Căn nguyên đang yên đang lành với ngôi trường tiểu học trước mặt nhà thì tôi và hai bạn nữa nhận lệnh sẽ bị/được chuyển xuống phân trường tiểu học số 2 tận dưới thôn Đồng Thạnh, cách nhà gần bốn cây số.
Tôi rầu rĩ chẳng biết lí do gì, cũng chẳng dám hỏi thầy chủ nhiệm, chỉ biết cười như mếu vì từ nay, ngày nào cũng phải cuốc bộ xuống ngôi trường chút xíu chỉ bốn phòng học, xung quanh là bãi đất bị hoang hóa cây cỏ mọc um tùm. Thiệt hết sức chán, hồi đó đường đất chứ đâu được bê tông sáng loáng như bây giờ.
Câu “kinh điển” tôi đặc tả con đường đến trường thuở đó là “nắng bủn mưa bùn” (bủn = phương ngữ Phú Yên, chỉ những hạt bụi li ti từ đất). Lại càng cơ khổ, tướng tôi hồi đó tròn như hột mít, mập mạp nhưng yếu ớt lắm. Lểnh thểnh giữa trưa nắng, phải há mồm ra thở dốc như con cún gặp mùa nắng nóng. Không dưới một hôm xuống tới trường, tôi tái nhợt mặt mày, được bác bảo vệ bồng vào phòng, quạt mát và nghỉ một, hai tiết đầu cho đỡ say nắng.
Đi học cơ bản là vui, phần tôi sao cực dữ hổng biết! À, có cách rồi. Tôi dặn “cô Nhi”, con út ông nội Chín ở cuối xóm (vai vế dòng tộc tôi gọi “cô” nhưng “cô” – cháu học cùng lớp), từ nay đi học nhớ chạy ngang nhà cho tôi theo xe với.
“Cô Nhi” tính hiền lành, thởi lởi nên đồng ý liền. Nhưng cái số tôi sao cứ gặp rắc rối mãi với những chuyện rất không đâu. “Cô Nhi” cứ lưng lửng nhớ quên làm sao á. Chỉ là cô bé lớp 5 mà sớm đãng trí như một bà lão. Tôi đang muốn nói chuyện “cô Nhi” đến nhà cho theo xe xuống trường rất chi hên xui, hôm ghé lại chở, hôm để tôi thấp thỏm đứng chờ, thấy trễ quá bèn ba chân bốn cẳng chạy, đã mệt đứt hơi lại còn trễ học.
Hậu quả của chuyện “thấp thỏm và ba chân bốn cẳng chạy” là tôi liên tục có mặt trong danh sách học sinh vi phạm nội quy của lớp, lí do đi học trễ và phải vui vẻ nhận hình phạt quét lớp, xóa bảng.
Đi học thôi đã trễ, giờ phải đến sớm hơn để quét lớp, tôi khóc ròng… trong bụng. Sau mỗi lần nhận phạt, tôi rất ý thức sẽ cố gắng. Nhưng sự đời, cố gắng nào mà chẳng gặp sự cố, tôi lại bị trễ, dù đó là điều thiệt tình không mong muốn.
Thầy Vĩnh chủ nhiệm hỏi: Sao giờ giấc học tập lại nghểnh ngảng suốt vậy em? Tôi thưa: Dạ, em phải đi bộ một đoạn khá xa. Vì xa nên em phải tranh thủ đi học sớm hơn. Nhưng em phải chờ mẹ đi làm về nấu nướng, ăn cơm trưa rồi mới đi học được. Với lại, em đi hơi chậm, thưa thầy… – tôi thanh minh bằng cái giọng nhão nhẹt kết hợp sự nhận lỗi chân thành của khuôn mặt bi thiết.
“Nói vậy từ mai em sẽ tiếp tục đi học trễ?”
Thầy đổi giọng rồi, tôi sợ quá cụp mặt xuống líu ríu một cách bất lực:
“Dạ, em sẽ cố gắng..., nhưng có lẽ ráng lết hết lớp 5 em sẽ nghỉ học luôn”.
Không phải “ăn vạ” hay “áp lực” gì đâu, tôi bất thình lình nói vậy chứ không hề có dự định trước, chắc tại trong tâm trí không có chỗ cho con đường chữ nghĩa. Sau này tôi nghĩ, chắc vì thấy mấy chị gái xóm tôi thường cứ học hết lớp 5 là nghỉ. Mấy anh chị nhà tôi cũng vậy mà, xong lớp 5 là ở nhà phụ mẹ làm nông, xong đi học hớt tóc, may vá gì đấy. Thầy Vĩnh có vẻ trầm ngâm sau câu đó của tôi, lại đổi giọng, lần này tỏ vẻ lo lắng:
“Sao em không học cấp 2?”
“Dạ, trường xa nhà quá, mà em đi bộ hông nổi…”
Nói xong lại thấy có lỗi với ba mẹ ở nhà. Ba mẹ chỉ ao ước các con theo con đường chữ nghĩa để không phải làm nông dân cực nhọc lại thiếu trước hụt sau, học tới đâu ba mẹ lo tới đó, có điều nhà mình nghèo, không thể đòi cho bằng nhà người ta được – mẹ nói.
Cuối cùng, chuyện bất ngờ quyết định sẽ dừng việc học khi mãn lớp 5 là do tôi. Một đứa trẻ chuẩn bị bỏ trường bỏ lớp thì chuyện có tuân thủ nội quy giờ giấc hay không đâu còn nghĩa lí gì – tôi muốn gửi hàm ý đó đến thầy Vĩnh.
Lời tôi đã làm ánh mắt nghiêm nghị của thầy đượm buồn ngay lập tức. Tôi đã bị ánh mắt đó làm xúc động rồi. Giờ thì tôi tin thầy Vĩnh không khó tính hay hung dữ như lời đồn nữa. Nhớ ngày mới có lệnh chuyển trường, chưa biết mặt ông thầy Vĩnh đã tái mặt vì nghe câu cảm thán, tiêu đời rồi con!
Vào học rồi mới biết đúng như “lời đồn” thật. Thầy Vĩnh nghiêm chưa từng thấy, lạnh băng, khó mà được nhìn thấy thầy cười. Lớp 5C, từ “cán bộ cấp cao” như lớp trưởng, lớp phó học tập đến “thường dân”, từ những bạn chăm học, lễ phép đến đứa lì lợm, nghịch ngợm, đứa nào cũng khó tránh những hình phạt của thầy, không ít thì nhiều.
Nguyên tắc của thầy là phạm lỗi phải trả giá – nặng nhẹ tùy theo tội trạng. Những chuyện đánh nhau với bạn, phá bàn ghế, nói tục, ngủ gục, bỏ quên sách ở nhà, không thuộc bài, nói câu cụt câu què, không biết “dạ thưa”… tất tật đều là lỗi. Sẽ chép phạt, viết tường trình, kiểm điểm có chữ kí của ba mẹ hay quét lớp, lau bảng, kể cả quét dọn sân trường còn tùy theo mức độ…
Tóm lại, học lớp thầy Vĩnh phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy lớp, trường, thầy tuyệt đối ghét đức tính vô kỷ luật nên rất nghiêm, thành ra lớp 5C chúng tôi sợ thầy một phép – đặc biệt là tôi, một trò mới.
Thực tình tôi cũng không phải “dạng vừa đâu” nhưng chắc là “khôn nhà dại chợ” rồi. Lúc ở nhà đầu têu gây họa chứ đi học củ mỉ củ mì và sợ thầy cô một phép. Đến nỗi trên đường đi, lỡ có gặp thầy Vĩnh thì đứng nghiêm từ xa chờ thầy đến, khép nép lấy mũ xuống, khoanh tay “Em chào thầy!” rất trịnh trọng.
Học trò chào thành tâm thành ý vậy mà thầy cũng chỉ gật đầu rồi lướt qua, chính xác là cảm thấy hơi hụt hẫng, giá thầy thân thiện hơn một chút chắc tôi đã bớt sợ. Vì tôi tự biết điểm mạnh, điểm yếu của mình mà. Vi phạm giờ giấc là chuyện bất khả kháng chứ tôi ngoan hiền, học giỏi.
Hồi ấy, tôi chỉ học thua lớp trưởng Tân thôi. Nếu hắn là Tôn Ngộ Không có 75 phép thần thông thì tôi cũng em em xíu thôi, chắc cũng được 72 phép. Vậy mà cũng bị phạt quét lớp và chưa bao giờ được nhận lời khen từ thầy. Ấm ức về méc mẹ, mẹ mắng bồi: “Đi học mà ất ơ bị phạt là đúng rồi! Không la, không phạt sao chúng mày nên được!”.
Sau này đi dạy, có nhiều lúc bị học trò chọc giận đến đỏ mày cay mắt nhưng tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc nói những giáo lý hàn lâm rồi phê vào Sổ đầu bài, cho tiết khá hay trung bình gì đó thôi. Chứ biết làm gì, lúc đang nóng sôi, khó bề kiềm chế được cảm xúc dễ trở thành “hiện tượng” bất đắc dĩ lắm.
Phụ huynh bây giờ không dễ dàng “về đội thầy cô” như các bậc cha mẹ ngày xưa đâu. Bạn có ủng hộ cái lí của mẹ tôi, trẻ con không la không phạt thì khó nên không? Tôi thì không dám ý kiến gì vì sợ cái định kiến “mẹ hát con khen hay” chứ hai mươi năm đi dạy, tôi thấy nhiều, gặp nhiều rồi. Học trò nhiều đứa cứng đầu cứng cổ lắm, nói nhỏ không nghe, hình phạt không sợ, hù đuổi học các em còn mừng hơn.
Nhiều em coi việc đến trường khổ sở như người ta phải thụ án đi đày mà. Và các em không còn sợ thầy cô như cái thời tôi, bạn là học sinh nữa. Các em được trang bị quyền được bảo vệ nhân phẩm, thể xác. Vụ này cực kì chính đáng. Nhưng cơ khổ, dường như các em lại lợi dụng cái quyền ấy để ngỗ ngược và coi thường kỉ luật.
Nhiều bậc phụ huynh bây giờ cũng “cấp tiến”, họ hai tay ủng hộ quyền trẻ em bằng cách chuyện bé xé to. Như tôi đây, có một ông bố của cô học trò còn xen vào cả chuyện chuyên môn, phàn nàn với nhà trường con ổng đọc bài trên mạng mà nhớ chép ra là đã giỏi rồi, sao cô không cho điểm mà lại quên đi chi tiết cô bé chép thơ của người khác và khẳng định mình mới làm xong mà cô giáo đã trình bày. Có nhiêu vậy mà ông bố xót con kêu bức xúc đến phẫn nộ, hỏi thăm cho ra nhà để tìm đến nhà cô giáo tôi trò chuyện.
Tôi sốc ghê gớm. Và bây giờ, đã tạo thành hiệu ứng sợ ba mẹ học sinh. Sau mấy lần bị cha mẹ học sinh nêu đích tên để phàn nàn với nhà trường, giờ tôi thấy mình cô đơn thực sự khi đứng trước ba mươi tám khuôn mặt ngây thơ mà mình lại trở thành trung tâm soi mói của ba mươi tám ông bố bà mẹ ở phía “hậu trường”, điều tai hại là thương con tới mức mới nghe trẻ thuật lại là đã nhắn tin nặng nhẹ với cô liền. Xin lỗi bạn đọc vì tôi đã lố theo mạch cảm xúc của mình mà dây cà ra dây muống rồi, quay lại với “ông thầy khó tính” của lớp 5C đây.
“Thầy có chiếc xe đạp cũ, nếu em không chê thì thầy tặng nha?”.
Có nghe nhầm không vậy trời, tôi mừng đến ríu giọng luôn:
“D…ạ…! E…m…, em…”.
“Em hãy suy nghĩ rồi báo thầy. Nhưng nhất định, không có xe đạp đến trường không phải là lí do để bỏ học!”.
“Dạ, thầy!”
Sau hôm ấy, tôi đi học bằng chiếc xe thầy Vĩnh tặng. Thầy đã hẹn tôi ngay đường lớn rẽ vào xóm, thầy chạy chiếc xe đến đưa tôi rồi đi bộ về, thầy nói đi thể dục.
Chiếc xe cũ nhưng tôi mừng như nhận được một món quà vô giá. Không chỉ xong lớp 5, chiếc xe đạp cũ đó đã đồng hành cùng tôi qua bốn năm cấp hai, ba năm cấp ba, à không, nó đã theo tôi thêm ba năm Cao đẳng Sư phạm nữa.
Nhưng không phải đợi đến khi trở thành giáo viên tôi mới biết ơn thầy Vĩnh đâu. Tôi đã thay đổi ý nghĩ về “ông thầy khó tính” ngay sau khi được nhận chiếc xe đạp cũ của thầy. Ra là thầy rất quan tâm học trò, nhưng vẫn cố tỏ ra lạnh lùng để học sinh không lầy đây mà coi thường nội quy trường lớp.
Thầy nhắc đi nhắc lại, có thể học không giỏi, cũng có thể không phải người có tấm lòng nhân ái bao la nhưng nhất định phải có tính kỷ luật kỷ cương, nó là nền tảng của đạo đức.
Nội quy trường lớp là “pháp luật” của học trò. Bây giờ thì tôi đã hiểu, ánh mắt nghiêm nghị và những hình phạt của thầy là cách biểu lộ yêu thương với học trò…
***
Khi đã thành đồng nghiệp của thầy, bằng cách này hay cách khác, tôi cũng muốn đem thông điệp về ý thức kỷ luật kỷ cương chính là nền móng để trở thành một người có đạo đức và luôn tìm cách giúp đỡ học sinh khi các em gặp khó khăn. Tôi chọn cách đó để tri ân “ông thầy khó tính” đáng kính của mình.