Trường tư rục rịch tuyển sinh đầu cấp

GD&TĐ - Nhiều trường tư thục tại Hà Nội đang triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp năm 2024, trong đó có áp dụng công nghệ để tránh quá tải.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Đánh giá năng lực đầu vào

Con gái học lớp 5 ở quận Đống Đa, chị Hoàng Tú Uyên đang nghiên cứu phương án tuyển sinh của Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Cầu Giấy) năm học 2024 - 2025. Phụ huynh này chia sẻ, trên mạng có nhiều thông tin tuyển sinh của các trường ngoài công lập nhưng qua giới thiệu chị cho con tham gia khóa học hướng dẫn làm bài khảo sát đánh giá năng lực đầu vào lớp 6 đợt 2 của trường.

“Điều tôi tâm đắc là không gian sư phạm, phương pháp giảng dạy của nhà trường. Con tới đây để trải nghiệm với bao cảm xúc vui mừng, hạnh phúc khi các thầy cô tạo được hứng khởi cho học trò. Không chỉ với kiến thức trong sách, các con được hoạt động thực tế để gia tăng vốn sống, biết yêu thương, quý trọng gia đình, thầy cô, hòa đồng với bạn bè”, chị Tú Uyên tâm sự.

Cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 năm 2024 của trường là 280 em. Nhà trường dựa trên kết quả bài khảo sát đánh giá năng lực thí sinh để xét tuyển. Từ ngày 12/1 đến hết 30/3, trường phát hành mã kích hoạt hồ sơ tuyển sinh cho phụ huynh. Kỳ khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 năm học 2024 - 2025 sẽ tổ chức ngày 14/4.

Theo lãnh đạo Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy), phụ huynh được ban tuyển sinh thông tin, tư vấn cụ thể về chương trình, hoạt động giáo dục. Trường tổ chức hội thảo tư vấn cho phụ huynh trực tiếp hoặc trực tuyến. Việc đăng ký tuyển sinh có thể thực hiện qua hình thức trực tuyến theo đường link nhà trường cấp. Ban tuyển sinh duyệt và cấp mã với hồ sơ hợp lệ, thời gian và phương thức dự tuyển được gửi vào email phụ huynh đăng ký.

Tương tự, Trường Phổ thông liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm) cũng tiến hành kiểm tra năng lực đầu vào khi tuyển sinh lớp 1 năm học 2024 - 2025. Phụ huynh cần nộp đơn đăng ký dự tuyển theo mẫu, sau đó học sinh tuyển vào lớp 1 được trải nghiệm các hoạt động do giáo viên tổ chức, phỏng vấn trực tiếp 1:1 để đánh giá năng lực tư duy, ngôn ngữ, cảm xúc xã hội, kỹ năng tự lập, vận động. Nhà trường nhận hồ sơ tới hết tháng 6/2024 hoặc khi hết chỉ tiêu. Mục tiêu của trường là sĩ số không quá 26 học sinh/lớp.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) tuyển sinh 584 chỉ tiêu vào lớp 1 năm học 2024 - 2025. Nhà trường phỏng vấn trực tiếp học sinh để xét tuyển vào ngày 7/4 và thông báo kết quả sau một tuần. Quá trình này, giáo viên sẽ đánh giá sự tương tác và cách phát âm của trẻ. Cha mẹ học sinh chỉ cần quét mã QR để nhập thông tin và nộp lệ phí xét tuyển trước ngày 26/3. Từ ngày 30/3 đến ngày 3/4, trường gửi thông báo qua tin nhắn và thông tin chi tiết thời gian xét tuyển vào thư điện tử của phụ huynh.

Học sinh tham gia trải nghiệm tại Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Học sinh tham gia trải nghiệm tại Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Giảm áp lực qua tuyển sinh trực tuyến

Áp lực tuyển sinh đầu cấp tại thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM những năm gần đây không quá xa lạ. Để giải quyết phần nào vấn đề này, năm học 2024 - 2025, nhiều trường phổ thông ngoài công lập tại Hà Nội đẩy mạnh hình thức tuyển sinh trực tuyến. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của sở GD&ĐT trong công tác tuyển sinh để đảm bảo tính minh bạch, hạn chế tình trạng phụ huynh thức thâu đêm giữ chỗ ở cổng trường để đăng ký.

Anh Đặng Văn Sơn, trú quận Nam Từ Liêm nhận định, đây là chủ trương đúng bởi cách đây mấy năm từng phải nghỉ buổi làm việc để đăng ký cho con vào học lớp 6 một trường tư thục quận Cầu Giấy. Giờ đây, phụ huynh có thể ngồi tại nhà hoặc nơi làm việc để đăng ký kiểm tra đầu vào tuyển sinh. Tuy nhiên, anh Sơn cho rằng, để tránh tình trạng tuyển sinh thiếu minh bạch mỗi cán bộ tuyển sinh phải làm việc thực sự công tâm, khách quan để đảm bảo quyền lợi học sinh.

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định, việc các trường tư thục đưa ra thông tin tuyển sinh đầu cấp thời điểm này khá sớm. Điều này giúp nhà trường có thể lựa chọn học sinh chất lượng. Thực tế cho thấy, đâu đó còn tình trạng phụ huynh không chú ý lịch đăng ký tuyển sinh dẫn tới không vào được trường mong muốn.

Để tránh tình trạng tuyển sinh thiếu minh bạch, hay phụ huynh thức xuyên đêm tranh chỗ học cho con, TS Vũ Thu Hương kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội siết chặt quy định thông tin, thời gian tuyển sinh. Thay vì để hàng nghìn phụ huynh phải cầm hồ sơ trực tiếp đứng ở cổng trường một ngày, mỗi trường chỉ cần cung cấp mã QR để phụ huynh quét và thực hiện các bước mà không phải chen lấn, xô đẩy. Khi số lượng chỉ tiêu của trường đủ, phụ huynh có thể sang trường khác đăng ký.

Năm học 2023 - 2024, một số trường phổ thông ngoài công lập xảy ra tình trạng phụ huynh thức xuyên đêm giành suất học cho con khiến dư luận lo lắng. Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường công lập và ngoài công lập trên địa bàn phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện về hạ tầng, thiết bị, nhân lực để tổ chức tuyển sinh trực tuyến trong kỳ tuyển sinh năm học 2024 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.