhắn mà không hiểu tại sao con tim bất chợt đau nhói, mắt tối sầm như buổi hoàng hôn dần cạn kiệt.
Lần theo địa chỉ giao hàng, Phương đứng trước một ngôi nhà sang trọng có hai cánh cổng đồ sộ, bóng loáng. Nó bấm chuông. Ba hồi chuông dứt, người giúp việc mở cửa dẫn Phương vào nhà trong.
Một người phụ nữ đường bệ như cái cánh cổng trước nhà, bước ra trong bộ váy áo cầu kỳ diêm dúa. Bà xem hàng hồi lâu rồi gật đầu ưng ý khi nhìn ngắm đường nét trên những bông hoa hồng rực rỡ với các canh chỉ mịn màng. Chợt hơi nhíu mày khi đôi mắt sắc lẻm dừng bên đôi cánh bướm có chút lỗi ở một nút chỉ thêu.
Ảnh minh họa: ITN. |
Bỗng một người đàn ông trở về dáng dấp ông chủ. Gương mặt đẹp và lạnh! Phương quay đầu ra bắt gặp ánh nhìn ông chủ, thật quen đến kỳ lạ! Nhưng ông chủ lạnh lùng đi vào trong với điệu bộ mệt mỏi.
Nó trở về trong cái gió lạnh. Hình dung nét mặt mẹ rầu rầu bên khung thêu, nó muốn hứng hết mọi nhọc nhằn, âu lo, cằn cỗi trong lòng mẹ để mẹ nhẹ nhàng hơn nhưng biết là không được khi lòng mẹ tự nhiên cằn cỗi, đơn độc từ rất lâu rồi, trước cả cái mùa Thu năm đó.
Suốt đọc đường, không hiểu sao, nó cứ bị ám ảnh bởi khuôn mặt đẹp mà lạnh lùng của người đàn ông mang tên ông chủ. Rồi nó chợt nghĩ ngợi mông lung... Nếu như tình yêu con người dành cho nhau có thể phân phát được thì nhất định nó sẽ cầm phần yêu trong tim mẹ vốn nhiều, thật nhiều đi tìm ba rồi trao cho ba hết thảy để ba hiểu mà mềm lòng trở về. Và nó cũng chia cho Minh Long hết tình yêu trong lòng chứ người thương nhiều luôn là khổ nhiều, thương ít để nếu mà dang dở thì mình cũng chóng quên đi.
Long hỏi nó có nhớ ba không, có từng hình dung về cuộc sống, về gia đình mới của ba ra sao không? Nếu ba trở về có tha thứ và chấp nhận không? Nó chỉ cụp bầu mắt ầng ậng, không nói.
Nhưng nếu có nói nó sẽ nói những lời như mẹ, chẳng tỏ vẻ hờn giận, cũng chẳng hận thù như người ta vẫn thường như vậy và mong cho ba gặp những điều tốt đẹp. Ngay cả khi người đời ánh ỏi cười chê, mẹ cứ tần tảo vậy nuôi hai đứa trẻ nhỏ dại mà không một lời oán thán về người cha của chúng, chỉ là mẹ không bao giờ nhắc tới.
Nó cũng thương mẹ đến tận đáy lòng nên cũng vờ như mình đã quên mà không bao giờ nỡ hỏi. Nhưng nó biết rằng trong lòng mẹ chỉ có duy nhất ba thôi. Trong khi một người đàn bà đẹp như mẹ thì có thiếu gì đàn ông thương!
Nhiều đêm ngồi thêu canh khuya cùng mẹ, nghe con thạch sùng chép miệng mà thấy thương mẹ nhiều hơn. Đêm qua, nó thấy có một khoảnh khắc mẹ nó thất thần đâm kim vào tay khi gần hoàn tất họa tiết cánh bướm cuối cùng. Có lẽ đó là nguyên nhân của cái lỗi nhỏ hôm nay hàng bị trả lại.
Minh Long là người con trai đầu tiên làm trái tim nó rung động. Nhớ lần ấy, khi hai chị em vừa đèo nhau đi ra khỏi con hẻm thì bị mấy kẻ ngáo ngơ chọc ghẹo. Chúng cười hô hố khi thấy một đứa con gái đi xe ngập ngoạng đèo phía sau là thằng em tật nguyền. Giây phút Long tay không xông vào giữa đám người đó bảo vệ hai chị em là giây phút trái tim nó tưởng như đã thuộc về người đó rồi. Sau này, Long còn chọc mãi nó vì cái tình yêu “sét đánh” đó.
Nó đã thầm cảm mến một chàng trai hào hiệp mà mãi sau một thời gian dài mới gặp lại, rồi yêu, yêu thật nhiều! Cho nên, nó từng sợ nếu một ngày kia Long rời xa thì nó không biết sẽ có thể đem lòng mà yêu ai? Long bảo: “Em khờ quá, anh thương em là thương thật lòng cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào...”.
Mùa nối nhau đi ngang cửa, thời gian in hằn trên mắt mẹ những vết chân chim. Mẹ thêu một chiếc khăn có những trái trâm bầu tím rịm, nén tiếng thở dài khi mây chiều bảng lảng. Thời gian cứ quay quắt chở nặng bao nhiêu nỗi niềm trong lòng người, cả những ngổn ngang đổ vỡ...
Cuối cùng rồi cũng đến cái ngày Minh Long đưa Phương về ra mắt dượng và mẹ. Ngôi nhà có cánh cổng đường bệ bỗng hiện ra trước mặt. Nó ngơ ngác trong giây lát. Rụt rè trong bộ váy trắng thêu trang nhã, nó bước vào căn phòng hôm trước, nơi có người đàn bà với đôi mắt sắc lẻm và người đàn ông có ánh mắt lạnh như băng.
Minh Long gọi dượng và mẹ. Nó lí nhí chào và bắt gặp ánh nhìn đột nhiên thảng thốt của người mang tên “dượng”. Người đàn ông mặt tái đi khi nhận ra trong nét mặt quen thuộc của cô gái có chút phảng phất nét buồn của người vợ cũ. Bao năm rồi, vậy mà hình ảnh ấy bỗng trỗi dậy những khoảnh khắc gần gũi quen thuộc đến nao lòng. Ông choáng váng đến mức không thể đứng vững nổi khi nhìn rõ vết tràm trên cổ tay cô gái.
Sau bữa đó, nó trốn Long biền biệt. Long hoang hoải đi tìm. Chẳng biết lý do, cứ tìm nó mòn mỏi qua tháng ngày. Cho đến cái hôm đang đi trên con đường tuổi thơ bạt ngàn những rặng trâm bầu quen thuộc thuở nào, ngó ra xa, Phương thấy bóng dáng thư sinh của anh bên cậu em đeo kính đen, họ nắm chặt tay nhau. Cả hai cùng đi mang mang trong ánh chiều chạng vạng. Những trái trâm bầu tím rịm một sắc màu da diết. Hai dòng nước mắt trong nó bỗng chốc tuôn ròng không sao cưỡng nổi.
Tự nhiên thấy mâu thuẫn trong lòng mình quá lắm, nửa muốn sống hết mình cho tình yêu, nửa muốn chết đi vì nó. Chẳng hiểu vì cớ gì mà mùa Thu đẹp đẽ bình yên ngày ấy bỗng chốc nổi bão giông bởi bao điều vô lý. Nhiều khi, nó ước mình như cánh chuồn, cánh đỏ vô tư lự ngoài rặng trâm bầu kia để thỏa sức ngắm bình minh một ngày rực rỡ.
Cơn gió xào xạc bên rặng trâm bầu như bao lời yêu thương vỗ về của mẹ, như những chắt chiu và cả những hi sinh thầm lặng của mẹ dành cho chị em nó. Ít nhất thì từ đây, nó cũng hiểu được mùa Thu cũng có nhiều bão giông. Và chỉ có mẹ mới có thể hóa giải được để trời quang mây tạnh.