Trường THPT Ngô Quyền (TP HCM): Gần 100% học sinh hào hứng tham gia trải nghiệm

GD&TĐ - Mấy năm gần đây, Trường THPT Ngô Quyền (quận 7, TP HCM) khởi sắc ít ai ngờ! Không chỉ thi đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt tỷ lệ 100%, Trường còn dẫn đầu các trường THPT ở quận 7, quận 4 và huyện Nhà Bè về kết quả trúng tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ), với 92- 97,2% số thí sinh của Trường đạt điểm sàn đỗ ĐH, CĐ…

Trường THPT Ngô Quyền (TP HCM): Gần 100% học sinh hào hứng tham gia trải nghiệm

Một số vị trong Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) Trường THPT Ngô Quyền hết sức phấn khởi cho biết: CMHS chúng tôi rất tin tưởng và ủng hộ trong mọi hoạt động của nhà trường. Thầy- cô giáo nào ở trường cũng say mê, tích cực sáng tạo trong giờ dạy chính khóa, lại rất nhiệt tình với tất cả các em HS trong nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi, phong phú, bổ ích.

Tính riêng năm học 2016- 2017 vừa qua, Trường THPT Ngô Quyền đã tổ chức 4 đợt hoạt động trải nghiệm sáng tạo với gần 100% HS hào hứng tham gia (kể cả khối 12 bấy giờ đang dành mọi nỗ lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia- cũng là kỳ thi lấy kết quả xét tuyển vào ĐH).

Hiện nay ở nước ta, hoạt động trải nghiệm trong các trường học vẫn chưa phải là môn học độc lập, chính khóa bắt buộc. Do đó, tùy điều kiện cụ thể, mỗi trường có thể tổ chức các hoạt động này ít hay nhiều (thậm chí có trường bỏ luôn). Sắp tới, khi Chương trình GD phổ thông tổng thể chính thức được ban hành, thì các hoạt động trải nghiệm sẽ thành môn học chính khóa.

Câu chuyện làm “được chăng- hay chớ” xung quanh hoạt động trải nghiệm có nhiều lý do. Nguyên nhân chính là trường nào cũng dốc toàn lực lo cho kết quả thi cử. Vì vậy quỹ thời gian để các trường “vui chơi-tham quan” hầu như cạn kiệt. Vấn đề nữa cũng đau đầu là: việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm- nếu làm đàng hoàng là khá tốn tiền). Hầu như các trường (nhất là với trường công lập) phải tự lo kinh phí chuyện này, nhưng không biết nguồn vốn lấy ở đâu?

“Để giải quyết các thách thức không hề nhỏ nói trên, Trường THPTcông lập Ngô Quyền có “phép mầu” nào chăng?”. Trả lời câu hỏi, thầy Ngô Thanh Hải- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chủ trương đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm trong trường học đã có từ lâu. Lâu nay, đây là các hoạt động ngoại khóa, các tiết thực hành- thí nghiệm, là các hoạt động Đoàn- Đội , tổ chức tham quan, du lịch…

Trường THPT Ngô Quyền chúng tôi nhận thấy các thách thức mà nhà báo nêu ra có thật. Vấn đề cốt lõi đặt ra cấp bách với các trường là: Lãnh đạo trường- hội đồng sư phạm- các em HS và toàn thể CMHS nhà trường có đồng lòng, chung sức tìm kiếm các giải pháp tốt nhất- để đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm hay không?

Tôi nghĩ rằng, với đông đảo các bậc CMHS, khi nhà trường định tổ chức một hoạt động trải nghiệm nào đó, không chỉ lãnh đạo trường mà tất cả thầy, cô giáo phải cùng vào cuộc. Phải cùng CMHS trăn trở, bàn tới, bàn lui thấu đáo đến cùng mọi vấn đề sẽ nảy sinh, nhất là cách xử lý các tình huống bất trắc (nếu có).

Thời đại bùng nổ thông tin, cần phối hợp với CMHS và các em HS tìm hiểu kỹ, trao đổi thông tin kịp thời với nhau trước- trong quá trình tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Tư tưởng thông suốt, cách làm phù hợp sẽ thành công…”.

Năm học 2016- 2017 vừa qua, Trường THPT Ngô Quyền tổ chức thành công 4 đợt hoạt động trải nghiệm với gần 100% HS (2.067 em) hào hứng tham gia. Chưa kể còn 1 chuyến đi trải nghiệm nữa của trường ở Đà Lạt với hơn 300 thầy- trò. Kinh phí do tất cả CMHS trường tự nguyện đóng góp (HS nào thuộc diện miễn giảm học phí- cũng được miễn giảm đóng góp việc tham gia này).

Có thể nói đây là một “kỳ tích”, bởi rất ít trường làm được khối lượng hoạt động khá lớn, với số lượng HS cùng một lúc tham gia nhiều như vậy chỉ trong 1 năm học!

2.067 HS Trường THPT Ngô Quyền vừa qua, mỗi chuyến đi trên gần 50 chiếc xe đò chất lượng cao, các em đã vượt khoảng vài ngàn cây số để tham quan, du lịch, khám phá, thử sức , đua tài qua nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng (xem ảnh)… Kết thúc các chuyến đi trải nghiệm thực tế, mỗi HS sẽ viết bản cảm nghĩ của mình, kèm ảnh tự chụp. Ảnh do các em tự chụp (chủ yếu qua điện thoại di động) sẽ được chọn lựa triển lãm toàn trường.

Trước khi lên đường, HS đã được thống nhất quan điểm: Phải tự lo chuyện ăn uống (tự nấu ở nhà mang theo), do các chuyến thường đi, về trong ngày. Mỗi HS phải tự biết sức khỏe bản thân- để mang theo một số thuốc dự phòng nào đó. Chuyện trang phục mang theo cũng thế. Quá trình hoạt động trải nghiệm, các em cũng phải tự thân vận động, tự kết nhóm với nhau theo năng lực, sở thích cá nhân, để cùng nghĩ ra các hoạt động vui chơi sáng tạo, bổ ích.

Các hoạt động trải nghiệm làm như Trường THPT Ngô Quyền nói trên, đó mới thật sự giúp các em HS “học mà chơi- chơi mà học”. Các kiến thức cần thiết của 12- 13 môn văn hóa khô cứng đã được học trên lớp, qua các chuyến “vui chơi” này, được các thầy- cô giáo cùng đi theo, sẽ kịp thời cố vấn cho HS vận dụng khi cần thiết.

Sau mỗi chuyến trải nghiệm, mỗi HS cảm thấy ấm áp hơn, nhiều cảm hứng mới dâng trào, bớt dại đi, bản lĩnh hơn, ham học và thân thiết với trường- lớp, bạn bè, thầy- cô giáo hơn xưa. Đã tràn ngập tiếng cười hết sức sảng khoái của cả thầy và trò sau 4 chuyến dã ngoại rất lý thú của Trường THPT Ngô Quyền, nhưng cũng có không ít giọt nước mắt, vui- buồn lẫn lộn…

Một cựu HS lớp 12 của trường mới đỗ ĐH tâm sự: Nhà con ở TP HCM, vậy mà cách nay chưa lâu, con lần đầu tiên đi với các bạn cùng trường đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP HCM. Nhiều đứa tụi con đã khóc. Vì qua tham quan rồi về viết cảm nghĩ, con và nhiều bạn càng thấy cha, ông ta đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát, để tụi con được sống- học hành thanh bình, yên vui hôm nay…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.