Bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú

Bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú

Tại Hội thảo khoa học “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường của trẻ em” năm 2019, các chuyên gia cho rằng, một trong các nguyên nhân quan trọng nhất gây suy dinh dưỡng ở trẻ em học đường (cả thiếu và thừa dinh dưỡng) là do ăn uống không hợp lý. Trẻ ở độ tuổi 6 - 11 (tiểu học) không đạt được nhu cầu khuyến nghị về chất đạm, sắt, vitamin A, vitamin B1 và vitamin C. Trẻ mầm non nói chung chỉ đạt 2/3 nhu cầu khuyến nghị.

Cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm

Website suckhoetoandan.vn – Trang thông tin chính thống của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn thông tin, bữa ăn hàng ngày cho học sinh cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm (10 - 15 loại thực phẩm) từ 4 nhóm chính: Gulucid, protein, lipid, vitamin và khoáng chất.

Ngũ cốc là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Trong nhóm ngũ cốc thì gạo là lương thực phổ biến được sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra, còn các loại ngũ cốc như khoai lang, khoai tây, ngô… để làm đa dạng bữa ăn và các chất dinh dưỡng, tăng cường lợi ích cho sức khỏe.

Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 50 - 55% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20 - 25% và chất đạm cung cấp là 13 - 20%.

Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản với đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ… và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần.

Bảo đảm năng lượng cho từng bữa ăn

Với trường tiểu học ăn bán trú có bữa phụ, các bữa ăn của trẻ cần được phân chia thành 4 bữa: Năng lượng của bữa sáng từ 25 - 30%, năng lượng bữa trưa 35%, năng lượng bữa phụ 10%, năng lượng bữa tối 25 - 30% tổng nhu cầu năng lượng.

TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, cha mẹ và nhà trường cần khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, giò chả, mỳ tôm…

Phụ huynh và nhà trường, không nên cho trẻ ăn mặn, sử dụng muối iốt trong chế biến thức ăn. Trẻ từ 6 - 11 tuổi nên sử dụng dưới 4 gam muối/ngày (khoảng 2/3 thìa cà phê). Trẻ từ 3 - 6 tuổi lượng muối cần thấp hơn.

Để trẻ có cơ thể khỏe mạnh và chuyển hóa tốt cần uống đủ nước (nước bình thường, sữa, nước canh…). Theo ThS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng, với trẻ nặng 10 kg cần một lít nước/ngày. Trẻ nặng hơn 10kg thì mỗi kg thêm 50 ml nước, nghĩa là trẻ khoảng 20kg thì cần uống tổng cộng 1,5 lít nước. Trẻ từ 10 tuổi trở lên, lượng nước uống bằng người lớn: 2 - 2,5 lít/ngày. Trẻ nên uống nước từng ít một và chia nhiều lần trong ngày.

Tăng tỷ lệ trường học tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm dinh dưỡng

Trong Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg, chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh là một trong 11 nội dung ưu tiên. Chương trình đặt mục tiêu tăng tỷ lệ trường học bán trú, nội trú có tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh từ 70 - 90% (từ 2025 - 2030) với trường mầm non và từ 75 - 100% với trường tiểu học.

Theo đó, các nhà trường cần sử dụng phần mềm để xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý và tổ chức các bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, học sinh tại các cơ sở giáo dục có ăn bán trú, nội trú hoặc có cung cấp dịch vụ ăn uống.

Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà trường quản lý hoạt động của căng – tin, dịch vụ trong trường học nhằm hạn chế tiếp cận của học sinh với các sản phẩm thực phẩm không có lợi cho sức khỏe; thực thi quy định không bán sản phẩm, thực phẩm không có lợi cho sức khỏe ở khu vực cổng trường.

Việc tư vấn sức khỏe và dinh dưỡng cho học sinh và phụ huynh học sinh cũng cần được đẩy mạnh; định kỳ theo dõi tình trạng dinh dưỡng, phát triển và kiểm tra sức khỏe của học sinh để phát hiện sớm các nguy cơ sức khỏe và bệnh tật; duy trì tẩy giun định kỳ tại những vùng có tỷ lệ nhiễm giun cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ