Nhà trường muốn khuyến khích học sinh đi ngủ sớm.
Theo thông tin từ tờ China Daily, đây không phải trường học đầu tiên tại Trung Quốc áp dụng quy định trên. Nhiều cơ quan giáo dục địa phương cũng yêu cầu các trường học hạn chế giao bài tập về nhà để học sinh có thể ngủ sớm.
Mục đích của các thông báo trên nhằm giảm bớt áp lực bài tập về nhà cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm ngoài giờ lên lớp, theo chính sách “giảm kép” do Chính phủ Trung Quốc ban hành. Bên cạnh đó, điều này đảm bảo trẻ em được ngủ nhiều hơn, đảm bảo sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Trong thập kỷ qua, tình trạng thiếu ngủ ở trẻ em, thanh, thiếu niên Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng. Hơn 80% học sinh không ngủ đủ giấc trong những ngày đi học. Việc thiếu ngủ có thể dẫn đến giảm nguy cơ phát triển nhận thức và các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất, tinh thần.
Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu học sinh tiểu học phải ngủ ít nhất 10 tiếng, học sinh THCS là 9 tiếng và 8 tiếng với học sinh THPT. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2018 dựa trên cuộc khảo sát hơn 570 nghìn học sinh lớp 4 và 8 cho thấy chỉ 30% học sinh lớp 4 ngủ hơn 10 giờ và chỉ 16,6% học sinh lớp 8 ngủ 9 giờ.
Báo cáo cũng chỉ ra học sinh phải chịu áp lực học tập rất lớn. Hơn 50% học sinh lớp 8 dành hơn nửa tiếng mỗi ngày để làm toán và 45,5% làm bài tập tiếng Trung.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của kế hoạch. Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết cần có sự hợp tác từ phụ huynh nếu biện pháp này thật sự có hiệu quả vì một số gia đình yêu cầu con cái làm thêm bài tập.
Ngoài ra, mặc dù các trường cho phép học sinh chưa hoàn thành bài tập về nhà nếu các em học quá 9 giờ 30 phút tối nhưng nhiều phụ huynh lo ngại rằng việc chưa hoàn thành bài tập sẽ ảnh hưởng đến điểm số hoặc thứ hạng học tập của con cái.
Ông Bingqi nói thêm tỷ lệ trẻ có thể nghỉ ngơi sau 9 giờ 30 phút tối có thể không cao. Thay vì hướng dẫn con cái rèn luyện thói quen quản lý thời gian và sinh hoạt khoa học, nhiều cha mẹ sẽ quan tâm hơn đến kết quả học tập của con.
Lý do cơ bản dẫn đến gánh nặng học tập đặt lên vai học sinh là hệ thống đánh giá giáo dục của đất nước. Kỳ thi tuyển sinh trung học và đại học vẫn dựa vào điểm số để đánh giá học sinh nên phụ huynh rất mong muốn con cái có được lợi thế cạnh tranh.
Do đó, ông Bingqi nhấn mạnh nếu không thay đổi hệ thống đánh giá phổ thông, khó có thể giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh.
“Chúng ta phải thúc đẩy những cải cách sâu rộng trong đánh giá giáo dục. Nếu không, những biện pháp giảm bớt gánh nặng chỉ là những hành động hời hợt, không thể giải quyết triệt để”, ông Bingqi cho biết.
“Sau khi hoàn thành bài tập trên trường, một số học sinh phải tiếp tục làm bài tập do phụ huynh hoặc trung tâm dạy thêm giao cho đến 10 hoặc 11 giờ tối. Vì vậy, đây không phải là vấn đề chỉ do nhà trường quyết định”, ông Xiong Bingqi - Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 cho hay.