Trường vùng cao xây dựng “thương hiệu”

GD&TĐ - Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà- Lào Cai) là trường vùng cao khó khăn. Tuy nhiên, từ triển khai các mô hình giáo dục hiệu quả, đã giúp trường thay đổi từ cảnh quan đến chất lượng giáo dục.

Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà- Lào Cai) nhìn từ trên cao xuống.
Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà- Lào Cai) nhìn từ trên cao xuống.

Nâng "tầm" từ mô hình giáo dục hiệu quả

Hoàng Thu Phố là một trong số 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Trên địa bàn xã có 4 đơn vị trường học, trong đó 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS.

Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 có nhiệm vụ tuyển sinh HS từ 4 thôn bản khó khăn nhất của xã. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chiếm 26,4%. Số học sinh thuộc hộ nghèo theo học tại trường là 85/222 em, chiếm 38,3%. 100% HS dân tộc.

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn khó khăn như vậy nhưng những năm qua cán bộ, giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để khẳng định hiệu quả giáo dục .

Tới nay, trường được đánh giá là một trong những trường vùng khó có chất lượng giáo dục tốt, cảnh quan trường lớp sạch đẹp… sánh ngang và thậm chí có mặt vượt trội so với các trường trên địa bàn huyện Bắc Hà.

Vườn rau không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp học sinh học tập trải nghiệm hiệu quả
Vườn rau không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp học sinh học tập trải nghiệm hiệu quả

Chia sẻ về cách vượt khó của trường, thầy Nguyễn Tiến Công – Hiệu trưởng cho biết: Trường  may mắn nhận được sự chỉ đạo sát sao và những định hướng phù hợp của Sở GD&ĐT Lào Cai; Phòng GD&ĐT Bắc Hà. Đặc biệt là sự quan tâm và đồng lòng của BGH, GV trong các hoạt động giáo dục.

Nhiều năm qua, trường đồng thời triển triển khai nhiều mô hình giáo dục như: “Bán trú tự quản”; “Trường học gắn với thực tiễn”. Từ đó đã phát huy được những điểm mạnh các mô hình vào thực tế, hiệu quả và chất lượng giáo dục tăng lên, công tác quản lý và chăm sóc học sinh có thêm điều kiện để triển khai tốt hơn.

Minh chứng, với mô hình “Bán trú tự quản” đã giúp công tác bán trú thực hiện hiệu quả, có nền nếp. Các hoạt động bán trú, nội vụ phòng bán trú được xây dựng theo mô hình quân đội; học sinh luôn thực hiện tốt nội quy và các hoạt động tại trường theo lịch khép kín trong ngày; Học sinh không chỉ được tăng cường về ý thức, tự giác, chủ động trong sinh hoạt mà còn tăng cường kĩ năng sống.

Học sinh thu hoạch sản phẩm từ chính sức lao động của mình
Học sinh thu hoạch sản phẩm từ chính sức lao động của mình

Qua trao đổi cùng thầy Nguyễn Tiến Công cũng cho biết: Với quỹ đất rộng, trường đã biến đây thành lợi thế để phát triển mô hình “Trường học nông trại”. Thông qua mô hình này, học sinh đến trường ngoài học kiến thức văn hóa còn được thực hành, trải nghiệm với những công việc cụ thể gắn liền với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Mô hình cũng góp phần giáo dục học sinh tình yêu lao động, quý trọng sản phẩm lao động hiệu quả.

Và đặc biệt hơn, từ mô hình “Trường học nông trại” trường đã quy hoạch được 500m2 giàn su su kiên cố; 200m2 nhà lưới và khoảng 400m2 để trồng rau xanh. Sản lượng thu được hàng năm đã trở thành nguồn thực phẩm thiết thực phục vụ đời sống hàng ngày của hàng trăm học sinh nội trú.

Những vườn rau xanh giúp trường thu về 50-70 triệu/năm
Những vườn rau xanh giúp trường thu về 50-70 triệu/năm

Thầy Lê Trung Thành – giáo viên nhà trường chia sẻ: “Mỗi năm trường xây dựng cho 100% học sinh được học tập 10 tiết thực tế tại mô hình “Trường học nông trại” và có giáo viên phụ trách giảng dạy. Sau giờ học, học sinh được tham gia thực hành trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cảnh quan trường lớp. Từ đó bước đầu cho học sinh tiếp cận với nghề nông đồng thời giáo dục trách nhiệm với bản thân, trường lớp, trân quý sản phẩm lao động…”

Không những mang lại hiệu quả, giá trị phục vụ học sinh, sản phẩm từ mô hình “Trường học nông trại” thu hoạch được đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường.

Vào những thời điểm chính vụ không sử dụng hết phải bán ra ngoài thị trường thì số tiền thu được từ mô hình “Trường học nông trại” nhà trường sử dụng đầu tư mua sắm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: Xà phòng tắm, giặt, khăn mặt, bàn trải, kem đánh răng… cho HS và cho các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, xây dựng khung cảnh trường lớp khác.

Được biết, mỗi năm mô hình “Trường học nông trại” đã giúp trường thu về từ 50 - 70 triệu đồng.

Trường học xanh, sạch đẹp 

Những hàng hoa hồng giúp cảnh quan trường học đẹp mắt và cuốn hút học sinh
Những hàng hoa hồng giúp cảnh quan trường học đẹp mắt và cuốn hút học sinh

Bên cạnh mô hình “Trường học nông trại” việc xây dựng cảnh quan trường lớp luôn được nhà trường quan tâm thực hiện nhiều năm nay. Theo định hướng của Sở GD&ĐT Lào Cai phát động mỗi trường học một vườn cây, trường đã tiến hành xây dựng 1 khu công viên hồ vườn với diện tích 150m2 ; 1 vườn hoa hồng 120m2 và 1 vườn đào 140m2.

Công viên, vườn hoa, vườn cây luôn được các em học sinh quan tâm chăm sóc hàng ngày tạo nên môi trường học tập sạch, đẹp, thân thiện. Từ đó các em thêm yêu trường, yêu lớp, coi “Trường học là nhà”. 

Vườn hoa, vườn rau, vườn cây của trường nhiều năm qua đã được quy hoạch phù hợp, chăm sóc hiệu quả góp phần tạo nên không gian đẹp, thân thiện và tạo ra giá trị kinh tế.

Em Giàng Quốc Vinh, lớp 4A1 chia sẻ: “Trường em có phong cảnh đẹp, nhiều hoa cây cảnh… nên thích đến trường. Các khu tiểu cảnh được thầy cô xây dựng cũng cuốn hút học sinh trong những giờ ra chơi, sau giờ học.

Những tiểu cảnh giáo dục do chính giáo viên nhà trường tạo ra
Những tiểu cảnh giáo dục do chính giáo viên nhà trường tạo ra

Đặc biệt các tiết học trải nghiệm thực tế ngoài sân trường, vườn hoa rất hấp dẫn, cuốn hút. Qua việc chăm sóc cây cảnh tại trường em đã có thêm kiến thức để hỗ trợ gia đình khi ở nhà…”.

Từ sự thành công của Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà- Lào Cai) cho thấy, nếu áp dụng đúng đắn và sáng tạo các mô hình giáo dục thì trường học vùng khó hoàn toàn có cơ hội thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng giáo dục dù điều kiện còn khó khăn.

Mặt khác, đây sẽ là hướng đi, một cách xây dựng “thương hiệu” giáo dục đáng để các trường có cùng điều kiện, hoàn cảnh học hỏi, áp dụng triển khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.