Khám phá này có thể sẽ ảnh hưởng lớn trong việc định hình các sứ mệnh trên Mặt trăng trong tương lai. Đồng thời, có thể ảnh hưởng đến tính khả thi của robot hoặc con người trên Mặt trăng.
Trong tương lai, các nhà thám hiểm hoặc robot có thể sử dụng CO2 rắn trong các bẫy lạnh để sản xuất nhiên liệu hoặc vật liệu. Nhờ đó, giúp lưu lại trên Mặt trăng lâu hơn. Trước đó, các nhà nghiên cứu đã xác nhận về sự hiện diện của băng trong những miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn xung quanh cực Nam của Mặt trăng.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn chưa được giải đáp là: Những miệng núi lửa này lạnh đến mức nào? Nếu không bao giờ ấm hơn -163 độ C, sự tồn tại của băng là hoàn toàn có thể. Song, nếu nhiệt độ đỉnh dưới -223 độ C, thì CO2 rắn có thể xuất hiện và không có khả năng bay hơi.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu nhiệt độ bề mặt trong 11 năm được thu thập bởi máy đo bức xạ Diviner trên Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng (LRO) của NASA. Đồng thời, kết hợp với các tính toán về những tháng âm lịch (lunation) và mùa âm lịch để tìm ra câu trả lời chính xác.
Kết quả cho thấy, những bẫy lạnh này tập trung xung quanh cực Nam của Mặt trăng. Tổng diện tích của những bẫy lạnh CO2 này là 204 km vuông. Khu vực lớn nhất trong miệng núi lửa Amundsen chứa 82 km vuông bẫy lạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, sự tồn tại của bẫy lạnh CO2 không đảm bảo sự tồn tại của CO2 rắn. Tuy nhiên, xác minh này cho thấy, khả năng cao là các sứ mệnh trong tương lai có thể tìm thấy CO2 rắn ở đó. Nếu được phát hiện, CO2 rắn sẽ cung cấp cho các sứ mệnh trong tương lai một nguồn tài nguyên để sản xuất thép, nhiên liệu tên lửa và vật liệu sinh học.
Norbert Schorghofer - nhà khoa học hành tinh tại Viện Khoa học Hành tinh - cho biết: “Tôi nghĩ khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu, câu hỏi đặt ra là “Chúng ta có thể tự tin nói rằng, có CO2 rắn trên Mặt trăng hay không?”. Điều ngạc nhiên của tôi là có thể, nhưng chúng tôi chưa thể chứng minh sự tồn tại đó”.