Truyền cảm hứng sáng tạo cho trò

GD&TĐ - Không chỉ tận tụy, đam mê, sáng tạo trong công việc giảng dạy, thầy giáo trẻ Đinh Khắc Xuân – giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Nguyễn Huệ - thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) còn là người truyền cảm hứng, đam mê sáng tạo khoa học cho HS.

Thầy giáo Đinh Khắc Xuân
Thầy giáo Đinh Khắc Xuân

Dưới sự dẫn dắt của thầy, những sáng tạo khoa học kỹ thuật của HS đã giành được nhiều giải thưởng khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế.

Sáng tạo phục vụ cộng đồng

Sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2007, thầy Xuân được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Nho Quan B. Hai năm sau, thầy được chuyển công tác giảng dạy về Trường THPT Nguyễn Huệ - thành phố Tam Điệp.

Từ năm học 2010 - 2011, thầy được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý lớp 12. Trong 7 năm công tác tại trường, thầy đã có 17 em học sinh đạt Giải thưởng Đinh Bộ Lĩnh. Năm 2014, hưởng ứng Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kĩ thuật của ngành phát động, thầy lại cùng học trò của mình chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật. Với đề tài “Máy hàn cắt kim loại sử dụng nguyên liệu nước”, thầy đã hướng dẫn 2 em học sinh Ngô Đức Thắng và Phạm Thành Trung vượt qua những khó khăn và hoàn thiện sản phẩm. Đề tài đã giành giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kĩ thuật tỉnh Ninh Bình, được chọn thi cấp quốc gia và tiếp tục đạt được những thành tích đáng nể như: Giải Nhì lĩnh vực cơ khí, giải Ba toàn quốc, Giải thưởng xuất sắc nhất lĩnh vực cơ khí do Mỹ trao tặng.

Năm 2015, cùng với đề tài nêu trên, thầy Xuân và học trò của mình lại thử sức trong những cuộc thi khác và tiếp tục gặt hái thành công. Với giải đặc biệt trong Cuộc thi Sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, vượt qua 554 sản phẩm, đề tài được chọn đại diện cho Việt Nam đi thi quốc tế vào tháng 8/2016.

Tháng 8/2016 sản phẩm đi dự thi tổ chức tại Malaysia và đã xuất sắc giành Huy chương Vàng châu Á - Thái Bình Dương.

Tận tâm, sát cánh cùng HS

Trao đổi với chúng tôi, thầy Xuân cho biết, trong quá trình giảng dạy hay hướng dẫn HS tham gia nghiên cứu khoa học, luôn trăn trở làm thế nào để khuyến khích HS vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chú ý quan sát, phân tích các yếu tố xung quanh, bởi vì, toàn bộ môi trường sống xung quanh là cội nguồn cho sự sáng tạo.

Theo thầy Xuân: “Ý tưởng trong sáng tạo khoa học, kỹ thuật chính là quá trình phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Từ đó sẽ kích thích niềm hứng thú, đam mê của HS, luôn tìm tòi sáng tạo và suy nghĩ sáng tạo trong mọi tình huống. Chính các em phát hiện ra vấn đề và tự mình giải quyết được vấn đề đó. Còn giáo viên chỉ là người đóng vai trò hướng dẫn, khơi nguồn sáng tạo cho các em”.

Đối với những giờ giảng môn Lý, thầy đều bám sát nội dung bài dạy, bám sát từng đối tượng học sinh để đưa ra những hình thức dạy học thích hợp như phiếu học tập, đồ dùng trực quan… Ở mỗi bài dạy, tiết dạy thầy đều đưa ra những tình huống có vấn đề để học sinh suy nghĩ nhằm giúp các em nắm bài hiểu bài được sâu, kích thích sự hứng thú, quyết tâm học tập ở các em giúp cho việc học tập ngày càng tốt hơn.

“Môn Vật lý là môn có rất nhiều ứng dụng trong thực tế, nhưng lý thuyết và thực tế có phần khác xa nhau do có nhiều yếu tố gây nhiễu tác động lên các hiện tượng nên việc hướng dẫn học sinh áp dụng kiến thức để giải thích thực tế để học sinh hiểu được là điều rất khó khăn. Để làm nên thành công là cả một quá trình nỗ lực, kiên trì, cần cù và một chút táo bạo trong suy nghĩ” - thầy Xuân chia sẻ.

Với những nỗ lực, phấn đấu đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo cho học sinh, thầy giáo Đinh Khắc Xuân đã nhận được nhiều khen tặng. Đại diện cho toàn thể giáo viên Ninh Bình đi dự giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.