Theo các nhà khoa học, điều đáng lo ngại là tốc độ tăng trung bình của CO2 đang nhanh hơn bao giờ hết.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết, mức CO2 trung bình trong tháng 5 là 419,13 phần triệu. Nhà khoa học khí hậu Pieter Tans của NOAA cho biết, con số này cao hơn 1,82 phần triệu so với tháng 5/2020 và cao hơn 50% so với mức tiền công nghiệp là 280 phần triệu.
Mức CO2 có xu hướng cao nhất vào tháng 5 hằng năm, ngay trước khi đời sống thực vật ở Bắc bán cầu nở hoa. Khi đó, thực vật sẽ hút một phần CO2 khỏi khí quyển. Tuy nhiên, lượng khí thải CO2 từ dầu và khí đốt đã đẩy mức khí nhà kính lên mức kỷ lục mới.
Nhà khoa học khí hậu Natalie Mahowald của Đại học Cornell và là người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Việc đạt 50% lượng CO2 so với thời tiền công nghiệp thực sự đang thiết lập tiêu chuẩn mới và không phải là một điều tốt. Nếu muốn tránh những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ hơn để cắt giảm lượng khí thải CO2 ngay lập tức”.
Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng nhiệt độ. Tình trạng này khiến thời tiết khắc nghiệt hơn. Đồng thời, gây axit hoá đại dương và khiến mực nước biển dâng cao. Ngoài ra, những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ là điều không thể phủ nhận.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy, việc phong toả do đại dịch đã hạn chế phương tiện giao thông, đi lại và các hoạt động khác, khiến mức CO2 giảm. Song, điều đó quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt đáng kể. CO2 có thể tồn tại trong không khí trên 1.000 năm.
Vì vậy, những thay đổi hằng năm về lượng khí thải không ảnh hưởng nhiều. Tốc độ tăng trung bình CO2 trong 10 năm cũng lập kỷ lục, hiện lên 2,4 phần triệu mỗi năm.
Nhà khoa học khí hậu Pieter Tans cho biết: “Lượng CO2 tăng trong vài thập kỷ như vậy là điều vô cùng bất thường. Ví dụ, khi Trái đất chấm dứt Kỷ băng hà cuối cùng, CO2 tăng khoảng 80 phần triệu. Chúng ta có mức tăng lớn hơn nhiều trong vài thập kỷ qua”.
Trong khi đó, nhà khoa học khí hậu Michael Oppenheimer của Đại học Princeton - người không tham gia nghiên cứu, nhận định, thế giới đang tiến gần đến thời điểm vượt quá các mục tiêu của Paris. Trái lại, việc bước vào vùng nguy hiểm về khí hậu là điều gần như không thể tránh khỏi.