Truyện ngắn: Những ngày xưa tươi đẹp

GD&TĐ - Hành nghĩ kỹ lắm rồi, không liều thử sức một phen thì làm sao biết được mình có thể làm được cái gì.

Cứ mạnh dạn lên, không may, thất bại thì đứng dậy nghĩ cách khác. Mình là người trẻ, có sức khỏe mà không dám làm thì là thằng hèn.

Nó mua gom được mười cân ếch đồng ở Nam Định. Hai giờ sáng, nó dậy, chằng buộc kỹ càng vào sau xe đạp cà tàng, hăm hở lên Hà Nội. Thủ đô mở dần ra trước mắt nó.

Cái gì ở đây cũng to và đẹp. Đường phố sạch sẽ, thênh thang, nườm nượp xe máy, xe đạp. Nó đi qua quán phở, thùng nước dùng to, lửa đỏ rực, khói nghi ngút bốc lên, xộc vào mũi thơm lừng.

Cái bà ngồi bán xôi vỉa hè, môi đỏ chót, tay thoăn thoắt gói xôi vào mảnh lá sen, đon đả chào khách. Hàng cà phê sao thơm thế, mùi thơm quyến rũ bay đến tận cuối phố.

Gần trưa, mệt quá, bụng đói sôi ào ào. Hành dừng xe dưới một gốc bàng to sum suê trên phố, định bụng nghỉ một lát cho khỏe. Dựa xe vào bờ tường lửng, nó ngồi xuống, vươn tay vươn chân cho đỡ mỏi. Gió hiu hiu mát, nó ngả lưng, mắt nặng trĩu…

Nó mơ thấy một ông trung niên đứng bên cạnh, ngắm nhìn nó đầy trìu mến. Gió mơn man, nó ngủ say, rất say. Không biết ông trung niên kia là ai mà sao nó thấy thân thiện và gần gũi thế.

Trông giống như một anh bộ đội. Không biết có phải bố nó không. Hành không biết mặt bố. Nó chỉ nghe mẹ kể bố đi bộ đội năm 1974 khi mẹ đang có mang nó. Ông hy sinh đầu năm 1975 trong trận tổng tiến công mùa Xuân lịch sử.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hành bừng tỉnh, một bà già vừa lay vừa gọi:

- Cậu này buôn bán gì mà nằm đây ngủ thiếp đi thế này.

- Chào bà, cháu bán ếch ạ. Bà mua cho cháu đi.

- Giá cả thế nào, ếch đồng hay ếch nuôi?

- Dạ, ếch đồng, Nam Định đấy bà ạ. Bà mua đi, cháu bán rẻ thôi.

- Ừ, để cho tôi một cân.

Nhìn bà già phúc hậu, rõ ra người Hà Nội, chiếc quần lụa đen bóng, cái áo màu nâu gụ cổ quả tim vừa vặn ôm sát người. Bà xách cái làn mây, trong có bó rau và một nắm hành lá.

Bà già đi khỏi thì người khác lại đến. Người mua nửa cân, người một cân, nhoáng cái đã hết veo yến ếch. Lúc ấy, Hành mới nhìn ngó xung quanh và nhận ra gốc bàng to giữa phố Giảng Võ. Con đường về quê như không còn xa nữa.

Hành đút túi hơn một trăm nghìn, từng đồng tiền như nhảy múa trong túi, chỉ sợ rơi ra ngoài. Lần đầu tiên nó kiếm được đồng tiền bằng chính mồ hôi công sức của mình. Đồng tiền chân chính.

Hôm sau, nó gom hàng. Hôm sau nữa lại đạp xe ếch lên Hà Nội. Nó đóng “đại bản doanh” dưới gốc bàng giữa phố Giảng Võ. Dân xung quanh mua ếch của nó lâu dần thành quen. Người ta gọi nó là “Hành ếch”. Sau này không phải chỉ là “Hành ếch” mà còn là “Hành gà”, “Hành gạo”.

Gạo nhiều quá. Hành thuê nhà làm kho, thuê ô tô tải chở cả chuyến gạo. Mới đầu, nó đưa vợ lên Hà Nội để có người hỗ trợ. Sau đưa cả hai thằng con trai lên. Thằng lớn học lớp Một, thằng bé mới đi nhà trẻ.

Nó định đưa cả mẹ nó lên nhưng bà nhất định không chịu bỏ nhà, xa quê. Nay nó đã xây được ngôi nhà năm tầng trên phố Đội Nhân, Hành chuyên tâm bán gạo dưới gốc cây bàng già giữa phố Giảng Võ. Vợ nó, cái Phước, mở một quầy hàng gạo ở đường Đê La Thành.

Sáng nay, nó vừa dắt xe ra ngõ để đi chợ thì cô hàng xóm đặt tay lên tay lái xe của nó, giọng ngọt lịm:

- Đi đâu mà sớm thế?

- Anh đi tìm tình yêu… - Hành đùa.

- Gớm, người đâu mà…

Cô hàng xóm liếc nó một cái sắc như dao bổ cau, giọng cô ngúng nguẩy vừa như đồng tình vừa như hờn giận.

Cả ngày hôm ấy, cái lúm đồng tiền kia, cái giọng thỏ thẻ hờn trách kia thỉnh thoảng lại hiện ra trong trí óc “Hành gạo”.

Mấy hôm nay, Hành bị cảm lạnh. Hàng xóm kháo nhau: “Hành gạo” khỏe như trâu ấy mà bị ốm thì là chuyện lạ. Chiều gần tối, nó đang đứng trước cửa nhà thì có người tìm đến:

- Ơ… em Thuý à ? Em đi đâu mà lạc vào ngõ nhà anh thế này.

- Em đến tìm anh chứ còn đi đâu nữa.

- Có việc gì mà phải đi tìm anh, nhớ anh quá à!

Thuý kém “Hành gạo” gần chục tuổi. Nhà ở Giảng Võ, khách quen mua gạo.

- Mấy ngày nay không thấy anh đi chợ, em tìm đến để trả tiền mua hai yến gạo hôm trước, chẳng lại bảo em ăn quỵt.

- Anh mặt mũi nào mà lại bảo em ăn quỵt, có mà anh ăn quỵt em thì có.

“Hành gạo” mặc cái quần lửng kẻ ở nhà. Áo may ô trắng hở cả hai bả vai săn chắc. Hai cánh tay quen vác gạo nổi bắp cuồn cuộn. Thân hình chàng trung niên quen lao động xốc vác dư thừa năng lượng có sức hút kỳ lạ.

- Lần sau, mua gạo của anh là em ăn quỵt đấy.

- Anh rất vui lòng cho em hết luôn.

Cứ như thế, có ngày Hành chợt thấy bâng khuâng. Ánh mắt ấy, làn tóc ấy, giọng nói ấy sao mà không dễ để người ta quên. Chỉ mấy ngày là lại thấy nhớ. Có lúc nhớ đến cồn cào, lơ đễnh.

- Anh ơi, tý nữa, anh mang cho em một yến gạo nhé. Mang vào nhà em, em chờ.

Thúy ở nhà có một mình. Chồng cô đi công tác ở Sài Gòn nửa tháng cơ. Hai đứa trẻ con đi học hết. Hành lơ đãng nhìn mấy bức tranh lụa treo trên tường. Thúy từ phòng trong bước ra. Áo hai dây trễ nải, hai con mắt ươn ướt đa tình:

- Em gửi anh tiền gạo đây.

- Anh không lấy tiền đâu.

- Anh không lấy tiền thì anh lấy gì… Lấy gì… thì em cho.

Thúy đứng sát vào Hành. Hai tay cô ôm choàng ra sau lưng chàng bán gạo. Cô áp sát vào anh. Hành bỗng thấy một luồng hơi nóng rừng rực lan truyền khắp sống lưng, lan đến hai bàn tay anh. Từ người Thúy, một mùi hương quyến rũ, kín đáo bay ra. Bờ môi mọng đỏ như quả dâu chín tìm đến bờ môi anh…

*

* *

Quầy gạo của Phước ở Đê La Thành ngày càng có vẻ ăn nên làm ra. Hồi này nhiều người bắt đầu quen ăn gạo Hải Hậu nên cứ vài ba ngày, chồng Phước lại phải về quê chở gạo lên.

Sống ở phố, lại có tiền, ăn trắng mặc trơn, trông Phước ngày càng nõn nà, trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Khối người khen Phước đẹp. Có ông đã xê xế về chiều cũng không tiếc miếng ngon, buông câu ỡm ờ:

- Đáng lẽ em phải sinh ra ở phố mới đúng. Hoa nhài cắm bát gạo tám thơm lại càng thơm.

Ông ta cười khoái trá như tự tán thưởng câu nói văn hoa bóng bẩy của mình. Nhìn vợ, đôi khi Hành cũng nghĩ thầm: Hồi này vợ mình hình như có gì đấy hấp dẫn hơn. Gái đang độ hồi xuân, cái má cứ hây hây, cái mắt thật đa tình. Thỉnh thoảng Phước lại gửi quầy gạo cho bà bán hàng khô bên cạnh trông hộ vài tiếng đồng hồ.

- Ngày mai, 9 giờ, em mang đến phòng 301, phố cũ, cho anh một yến gạo tám thơm nhé.

Tin nhắn người mua gạo nhắn cho vợ. - Hành cầm xem qua và nghĩ: Bình thường như tường gạch. Thỉnh thoảng, Hành vẫn thấy tin nhắn tương tự như thế cho vợ. Một ngày mưa tầm tã, Phước vẫn đi giao gạo cho khách. “Mình phải chiều khách để giữ mối làm ăn lâu dài chứ anh. Anh ở nhà nấu cơm, trưa em về”. Phước nói với Hành thế.

Sau mỗi lần đi giao hàng cho khách về, dường như Phước vui vẻ hơn, chiều Hành hơn. Phước mua thêm thức ăn, vào bếp chế biến những món ngon Hành thích. “Anh ăn đi” Phước nói và gắp thức ăn vào bát cho Hành. Có khi lại còn chủ động nhắc anh: “Hôm nay có làm một chén không”.

Một hôm, đọc dòng tin nhắn cho vợ, Hành thấy hơi lạ lạ: Từ ngữ rất quen, thời gian thường vào một khung giờ nhất định, có xê dịch chút ít thôi, địa chỉ thì có đôi khi thay đổi, lúc là số nhà, lúc thay bằng giá cả: “9 giờ 30, ngày kia 18/1, số nhà 301, phố cũ.

Thông tin địa chỉ là thay đổi nhiều nhất, có khi chỉ nói: Gia Lâm, Thanh Xuân, Hai Bà… có khi nói rõ tên phố nhưng tần suất “phố cũ” vẫn nhiều nhất. Suy đi tính lại, Hành giật mình đặt câu hỏi sao những nhà này ăn gạo hết nhanh thế nhỉ.

Trung bình bốn, năm ngày hết một yến gạo, có nhà chỉ hai, ba ngày. Cũng có thể nhà họ nhiều người. Nhiều người thì sao họ không mua hai, ba yến mà lần nào cũng chỉ có một yến? Thôi nghĩ làm gì cho mệt. Không có gì đâu, mình phải tin vợ chứ. Hành chìm vào giấc ngủ.

Mẹ đẻ Hành bị cảm đột ngột. Nhân dịp nghỉ Hè, anh đưa hai cậu con trai về quê thăm bà. Bố con anh dự định ở với bà năm, bảy ngày. Nhìn mẹ già thiêm thiếp nằm li bì, chỉ còn hơi thở yếu ớt, nhè nhẹ, người bà vốn nhỏ bé, nay chỉ còn như con mèo nằm lọt thỏm ở một góc giường, Hành không cầm được nước mắt. Thỉnh thoảng bà he hé mắt nhìn trộm thằng con trai yêu quý. Trong mắt bà hình như thấp thoáng niềm vui nho nhỏ: Thằng con trai duy nhất của bà đã về.

Đêm khuya thứ ba, thằng con thứ hai của Hành bỗng đau bụng dữ dội. Suốt hai tiếng đồng hồ không thuyên giảm mà cũng không rõ nguyên nhân. Hành quyết định đưa con lên viện ở Hà Nội. Thằng anh nhất định đòi đi cùng bố và em. Nó bảo con ở nhà cũng không yên tâm.

Bệnh viện kết luận con trai hành bị giun chui túi mật uống thuốc là khỏi. Ba bố con về nhà. Vừa mở cửa bước vào, Hành như người chết đứng. Mấy giây đầu anh không hiểu chuyện gì xảy ra.

Ở trên giường, một thằng đàn ông và một con đàn bà chưa tỉnh ngủ hẳn, trên người không có mảnh vải che thân. Hành hét lên, ra lệnh cho cậu con lớn vơ vội hai bộ quần áo của cặp tình nhân vứt vương vãi trên sàn nhà chạy sang phòng riêng của nó, đóng cửa lại. Sau phút ngơ ngác, mẹ nó sợ hãi, run run khóc lóc:

- Hùng ơi, mang quần áo cho mẹ nào. Sao con nỡ làm thế với mẹ, con ơi.

Hành lấy máy ảnh chụp lia lịa cái cảnh người khóc, người cười. Thằng nhân tình mặt mũi xám ngắt, méo xệch, thảm hại, ấp ủng:

- Xin anh muốn hành hạ tôi thế nào cũng được nhưng hãy tha cho cô ấy.

- Ngồi im, không đến lượt mày mở mồm.

Thằng nhân tình khe khẽ kéo cái chăn che cho Phước quỳ xuống nền nhà:

- Xin anh tha cho cô ấy.

Phước vừa ngượng ngùng vừa giàn giụa nước mắt:

- Mẹ đẻ con ra mà con nỡ nhẫn tâm đối xử với mẹ như thế à, Hùng ơi! Mang quần áo sang đây cho mẹ đi con.

Trong thâm tâm, thằng Hùng cũng thương mẹ nó lắm. Dù gì cũng là người đã từng ôm ấp nó, cưng chiều nó trong vòng tay người mẹ. Nó định mang quần áo cho mẹ thì bố nó quát:

- Để đấy, mày mang sang là tao giết.

*

* *

Và cái điều tất yếu phải xảy ra. Tòa xử cho hai người ly hôn. Phước cứ ngỡ phiên tòa diễn ra rất lâu, có nhiều tình tiết éo le phức tạp. Nhưng tất cả đều diễn biến bình thường theo trình tự. Khi ngọn lửa nóng bỏng của tình yêu đã lụi tàn, chỉ còn một đống tro nguội lạnh thì từ dưới đáy sâu của đống tro tàn ấy trào lên một niềm căm phẫn, thù hận tột độ. Phước không muốn nhìn cái bản mặt kia.

Ẩn dưới mái tóc bồng bềnh xoăn tự nhiên và khuôn mặt trơn lỳ bóng bẩy ấy là một bộ mặt thật: Vừa độc ác, vừa mưu mô. Phước muốn băm vằm ra cho hả giận. Cũng có lúc Phước tự hỏi: Vì sao lại xảy ra nông nỗi này? Bây giờ phải làm thế nào? Nhưng, đến giờ phút này, trong Phước là sự trống rỗng, vô cảm.

Phước không nghĩ gì, không nhìn thấy ai, chỉ thấy một đám đông, nét mặt người nào cũng đăm chiêu như đang để tâm đến một điều gì đó hệ trọng lắm. Cho đến khi một đứa em Phước dắt tay chị:

- Ta đi về thôi chị.

Mười năm sau, thằng Hùng treo cổ tự vẫn tại nhà. Một nỗi ân hận muộn màng, tiếng kêu của Phước tắc nghẹn trong cổ họng: Con ơi, sao con chết khổ chết sở thế này. Con tưởng con ra đi như thế thì mẹ nhẹ nhõm lắm sao.

Ừ, mẹ vẫn nhớ cái thằng Hùng yếu ớt, bé bỏng của mẹ. Con hiền khô, không hay nghịch ngợm, chỉ hay cười. Mỗi khi cười thì miệng cười, mắt cười… cứ như con gái ấy. Vẫn biết là con có lỗi với mẹ nhưng mẹ tha thứ cho con.

Con vẫn là đứa con mẹ mang nặng đẻ đau, mang cả niềm mơ ước thuở yêu đầu của mẹ. Khi sinh con ra, tràng hoa quấn cổ. Bà đỡ vô đen đét vào mông con ba cái, con mới bật ra tiếng: “oa, oa…” Bà đỡ rạng rỡ: “Chàng trai này, không phải dạng vừa đâu.”.

Những đêm mùa Đông, những lúc con trái nắng trở trời, mẹ ôm con thật chặt sưởi ấm cho con bằng trái tim người mẹ. Mẹ không biết ru, nhưng vẫn cất lên những lời ca vụng về để đưa con vào giấc ngủ.

Hôm nay, con sẽ ngủ một giấc ngủ dài, rất dài. Có gió mát ru con, có hoa cỏ đồng nội vỗ về con. Và thế là mẹ mất con thật rồi, mất con mãi mãi. Con ơi, con như gió thổi về trời. Mong con siêu thoát làm áng mây bay.

Sau khi Hùng chết, thằng Huy tìm thấy mấy bức thư anh nó để lại.

Ngày… tháng…

Cái ngày ấy con chưa đủ lớn để hiểu ra những uẩn khúc của con người. Con nghĩ: Sao người lớn lại không thể tha thứ cho nhau. Phải chăng, khi người ta để cho sự đố kỵ, hận thù chiếm chỗ của lòng nhân ái thì người ta có thể bất chấp tất cả.

Có phải cái tôi cá nhân quá lớn hay là sự ích kỷ, tham lam quá lớn. Lòng tham quá lớn thành ra mê muội. Tham tiền, tham chức có thể làm người ta giàu có nhưng tham tình làm người ta mất hết tỉnh táo, có khi còn tàn ác nữa. Sai lầm có thể làm lại, vấp ngã có thể đứng lên nhưng một khi mắc vào tội lỗi nhất là cái ác thì không thể sửa chữa được.

Ngày… tháng…

Ước gì nhà mình cứ như ngày xưa, những ngày xưa tươi đẹp. Hồi mới lên Hà Nội, nhà mình nghèo lắm, đi ở thuê, gian nhà nhỏ tuềnh toàng, thiếu thốn đủ thứ, nhưng có một thứ không thiếu, đó là tình cảm.

Tuổi thơ chúng con lớn lên không phải trong nhung lụa mà là trong tiếng cười hai đứa trẻ và màu hạnh phúc ánh lên sáng rực trong mắt bố mẹ. Con rất thèm những ngày xưa ấy… Bố mẹ có thể cho con không ?

Ngày… tháng…

Bao nhiêu năm rồi mà sao con không quên được, không đêm nào được ngủ trọn vẹn. Trong tâm trí con nặng trĩu như đeo tảng đá lớn: tảng đá mặc cảm tội lỗi. Con toàn mơ thấy những điều khủng khiếp. Con phải làm gì đây? Bố mẹ bảo cho con đi. Con phải làm gì? Con không trách bố nhưng xin mẹ hãy tha thứ cho con. Con đi đây…

Ít lâu sau bố thằng Hùng, ông Hành, trở nên lẩn thẩn, bỏ nhà đi lang thang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.