Truyện ngắn: Cha tôi

GD&TĐ - Cha tôi kể, ông gắn bó với chiếc ghe từ lúc tập đi tập nói và sau này khi tôi chào đời cũng vậy.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Gió nhè nhẹ thổi, những cơn sóng lăn tăn vỗ vào bờ. Xa xa, Mặt trời cũng bắt đầu lặn xuống sau những tán cây to. Những chiếc ghe không biết ngừng nghỉ, chạy ầm ì trên dòng sông xanh. Tôi mỉm cười như nhìn thấy chiếc ghe của cha tôi.

Cha tôi kể, ông gắn bó với chiếc ghe từ lúc tập đi tập nói và sau này khi tôi chào đời cũng vậy. Cha mẹ tôi lênh đênh sông nước với chiếc ghe nhỏ chở đủ thứ từ nơi này đến nơi khác để bán. Sớm ra đời bôn ba nên cha tôi khá tính toán, có lẽ bởi vì ông biết đồng tiền kiếm được khó khăn thế nào. Ông luôn tính toán chi li trong từng việc nhưng đối với tôi, ông luôn dành sự yêu thương tuyệt đối.

Mẹ tôi từng kể lúc tôi năm tuổi, khi sang nhà dì chơi, tôi đã yêu thích không nỡ buông tay những con búp bê xinh đẹp ở đấy. Trẻ nhỏ luôn thích đòi hỏi, tôi cũng không ngoại lệ.

Tôi muốn được mẹ mua cho những con búp bê xinh đẹp như vậy, nhưng mẹ tôi nhất định không đồng ý vì giá tiền đắt đỏ của món đồ kia. Cha không nói gì, chỉ lặng lẽ rời đi.

Chuyến ghe tiếp theo dừng lại ở thị xã ông đã mua cho tôi một món quà lớn khiến tôi vỡ òa trong hạnh phúc, con búp bê xinh đẹp nằm im lìm trong chiếc hộp xinh xắn là niềm vui lớn nhất của tôi vào ngày hôm đó.

Cha mang tôi cùng với em búp bê nhỏ, trên chiếc xe đạp chạy vòng quanh khắp ngõ. Một tay tôi ôm em búp bê, một tay vòng qua hông cha ôm chặt. Cảm giác vui sướng hân hoan, hạnh phúc tràn đầy trong trái tim bé nhỏ. Giờ đã lớn, thèm một lần được ngồi sau lưng cha, trên chiếc xe đạp năm nào, thật khó.

* * *

Tôi nhớ có một lần vì tôi mà cha mẹ tôi tranh cãi với nhau.

Từ sáng sớm khi Mặt trời vừa ló dạng, mẹ tôi đã xách giỏ đi chợ. Tôi ở nhà trông em trai, thỉnh thoảng hai chị em chạy ra đầu ngõ ngóng mẹ, mẹ vừa về đến tôi đã chạy đến xách phụ mẹ rồi vui vẻ hỏi:

“Mẹ có mua bánh cho con không?”.

Mẹ tôi lấy từ trong giỏ ra một bịt hủ tiếu nóng hổi đưa cho tôi, tôi mừng rỡ cười tít mắt cho đến khi bà lên tiếng bảo đem vào đổ ra tô cho em trai ăn, con lớn rồi mà. Nụ cười chợt tắt trên khóe môi của tôi, tôi buồn bã đi vào nhà mà chẳng dám nói lời nào.

Lúc em trai tôi vui sướng thưởng thức đồ ăn ngon, thì tôi chỉ có thể ngồi một góc ngửi mùi hương thoang thoảng từ tô hủ tiếu tỏa ra. Cha tôi nhìn thấy cảnh này, ông tức giận gọi mẹ tôi ra hỏi tại sao chỉ mua một phần cho em trai tôi, nhà cũng không phải thiếu thốn đến mức không mua nổi hai phần.

Mẹ tôi lại thản nhiên bảo, tôi lớn rồi. Cha tôi khó chịu lớn tiếng phản đối. Tôi còn nhớ rõ từng câu từng chữ ông đã nói vào ngày hôm ấy. Ông bảo:

“Lớn rồi là lớn bao nhiêu? Con nào cũng là con, nếu muốn mua gì thì phải mua cho cả hai đứa, còn không thì không mua cho đứa nào hết.”

Đó là kỉ niệm tôi không bao giờ quên được, cho dù đã qua hơn chục năm. Thậm chí, tôi còn khắc ghi trong tâm trí những lời cha tôi nói để đối xử với con của mình. Tôi cũng có hai đứa và tôi đã làm theo những gì ông từng nói với mẹ tôi. Tôi còn nhớ cha tôi từng dạy:

“Ai cho gì con cũng không cần nhường hết phần cho em, chỉ cần chia cho em một nửa là được. Con là chị có nhiệm vụ phải yêu thương bảo vệ và nhường nhịn em nhưng không phải vì vậy mà để mình chịu thiệt thòi không đáng”.

Đột nhiên tôi nhớ lại ngày biết mình sắp sửa có một đứa em. Sẽ không còn được mẹ dành hết tình yêu thương cho mình nữa. Sẽ không phải là đứa trẻ duy nhất trong nhà được cha xem như bảo bối mà yêu thương chiều chuộng nữa. Tôi đã rất buồn. Họ hàng đến chơi nhà ai cũng trêu chọc tôi rằng:

“An sắp có em rồi đó nhé còn là em trai cơ đấy, sắp ra rìa rồi nha. Mai mốt cha mẹ cho ra hè ngủ nà”.

Tôi ủ rũ nước mắt ngắn dài khóc òa lên trong tiếng cười vui vẻ của người lớn. Mẹ tôi cũng mỉm cười bảo cô chú chỉ nói đùa nhưng nụ cười của mẹ làm cho một đứa trẻ không hiểu chuyện như tôi lại càng bất an hơn. Ngược lại, cha tôi nhíu mày ánh mắt đầy giận dữ nghiêm nghị bảo:

“Lần sau cô chú đến chơi nhà đừng nói mấy lời này nữa. Con trai hay con gái, một đứa hay nhiều đứa nữa thì nhà này cũng sẽ không phân biệt đối xử”.

Người ta hay nói con gái là người tình kiếp trước của cha, tôi không biết có đúng không nhưng cha cho tôi biết mình là công chúa nhỏ trong nhà, dù sau này có em trai, tôi vẫn được ông yêu thương chiều chuộng.

Ngày mẹ tôi sinh em bé. Cha tôi lên bệnh viện chăm sóc mẹ và em bé còn tôi thì phải ở nhà với bà ngoại. Bà ngoại sang nhà tôi dọn dẹp rồi mua sắm thêm đủ thứ, em bé chỉ vừa sinh còn bé như chú mèo con, vậy mà bà ngoại mua rất nhiều quần áo đẹp cho em bé. Tôi đứng lặng lẽ trong góc nhìn túi quần áo chờ đợi mãi cũng không có bộ nào cho mình.

Từ ngày có em bé, cả nhà nội ngoại hai bên ai cũng quây quần bên em, đem quần áo đẹp, tặng đủ thứ đồ cho em còn tôi chẳng có gì. Tôi cảm thấy tủi thân vô cùng, những lúc như vậy chính cha là người duy nhất an ủi tôi. Cha đèo tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch ra chợ, mua cho tôi mấy bộ đồ mới mà tôi thích, làm tôi vui vẻ không còn ghen tị với em nhỏ nữa.

Tôi và em trai từ nhỏ đến lớn luôn khắc khẩu với nhau, không phải vì tôi không biết thương em cũng không phải vì tôi không biết nhường nhịn em. Bởi vì, tôi chán ghét sự yêu thương thiên vị của mẹ dành cho em trai.

Mỗi lần chỉ có hai chị em tôi chơi với nhau, khi tôi và em tôi cùng khóc, dù người làm sai là em trai tôi nhưng người bị mẹ mắng luôn là tôi. Có lần, em trai tôi lỡ tay làm bể mấy quả trứng gà đặt trong tủ lạnh nhưng nó không dám thú nhận với mẹ mà để luôn như vậy.

Đến khi mẹ phát hiện thì mẹ gọi tôi đến mắng. Tôi khóc òa lên rằng không phải mình làm nhưng mẹ bảo nếu tôi không làm thì còn ai làm. Cho đến khi cha tôi kéo em trai đến trước mặt mẹ và nhắc nhở mẹ rằng trong nhà này không chỉ có một mình tôi. Cha luôn là người làm tôi thấy yên tâm và cảm giác mình không phải ra rìa như người ta nói.

* * *

Ngày tôi thi đại học cha cũng là người đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường, mang tâm trạng nặng nề lo lắng bất an tôi run rẩy ngồi sau lưng cha. Đến trước giờ thi, cha xoa đầu tôi cười trêu chọc.

“Cứ bình tĩnh mà làm bài không sao hết, cứ làm hết khả năng của con là được, nằm ngủ luôn cũng được, rớt hay đậu thì cha cũng nuôi con mà.”

Cha tôi nghỉ học từ rất sớm chỉ vừa biết mặt chữ thì ông đã rời ghế nhà trường ra đời bươn chải. Thế nên, ông sẽ không biết vào phòng thi cho dù không biết làm cũng không được nằm ngủ.

Chính vì điều này mà tôi còn nhớ lúc cha vừa nói xong câu đấy, mấy phụ huynh bên cạnh đều nhìn cha tôi với ánh mắt khó chịu và khinh thường, nhưng một số bạn học đồng trang lứa thì nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ.

Có lẽ, cha tôi là phụ huynh duy nhất bảo con ngủ trong phòng thi nếu không biết làm. Sau này, tôi nhắc lại chuyện cũ, cha tôi bảo không biết làm thì ngủ còn hơn lại đi trao đổi, nhìn trộm bài của người khác, biết chấp nhận khả năng của mình, đối diện với thực lực của bản thân hơn là sống gian dối.

Tôi thường nghĩ đàn ông sẽ không bao giờ rơi nước mắt, nhất là những người đã trải qua sương gió tóc ngả màu mây. Thế mà ngày đưa tôi về nhà chồng, trong khi mẹ tôi không rơi giọt nước mắt nào, bà mạnh mẽ hơn trong suy nghĩ của tôi thì cha tôi, ngược lại làm tôi bồi hồi xúc động mỗi lần nhớ lại. Ông khóc rất nhiều, những giọt nước mắt thi nhau rơi trên gương mặt người đàn ông đầu đã hai thứ tóc. Ông vừa khóc, vừa ôm lấy tôi căn dặn:

“Ở nhà người ta phải nhẫn nhịn, hiếu kính, biết không? Con phải yêu thương cha mẹ chồng như cha mẹ ở nhà đó, có giận hờn chồng cũng đừng lớn tiếng, uất ức quá thì chạy về nhà với cha”.

Thấm thoắt thời gian chầm chậm trôi nhanh. Tôi đã kết hôn hơn mười năm, ngôi nhà ngày xưa giờ đây chỉ còn là nơi tôi lưu lại không quá ba ngày trong một tháng. Cha tôi vẫn gắn liền với sông nước dù tuổi đã cao, thỉnh thoảng ông về nhà mấy ngày, tôi không bận việc cũng đưa con chạy về nhà gặp ông.

Lắm lúc ghe cha đi ngang nhà, ông cũng tấp vào gửi cho cháu ngoại ít trái xoài, trái nho, cái bánh. Ông đem cho mà không quên nhắc nhở. Mấy thứ này ông biết tôi có thể mua được cho tụi nhỏ, cũng không phải của ngon vật lạ gì nhưng đây là tình thương ông dành cho cháu, gửi cho nó cái mà nó thích ăn, vì ông luôn thương con, nhớ cháu nên nhớ rõ nó thích ăn cái gì.

Điện thoại đổ chuông, nhìn tên người gọi đến tôi mỉm cười. Vừa bắt máy tôi đã nghe được giọng nói trầm ấm của cha, ông gọi tôi là bé mặc dù tôi đã ngoài ba mươi. Có lẽ trong mắt cha, tôi vẫn luôn là một cô bé không bao giờ lớn. Gió lạnh thổi qua, tôi rùng mình, đưa tay xoa lấy bả vai rồi chậm rãi nói vào điện thoại:

“Chỗ con gió lạnh rồi, cha mẹ đi ghe nhớ mặc áo ấm đấy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ