Truyện ngắn: Bên bờ, biển hát

GD&TĐ - Chiều nào Thương cũng lội dọc bờ biển, tha thẩn một mình. Lâu lâu lại dừng, nhìn ra xa tít tắp cuối cái màu xanh trải dài vô tận kia, thở dài.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chiều nào Thương cũng lội dọc bờ biển, tha thẩn một mình. Lâu lâu lại dừng, nhìn ra xa tít tắp cuối cái màu xanh trải dài vô tận kia, thở dài. Sóng của biển dồn dập từng cơn còn con sóng lòng Thương cứ ào ào xô, lớp trước chưa kịp tan lớp sau đã ào tới. Sóng lòng bắt đầu từ nỗi nhớ.

Bao nhiêu lâu rồi Thương chưa gặp được Tùng, từ cái bận lần trước anh cắt phép về thăm nhà. Thiệt tình Thương không thể nhớ được. Thời gian với Thương là một cái gì đó mơ hồ, dài miên man chứ không ngắn gọn chỉ là việc mọc lặn của Mặt trời. Với Thương, thời gian chỉ được tính giản đơn là ngày có Tùng và ngày không có Tùng.

Khi biết Thương đang quen bộ đội, Nga giãy đành đạch:

- Con khùng, hết người yêu sao đi quen bộ đội. Trời ơi, nó đi cả năm về hai ba bận thì có mà chết vì nhớ à.

- Ai mà muốn đâu, tao cũng ghét bộ đội lắm, chẳng hiểu sao lại…

Thiệt. Thương không thích bộ đội từ hồi còn mặc áo dài trắng kìa. Hồi đó nhỏ bạn thân của Thương cũng quen bộ đội, hai bên cứ thư từ qua lại. Thấy nó khóc mỗi lần nhận được thư, Thương muốn chửi. Chi mà yêu xa cho khổ, bộ con trai tuyệt chủng hay sao.

Nó không sừng sộ mắng lại Thương, chỉ cười buồn: “Mốt mày yêu đi rồi mới hiểu, tình yêu là thứ chẳng thể gói gọn trong hai từ “có” hoặc “không””. Thương nhớ đã trề môi dài hàng cây số trước câu nói của nó. Rồi cuối cùng chính Thương lại lâm vào tình cảnh của con bạn, chờ mong những cánh thư, chờ mong những cuộc điện thoại, chờ mong những cuộc gặp gỡ ba chớp ba nhoáng. Đúng là ghét của nào trời trao của đó.

Thương thích đọc thư Tùng gửi. “Ơi trời ơi, thời 4.0 rồi mà còn viết thư tay cho nhau, tụi mày định là Romeo và Juliet thời hiện đại ha gì”, nhỏ Nga lắc đầu ngán ngẩm mỗi khi thấy Thương háo hức mở thư. Mặc kệ, cứ thử là thư người yêu gửi cho nó xem, có khi còn cười ha hả như điên nữa kìa, chứ cười mỉm một mình như Thương thì nhằm nhò gì. Tùng viết thư rất sến, câu chữ anh dùng nó cũ kỹ như anh vậy:

“Em biết không mỗi lần nhớ em không ngủ được, anh lại ngâm mình xuống biển. Biển dịu êm như tóc em. Biển vỗ về ôm ấp anh như vòng tay em. Anh lại nhớ mùi bồ kết trên tóc em. Ôi cái mùi anh khát khao được ngửi ám vào cả những giấc mơ. Nhớ quá, anh phải nhắn má mua ít bồ kết gửi ra đảo, nói dối là để gội đầu. Thật ra anh bỏ vào gối, để mỗi đêm ngủ được gần hương tóc em…”.

Xạo xạo, Thương trề môi thầm nghĩ. Đàn ông mà, khi yêu ai chẳng nói ngọt như mía lùi. Cứ thử lấy về coi, chung một nhà coi, lại chẳng thèm nhìn mặt nhau nữa là. Thương biết điều đó chứ, thì chị hai Thương đó. Từ hồi có chồng, rồi sinh con, chị càng ngày càng già đi trông thấy. Nhiều bận vợ chồng xục xịch, chị chạy về khóc với má.

Má dỗ: “Thôi vợ chồng nào chẳng có lúc cơm không lành, canh không ngọt, ráng nhịn nhau mà sống chứ cứ hở xíu đòi bỏ nhau sao được”. Vậy á, chớ rồi lại gây, cũng khóc, cũng ôm má nhứt quyết đòi bỏ. Cái tập phim này Thương coi đi coi lại miết thành ra thuộc nằm lòng, thành ra ngán luôn cái chuyện lấy chồng. Ước gì cứ quen nhau miết vậy khỏi vợ chồng gì hết cho khỏe.

Nhỏ Nga trợn mắt: “Mày khùng quá, ai lại quen nhau hoài hổng cưới. Bộ mày muốn thiên hạ đồn bậy bạ hay gì. Có sướng có khổ cũng phải cưới. Cưới để cho ba má mầy còn thở phào nhẹ nhõm chớ cứ để ổng bả phập phồng lo lắng ngủ hổng nổi sao”. “Mớ gì lo hổng ngủ nổi”.

“Thì sợ mày vác cái ba lô ngược lúc nào hổng hay đó. Hổng nghe người ta nói có con gái ở trong nhà như bom nổ chậm sao”. “Xì, xàm quá, tụi tao còn chưa biết hôn môi là gì”. Nhỏ Nga cười như điên: “Đừng có xạo, chưa mà sao viết thư mùi như mía lùi vậy bà”. Mặt Thương đỏ rần, thì cũng có vài lần.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Thương không nhớ rõ đã hôn môi nhau bao nhiêu lần, chỉ nhớ được lần đầu tiên Tùng đặt nụ hôn lên môi cô là một đêm tháng Sáu, ngoài bờ biển khi hai người đang ngắm trăng.

Thành ra từ đó, mỗi lần nhớ anh, Thương hay ra bờ biển dạo. Rồi nỗi nhớ dần dày đặc hơn đến độ chiều nào Thương cũng ra biển ngóng về nơi chân trời xa tít tắp ngoài kia để kiếm tìm hòn đảo anh đang gác.

Chỉ biêng biếc một màu xanh của biển, chỉ bao la bầu trời rộng lớn, chẳng thể nào Thương thấy được hòn đảo nhỏ nơi đơn vị Tùng đóng quân. Vậy mà chiều nào cũng dạo bờ biển, lắng nghe sóng rì rầm, như thể lẫn trong tiếng sóng có tiếng của người yêu.

Thương đã thôi không còn mong làm người yêu của Tùng mãi mãi, đã bắt đầu nhen nhóm một ước mơ về mái nhà nho nhỏ có tiếng bi bô của trẻ con. Thương muốn mỗi đêm được nằm bên cạnh anh, luồn tay vào mái tóc ghẹo cho anh cười. Muốn mỗi buổi chiều khi cả hai đi làm về cùng nhau vào bếp nấu ăn, rồi cùng nhau ăn những món mà hai đứa nấu.

Thế là Thương viết thư cho Tùng biểu: “Làm sao thì làm, sắp xếp xin chuyển công tác về đất liền cho em, nếu không đừng viết thư cho em nữa”. Thư chỉ vỏn vẹn nhiêu đó chữ. Gửi thư đi và hồi hộp đợi chờ. Bao nhiêu chiều ra dạo biển rồi Thương chẳng rõ chỉ biết từ khi cô gửi lá thư kia thì không còn thấy Tùng gọi điện, không thấy Tùng gửi thư.

Chẳng lẽ anh yêu đảo, yêu biển đến mức chẳng cần Thương nữa? Ý nghĩ ấy làm Thương rưng rức khóc mỗi đêm. Trách người ta vô tình. Trách mình yêu chân thành quá, say đắm quá để giờ đây sáng con mắt ra mới thấy đau.

Thương dứt từng ký ức về Tùng quăng xuống biển. Muốn sóng đánh chúng ra xa thật xa. Muốn chúng chìm sâu dưới lòng biển. Muốn tâm hồn mình tĩnh lặng như hồi chưa yêu anh. Nhưng tất cả chỉ là mong muốn còn sự thật thì luôn luôn trái ngược. Càng dứt ra bao nhiêu, nỗi nhớ càng lấp đầy bấy nhiêu.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Thành ra, tình yêu tưởng chừng bỏ phát một giờ cứ dai dẳng bám hoài chẳng thể dứt ra. Như thể nó đã ăn sâu vào máu, vào tim, vào khối óc. Đến độ nhiều khi Thương lật đật đi tắm, lật đật ăn cơm để kịp 7 giờ tối. Giờ đó Tùng hay gọi cho Thương mỗi tối thứ Bảy.

Để rồi sực nhớ ra đã lâu rồi anh không gọi điện kể từ khi cô gửi bức thư cuối cùng đến nay. Có lẽ Tùng đã quyết định im lặng thay cho câu trả lời. Chưa bao giờ Thương ghét anh đến vậy. Có quyết định thế nào cũng phải nói chớ, thấy khó nói thì cũng phải nhắn tin chớ.

Im lặng là sao? Là Tùng coi thường Thương, coi thường tình cảm bấy nhiêu lâu của cả hai chăng. Hoặc là với Tùng, Thương chỉ là một cái gì nhàn nhạt, không xác định rõ, là một cái thùng thư biết hồi âm. Có thể anh chưa từng yêu cô, những lá thư mật ngọt ấy chỉ viết để gửi một cô gái trong tưởng tượng của anh, không chừng.

Tất cả những suy đoán ấy dày vò Thương mỗi đêm, đến độ nhỏ Nga phải gào lên: “Mày soi gương dùm tao đi, coi cái bản mặt mày kìa, trời ơi, có gớm giếc hông Thương ơi là Thương”.

Nó dí cái gương vào sát mặt Thương bắt dòm cho thiệt kỹ. Thương thấy chớ. Thấy cái gò má nhô cao, thấy hai con mắt trũng sâu thâm đen, thấy da mặt sạm đi. Thương thấy tất cả những nét xấu xí tàn tạ trên mặt mình chớ, có điều cô không còn tha thiết buồn vì nó nữa. Còn nỗi buồn nào to lớn hơn bị phụ tình!

Một buổi chiều thứ Bảy nọ nhỏ Nga sềnh sệch lôi Thương ra bờ biển tay xách cái ba lô đầy những thư. Nó bắt Thương ngồi trên cát châm lửa đốt tất cả thư của Tùng. Đốt đi, để làm gì, còn cái đống thư này là mày còn buồn mà tự hành hạ bản thân. Đốt đi rồi quên hết đi nhen. Ừ thì đốt. Ừ thì quên. Thương nhủ lòng như vậy.

Cô châm lửa đốt. Tờ giấy bén lửa nhanh chóng. Thương quăng nó vào đống thư bên dưới. Lửa từ tờ này chuyền qua tờ khác, gom nhau lại thành một đống lửa to hơn. Người ta hiếu kỳ nhìn hai đứa chỉ trỏ. Mặc kệ. Thương mặc kệ hết tất cả. Trên đời này chẳng còn gì quan trọng nữa. Cô ngồi bệt xuống cát, nhìn biển. Trống rỗng. Mênh mông. Thương không khóc.

Nhỏ Nga choàng tay ôm vai an ủi: “Từ nay quên hết đi. Cuộc đời mà, có bao giờ như ý muốn mình đâu. Từ mai phải sống vui vẻ lên nha, rồi mày sẽ gặp người khác tốt hơn thằng cha đó. Trời ơi, thiếu gì trai đẹp mà phải buồn hả mày”. Thương liếc dài, cái con quỷ này suốt ngày chỉ biết trai đẹp, trai đẹp. Nó cười phá lên, giòn tan. Nhìn vẻ mặt vui vẻ của nó, Thương cũng ước gì mình được vô tư như vậy, suy nghĩ đơn giản như vậy.

Nhỏ Nga chở Thương lang thang thành phố. Nó ép Thương ăn bao nhiêu là món, kể bao nhiêu là chuyện vui. Nó khiến Thương phì cười. Tới tận khuya hai đứa mới đèo nhau về nhà. Mới tới đầu hẻm nhỏ Nga đã kêu lên nho nhỏ:

- Suỵt, thằng cha nào đứng trước cửa nhà mày thì phải. Coi chừng cướp giật. Ớn quá.

Nó dừng xe. Thương nheo mắt nhìn về phía trước, một dáng người cao cao dựa lưng vào cổng đang đứng hút thuốc. Ai vậy ta. Sao nhìn quen quen. Thương xuống xe tò mò tiến về phía trước.

Nhỏ Nga kéo tay Thương cằn nhằn nho nhỏ: “Mày gọi ba mày ra đi, trời ơi, lỡ gặp giang hồ nó xử hai đứa mình luôn đó”. Thương như không nghe thấy lời nó. Thương gỡ tay nó ra, phăng phăng đi về phía trước. Cái dáng đứng quen quá. Bộ quần áo quen quá.

Đôi giày, cái đôi giày xanh quen quá. Là giày bộ đội mà. Lẽ nào… Người đàn ông phía cổng nghe tiếng chân giật mình quay lại. Mắt chạm mắt. Ngỡ ngàng. Tự dưng nước mắt Thương giàn giụa. Tự dưng hai chân Thương hóa đá. Ánh mắt đó, nụ cười đó, mái tóc đó. Trời ơi, làm sao Thương có thể quên được.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Vòng tay rắn chắc ôm chặt lấy vai Thương, Tùng vùi đầu vào tóc hít hà hương tóc người yêu thì thầm:

- Trời ơi, sao em nhẫn tâm vậy. Sao nỡ thay số điện thoại. Điện thoại anh rớt xuống biển hư mất tiêu nên nhận được thư đâu thể gọi cho em được. Anh xin cắt phép mấy tháng nay mới được, vội chạy đến tìm em.

Thương khóc tu tu như một đứa trẻ đòi mẹ dỗ. Tùng dỗ dành bằng những nụ hôn lên mắt, lên trán:

- Anh xin lỗi. Anh sai rồi. Anh sẽ không làm em buồn nữa đâu.

Thương càng khóc bạo hơn, không phải vì đau đớn mà là vì hạnh phúc.

Nếu bạn coi phim tình cảm mà đến cảnh hai nhân vật chính gặp nhau thấy họ khóc thì đừng cho rằng họ diễn, rằng xàm quá. Phải trải qua nỗi nhớ, nỗi đau, thì mới hiểu được cảm giác hạnh phúc khi gặp lại nhau nó lớn nhường nào. Nước mắt đâu phải chỉ rơi khi người ta đau khổ, nước mắt còn để rơi khi hạnh phúc đến quá bất ngờ.

Thiệt. Trong đám cưới bên bờ biển cô dâu đã khóc nức nở khi chú rể đeo vào tay cô chiếc nhẫn cưới. Cô quăng bó hoa vào lòng biển để những cặp đôi yêu nhau xa được đến bên nhau. Có phải biển đang cười, có phải biển đang hát không mà sóng chẳng dập dồn chỉ dịu êm vỗ nhẹ vào bờ cát?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.