Trường vùng khó trăm phương, nghìn kế vẫn khó giữ chân giáo viên hợp đồng

GD&TĐ - Trước khi nghỉ hè, thầy Bùi Quang Ngọc – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) bắt đầu vận động 8 giáo viên tiếp tục gia hạn hợp đồng.

Giáo viên tiểu học tại Nam Trà My tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 theo hình thức trực tuyến.
Giáo viên tiểu học tại Nam Trà My tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 theo hình thức trực tuyến.

Thế nhưng, nhiều người trong số này cho biết sẽ không tiếp tục dạy hợp đồng trong năm học tới. Bài toán thiếu giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng khiến ban giám hiệu nhiều trường học vùng cao đau đầu. 

Tự mua tài khoản để giáo viên hợp đồng tập huấn

Kết thúc năm học 2021 – 2022, cô Trà Thị Hậu, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) về quê để bắt đầu kỳ nghỉ hè thì nhận được thông báo quay trở lại trường tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 3. Từ xã Bình Trị (huyện Thăng Bình), cô Hậu vượt hơn 130km quay trở lại nhiệm sở, thêm gần chục cây số nữa để tham gia tập huấn trực tuyến tại Trường Tiểu học Vừ A Dính.

Thầy Võ Đăng Chính – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam chia sẻ: “Đa phần giáo viên của nhà trường đều từ đồng bằng lên. Lịch tập huấn vào đầu tháng 6 nên thầy cô đều chân ướt chân ráo về quê đã phải quay trở lại trường. Tuy là tập huấn trực tuyến lại tập trung trực tiếp theo cụm trường nên giáo viên vất vả trong di chuyển. Điều kiện di chuyển của giáo viên miền núi cao không thuận tiện như ở đồng bằng nên nhà trường đã tính đến phương án hỗ trợ thêm chi phí xăng xe để động viên các thầy cô chứ cũng không có chế độ công tác phí”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có 3 giáo viên nam sẽ đảm nhận đứng lớp 3 vào năm học tới tham gia tập huấn. Thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tập huấn vào đầu tháng 6, khi giáo viên vừa bắt đầu kỳ nghỉ hè chưa được bao lâu cũng có chút trở ngại. Tuy nhiên, cả 3 thầy giáo tham gia tập huấn đợt này nhà ở huyện Nam Trà My hoặc Bắc Trà My nên quãng đường di chuyển không quá xa”.

Thầy Võ Đăng Chín đang tính đến phương án đề xuất với phòng GD&ĐT cho trường hợp đồng giáo viên từ tháng 8 để có thể tham gia các hoạt động bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn. “Cho dù tháng 9 giáo viên mới đứng lớp nhưng để đảm bảo chất lượng dạy – học, giáo viên dạy hợp đồng cũng phải được tham gia bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn từ trong hè cùng với giáo viên biên chế” – thầy Chín nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, năm học 2022 – 2023, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam có 8 lớp ở cấp tiểu học nhưng chỉ có 5 gáo viên cơ hữu. Trong số này có 1 giáo viên sẽ nghỉ chế độ thai sản. “Năm học vừa qua, 3 giáo viên xin chuyển về đồng bằng nhưng nhà trường đành phải giữ lại vì không tìm đâu ra giáo viên để hợp đồng.

Năm nay, nếu thầy cô tiếp tục xin chuyển cũng không thể giữ chân họ mãi được” – thầy Chín trao đổi đồng thời thông tin. Trong khi đó, giáo viên dạy học các khối lớp thuộc Chương trình giáo dục phổ thông mới phải tham gia tập huấn đổi mới chương trình – sách giáo khoa. Vì vậy, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam dự kiến sẽ trích từ ngân sách, mua thêm tài khoản để những giáo viên hợp đồng đều phải học qua các mô-đun 1, 2, 3, 4 của chương trình bồi dưỡng.

Một buổi tập huấn trực tuyến về việc sử dụng sách giáo khoa của giáo viên tiểu học tại Nam Trà My.
Một buổi tập huấn trực tuyến về việc sử dụng sách giáo khoa của giáo viên tiểu học tại Nam Trà My.

Tìm đủ cách giữ chân giáo viên hợp đồng

Thầy Bùi Quang Ngọc chia sẻ: “Các trường học miền núi thường rất khó ổn định đội ngũ do giáo viên thường xin chuyển công tác về đồng bằng. Khi bắt đầu triển khai chương trình thay sách giáo khoa với lớp 1, nhà trường cử 4 giáo viên tham gia tập huấn. Thế nhưng, 2 trong số 4 giáo viên này đã xin chuyển về đồng bằng. Vì vậy, nhà trường đành phải sử dụng các video dạy học minh họa để những giáo viên thay thế tham khảo”. Ngoài ra, thầy cô này sẽ được tổ chuyên môn hỗ trợ trong quá trình dạy học thực tế và các sinh hoạt chuyên đề.

Một khó khăn nữa là các trường rất khó tìm nguồn giáo viên để hợp đồng. Theo thầy Võ Đăng Chín, với mức lương hợp đồng chỉ từ 3 - 4 triệu, quả thật rất khó tìm được nguồn tuyển. “Năm học 2021 – 2022, chúng tôi có 2 giáo viên hợp đồng. Để giữ chân thầy cô tiếp tục gia hạn hợp đồng trong năm học tới, nhà trường đề xuất với phòng GD&ĐT được trả lương trong hè nhưng không được thông qua. Phương án nhà trường đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng trong hè cũng không được phê duyệt”, thầy Chín nói.

Cũng có cùng nỗi lo như thầy Võ Đăng Chín, thầy Bùi Quang Ngọc cho biết: “Theo chính sách hỗ trợ nhân viên phục vụ nấu ăn cho các trường dân tộc bán trú của tỉnh thì một cấp dưỡng được hưởng 300% mức lương cơ bản, nghĩa là gần 4,5 triệu. Trong khi một giáo viên hợp đồng có trình độ đại học chỉ khoảng 4 triệu, chưa trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội. Nếu hợp đồng giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng thì mức lương còn thấp hơn nữa. Vì vậy, rất khó tìm nguồn giáo viên để hợp đồng”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng hiện thiếu 8 giáo viên dạy văn hóa. “Chúng tôi đặt vấn đề kéo dài hợp đồng nhưng đa phần giáo viên đều từ chối. Giờ chỉ hy vọng vào khóa sinh viên sư phạm tốt nghiệp vào tháng 6 này sẽ trở về địa phương để ký hợp đồng, giải quyết phần nào bài toán thiếu giáo viên đứng lớp. Phương án bồi dưỡng giáo viên thì vẫn phải trích kinh phí để mở mới tài khoản tập huấn, đảm bảo giáo viên nắm được tổng thể chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như tự bồi dưỡng đầy đủ các mô-đun theo yêu cầu” – thầy Ngọc thông tin. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ