“Ăn bớt” gần 50% thịt?
Tại buổi làm việc ngày 16/10, phụ huynh học sinh đã phản ánh một số vấn đề từ đầu năm học 2020 - 2021 đến nay. Theo đó, nhà trường chưa cân, đo, đong, đếm số lượng thực phẩm đưa vào trường để tổ chức nấu bán trú, bữa ăn không bảo đảm chất lượng. Sau nhiều lần phụ huynh phản ánh, chất lượng bữa ăn thời gian gần đây có tốt hơn. Nhưng vẫn xảy ra những vấn đề gây bức xúc như thịt nạc vai nhà bếp báo 60kg nhưng khi cân chỉ được 32kg. Cà rốt báo 30kg nhưng chỉ cân được 20kg...
Đặc biệt, một số ngày nhà bếp tự ý thay đổi thực đơn mà không thông báo như: Thịt vịt kho gừng thay bằng thịt gà kho sả, bầu thay bằng bí. Thực đơn có món canh thịt bò nhưng đến 9 giờ vẫn chưa có thịt bò mà lại có thịt heo xay. Bữa ăn xế buổi chiều thay thực đơn bánh bông lan bằng bánh xốp…
Ngoài ra, một số phụ huynh phát hiện trong kho nhà bếp có một nồi thịt heo chưa qua chế biến không rõ của ai. Có tình trạng mang thức ăn ở ngoài trường vào bếp chế biến… Trưởng phòng GD&ĐT TP Nha Trang, Trần Nguyên Lập cho hay: “Từ đầu năm học đến nay, phòng đã chỉ đạo công tác bán trú tới các trường và đã kiểm tra ở một số trường. Tuy nhiên, chưa kiểm tra Trường Tiểu học Phước Long 1”.
“Việc phụ huynh tham gia cùng nhà trường để giám sát bữa ăn bán trú là cần thiết, đúng quy định. Nhưng việc này phải có quy định rõ ràng, chặt chẽ. Tránh tình trạng phụ huynh học sinh tự do ra vào không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, trường phải xem xét lại các yêu cầu ràng buộc trong hợp đồng nấu ăn bán trú. Tổ chức cân, đo nguyên liệu nhập vào trường để theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn”, ông Lập nhấn mạnh.
Giao khoán cho nhà thầu và thiếu giám sát
Ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói: “Qua làm việc bước đầu, Sở nhận thấy Trường Tiểu học Phước Long 1 có những bất cập trong công tác quản lý dẫn đến bức xúc cho phụ huynh. Tuy nhà trường hợp đồng với một đơn vị khác để tổ chức nấu bán trú nhưng không được giao khoán cho họ. Phải có sự ràng buộc với các điều khoản rõ ràng để bảo đảm chất lượng bữa ăn. Trong đó, phải cung cấp đầy đủ thực đơn, tiến hành kiểm thực 3 bước (trước, trong và sau khi chế biến). Kiểm tra thực phẩm đúng với danh mục, số lượng trước khi nấu. Chuyển giao phần mềm Cân bằng dinh dưỡng để nhà thầu vận dụng lưu mẫu thức ăn, lưu trữ hồ sơ đầy đủ...”.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đề nghị Trường Tiểu học Phước Long 1 cần sớm làm việc với đơn vị hợp đồng nấu ăn bán trú và cam kết thống nhất thực hiện theo đúng quy định. Nếu nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, nhà trường từ chối tiếp nhận thực phẩm và chấm dứt hợp đồng. Phòng GD&ĐT tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có kế hoạch kiểm tra công tác bán trú tại trường này và tất cả các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn (2 lần/năm học).
Được biết, từ tháng 4/2020, bà Đặng Thị Hoa về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Long 1. Trường ký hợp đồng với nhà thầu và tổ chức nấu ăn bán trú tại trường. Từ năm học 2020 - 2021, trường triển khai dự án Bữa ăn học đường, sử dụng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng.
Bà Đặng Thị Hoa cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh, nhà trường đã tổ chức họp giải quyết theo từng vấn đề. Trong đó, phụ huynh được tham gia kiểm tra, giám sát công tác tổ chức bán trú. Trường đã tổ chức hội nghị phụ huynh học sinh mở rộng, nhưng chưa thống nhất được vì ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị lấy ý kiến tất cả phụ huynh học sinh các lớp về việc hợp đồng tổ chức lại bếp ăn bán trú”.
Trường Tiểu học Phước Long 1 hiện có 1.242 học sinh, trong đó có 942 học sinh đăng ký ăn bán trú. Trước đó, ngày 15/10, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phước Long 1 đã tổ chức họp với trưởng ban đại diện phụ huynh học sinh của 30 lớp trong trường để bầu lại ban đại diện mới Hội cha mẹ học sinh trường. Nhưng, nhiều phụ huynh học sinh đã phản ứng, yêu cầu nhà trường trước hết phải tập trung giải quyết về bữa ăn bán trú cho học sinh, hủy hợp đồng khoán nấu suất ăn kéo dài 5 năm với cá nhân nêu trên để xem xét, đấu thầu chọn lại đơn vị nấu ăn bán trú cho trường bảo đảm chất lượng hơn.
Nhiều phụ huynh học sinh không đồng tình việc trì hoãn, kéo dài giải quyết những vô lý, bất cập về việc nấu ăn bán trú. Vì thế, nhiều người không đồng thuận việc ưu tiên việc bầu ban chấp hành mới Hội cha mẹ học sinh trường. Sau đó, nhiều phụ huynh đã bỏ về, chỉ còn đại diện phụ huynh học sinh của 16/30 lớp nên cuộc họp bất thành, phải giải tán.