Trường tư tại Nghệ An: Lao đao vì dịch, cố níu giáo viên

Trường tư tại Nghệ An: Lao đao vì dịch, cố níu giáo viên

Loay hoay giải quyết quyền lợi cho giáo viên

Từ khi tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh đến nay, Trường Mầm non Arita (TP Vinh, Nghệ An) rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Trẻ nghỉ học, đồng nghĩa với nguồn thu duy nhất của trường không còn. Nhưng nhà trường vẫn quyết định chi trả lương cho 24 giáo viên với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng/tháng. 

Bà Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trong 2 tháng qua, chúng tôi vẫn trả 100% lương cho giáo viên. Tuy nhiên, nếu tiếp tục nghỉ học kéo dài đến 6 tháng, thì chúng tôi chỉ có thể chi trả được 70% lương và cả năm thì chỉ khoảng 50%. Việc trả lương, đóng bảo hiểm đầy đủ nhằm giữ chân giáo viên không nghỉ việc. Vì trường mới bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, nếu làm “mất” lao động, việc tìm kiếm và tuyển dụng lại giáo viên, nhân viên sau dịch bệnh sẽ rất khó khăn.

Đây cũng là nỗ lực rất lớn của Trường Mầm non Arita vì năm đầu tuyển sinh, trường mới đạt 1/2 chỉ tiêu. Trong khi đó, thời điểm ra Tết chỉ có 60% trẻ được phụ huynh cho đến lớp. Nhà trường cũng lo ngại, tình trạng nghỉ học sẽ còn tiếp tục kéo dài sau khi Sở GD&ĐT quyết định cho học sinh đi học trở lại. Vì lứa tuổi mầm non, nhiều phụ huynh cho rằng cho con ở nhà sẽ an toàn hơn.

Dù quy mô nhỏ, nhưng cơ sở mầm non Yên Bình (TP Vinh) những năm qua tuyển sinh ổn định với khoảng 100 cháu. Giáo viên được chi trả lương và đóng BHXH đầy đủ. Nhưng 2 tháng nay trẻ nghỉ học, việc chi tiêu của cơ sở gặp muôn vàn khó khăn. “Chúng tôi tìm mọi cách tính toán, cân đối mới có thể đóng BHXH cho giáo viên. Nếu không đóng bảo hiểm, giáo viên sẽ mất nhiều quyền lợi, nhất là trong trường có cô chuẩn bị sinh. Hiểu được khó khăn chung trong giai đoạn này, nên các cô cũng thông cảm và chia sẻ với Ban giám hiệu, bà Nguyễn Thị Cẩm – chủ cơ sở mầm non Yên Bình chia sẻ.

Tuy nhiên, số trường có thể đóng BHXH, chi trả một phần lương cho giáo viên không nhiều. Thậm chí nhiều trường đang chật vật duy trì tình trạng hoạt động. Cơ sở mầm non tư thục Minh Anh (huyện Hưng Nguyên) khai trương được 1,5 tháng thì nghỉ học. Hiện, 3 giáo viên đã xin thôi việc.

“Chúng tôi không biết giải quyết quyền lợi cho giáo viên còn lại thế nào, vì chưa có nguồn thu, lại đang nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất. Nếu chi trả các chế độ thì không kham nổi, nếu không có thể giáo viên sẽ nghỉ việc và sau này tuyển dụng lại rất vất vả”, ông Nguyễn Đình Tạo – chủ cơ sở lo lắng.

Tình trạng tương tự ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Asem Việt Nam (TP Vinh) chỉ có thể trả lương cho 25 nhân viên văn phòng. Còn hơn 60 giáo viên chưa có phương án nào, dù trung tâm vẫn đồng ý cho “ứng” lương nếu có nguyện vọng. Ông Trần Vĩnh Quỹ - Giám đốc Trung tâm còn lo ngại việc nghỉ học kéo dài ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của học viên. Do lộ trình đào tạo một chương trình dài 12 tháng, thường bắt đầu từ tháng 6 năm nay và kết thúc vào tháng 5 năm sau. Với tình trạng này, các khóa học sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến cả năm tiếp theo.

Giáo viên xoay xở đủ nghề tay trái

Không có thu nhập trong thời gian nghỉ việc, nhiều giáo viên trường ngoài công lập xoay xở đủ nghề tay trái để bảo đảm cuộc sống. Cô Nguyễn Thị Mai Anh (GV một trường mầm non tư thục tại TP Vinh, Nghệ An) có 2 con nhỏ, trong đó một bé mắc bệnh hiếm phải điều trị thường xuyên. “Lâu nay, giáo viên ngoài công lập đi dạy tháng nào có lương tháng đó. Giờ trẻ nghỉ học, không có thu nhập, tôi thử bán hàng online, nhưng cũng khó khăn. Vì mình bán thời vụ, không có khách quen, thuê ship cũng vất vả”, Mai Anh chia sẻ.

Cô Trần Thị Minh Ngọc có kinh nghiệm 4 năm tại một trung tâm ngoại ngữ cho biết: Thu nhập mỗi tháng của tôi từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, nhưng nay đã bị cắt. Gần 2 tháng nay, tôi quyết định về quê ở với bố mẹ để tiết kiệm chi tiêu. Còn cô Nguyễn Thảo Liên (quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì liên hệ với một cửa hàng kinh doanh hải sản để bán hàng tại TP Vinh. Trời nắng thì cô nhập thêm kem, sữa chua, các loại bánh kẹo để bán. Liên cũng chia sẻ, giáo viên trong trường đều xác định là không có lương trong thời gian này nên cố gắng tìm nghề tay trái. Đa số bán hàng online, có người bán bảo hiểm nhưng thu nhập không đáng kể.

Ông Lê Trường Sơn - Phó trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh, Nghệ An cho biết: Khảo sát hơn 30 trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn, khó khăn chung hiện nay là không có tiền chi trả lương và các chế độ BHXH, BHYT cho cán bộ, giáo viên. Một số trường, cơ sở mới thành lập nên khó khăn trong việc chi trả lãi suất ngân hàng. Việc nghỉ học dài ngày cũng ảnh hưởng đến việc tuyển sinh tuyển dụng nhân sự của nhà trường. Ngoài ra, đối với các trường tiểu học, mầm non công lập thì không có nguồn để chi trả cho nhân viên nấu ăn bán trú.

Liên quan đến vấn đề này, phòng GD&ĐT một số huyện, thành thị đang bắt đầu tổng hợp ý kiến của trường ngoài công lập. Đồng thời, đề nghị Sở GD&ĐT tham mưu với các cấp có cơ chế hỗ trợ cho các trường mầm non ngoài công lập, có ý kiến với cơ quan BHXH gia hạn việc chậm đóng tiền BHXH của cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ