Trường THPT Hoài Đức A, TP Hà Nội: Tự hào 55 năm truyền thống xây dựng và phát triển 

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 là năm học đánh dấu 55 năm thành lập của trường THPT Hoài Đức A.

Ban Lãnh đạo nhà trường năm học 2021-2022
Ban Lãnh đạo nhà trường năm học 2021-2022

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã không ngừng cố gắng phấn đấu, thi đua Dạy tốt – Học tốt. Đến nay, nhà trường đã khẳng định được những bước đi vững chắc của mình và trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục và đào tạo địa phương.

Trường THPT Hoài Đức A ra đời vào đầu năm học 1966 – 1967, tiền thân là trường cấp III Hoài Đức, được tách ra từ trường cấp III Nguyễn Huệ (Hà Đông). Trường thuộc địa bàn xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, cách trung tâm Thành phố 17 km và ở ngay cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Năm học đầu tiên do thầy Trần Viết Hinh làm Hiệu trưởng, khi ấy trường gồm có mười lớp, học sinh cả ba khối lớp 8, 9,10 trong đó có một lớp 8 và một lớp 10 chuyên Toán là lớp học nội trú của Tỉnh.

Vượt qua những khó khăn ngày đầu thành lập, mọi hoạt động của nhà trường dần dần có tính toàn diện, quy củ và nề nếp. Mười năm đầu, mặc dù cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều hạn chế nhưng chất lượng đào tạo ổn định dần; kết quả cụ thể của trường được chứng minh bằng số lượng học sinh vào học đầu cấp ngày càng đông và kết quả thi tốt nghiệp cao hơn so với các trường cấp III trong tỉnh.

Cứ thế, dù trong mưa bom bão đạn, danh tiếng của trường THPT Hoài Đức A vẫn vang xa khắp các vùng lân cận, nhiều gia đình ở Hà Nội đã cho con em sơ tán về trường học tập. Từ ngôi trường này, những lớp học sinh ưu tú được chắp cánh bay xa, mang trí tuệ, sức lực và cả tính mạng của mình cống hiến cho quê hương đất nước. Lứa học trò ngày ấy, nay đều đã trưởng thành nhưng người còn, người mất. Có người đã trở thành anh hùng, liệt sĩ, thành cán bộ cấp cao trong quân đội.

Trường THPT Hoài Đức A, TP Hà Nội: Tự hào 55 năm truyền thống xây dựng và phát triển  ảnh 1

Những năm từ 1980 đến 1985, trường tiếp tục được củng cố và xây dựng về mọi mặt. Nhiều cựu học sinh thời kỳ này hiện nay đang giữ những trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đ/c Nguyễn Quang Dương (Phó Trưởng BTC Trung ương), đ/c Nguyễn Quang Đức (Trưởng Ban nội chính Thành phố Hà Nội), đ/c Nguyễn Anh (Phó Chủ tịch huyện Hoài Đức), Lê Việt Thắng (Chủ nhiệm khoa thận bệnh viện Quân y 103)...

Trong những năm tiếp theo, thầy và trò nhà trường vẫn duy trì phong độ của một ngôi trường top đầu tỉnh Hà Tây cả về số lượng học sinh và chất lượng đào tạo. Năm 2008 là năm tỉnh Hà Tây được sát nhập về Hà Nội. Thầy và trò nhà trường đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để hội nhập với sự nghiệp giáo dục của Thủ đô, tiến tới hội nhập với xu hướng giáo dục của Thế giới, để những học sinh đã từng học ở trường THPT Hoài Đức A sẽ trở thành những công dân ưu tú toàn cầu.

Tiết mục văn nghệ của các em học sinh nhà trường
Tiết mục văn nghệ của các em học sinh nhà trường

Tháng 5 năm 2018, thầy Nguyễn Văn Dũng –cựu học sinh khóa 1986-1989, cũng là cựu giáo viên của trường, được luân chuyển về làm Hiệu trưởng trường THPT Hoài Đức A. Tiếp tục phát huy truyền thống 50 năm qua của nhà trường, thầy đã có những đột phá để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và khả năng học tập của các em học sinh.

Cơ sở vật chất của nhà trường trong giai đoạn này tiếp tục được nâng cấp, đầu tư. Trường đã có những phòng học chất lượng cao, hơn hẳn các trường xung quanh và nhiều trường của Thành phố. Các phòng học đều được sửa sang, toàn bộ hệ thống cửa ra vào và cửa sổ bằng gỗ đã xuống cấp được thay thế bằng hệ thống cửa kính hiện đại. Trong phòng học được nâng cấp đầy đủ trang thiết bị: đèn, quạt, máy tính, máy chiếu, loa, amply, điều hòa...

Điều ấy khiến học sinh đến lớp thấy vui, thoải mái, học tập có hiệu quả hơn. Và giáo viên lên lớp cũng có những sáng tạo hơn nhờ công nghệ 4.0, đồng nghĩa với việc bài giảng được thiết kế phong phú hơn, hấp dẫn hơn... Học sinh được thỏa sức sáng tạo với những bài học lí thú theo sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo. Đó là điều kiện tốt để học sinh hội nhập, phát triển năng lực, hình thành phẩm chất cho bản thân. Đó cũng là điều kiện lý tưởng để nhà trường xây dựng mô hình “Lớp học hạnh phúc, Trường học hạnh phúc” với môi trường học tập thân thiện “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Đội ngũ CBGV của nhà trường đều là những thầy cô có năng lực chuyên môn vững vàng, đang bước vào độ chín cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, hết lòng thương yêu, dạy dỗ học sinh. Luôn nắm vững nội dung, chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo, vận dụng vào những việc làm cụ thể trong công tác dạy học. Không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục. Kết quả 5 năm qua, trường có 6 cô giáo đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Thành phố ở các nội dung.

Từ năm học đầu tiên, trường chỉ có 10 lớp với 408 học sinh đến năm học 2020 - 2021, quy mô nhà trường là 43 lớp với 1931 học sinh. Thầy và trò trường THPT Hoài Đức A đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong dạy và học: 98,6% học sinh toàn trường xếp loại học lực Khá, Giỏi; 99,7% học sinh toàn trường xếp loại hạnh kiểm từ Khá trở lên; 100% học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT, 90% trong số đó đỗ vào các trường Đại học trong và ngoài nước.

Trong kì thi HSG lớp 12, học sinh của trường cũng đã đạt được thành tích đáng khâm phục với 15 giải học sinh giỏi cấp Thành phố. Năm học này, dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành, phong trào viết SKKN của các thầy, cô vẫn sôi nổi, đạt được kết quả cao. 100% CBGV-NV nhà trường chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Kết quả năm học 2020 – 2021, trường THPT Hoài Đức A đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà ngành giáo dục đào tạo Hà Nội giao phó. 

Chi bộ Đảng Trường THPT Hoài Đức A
Chi bộ Đảng Trường THPT Hoài Đức A

Trước xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, nhu cầu học tập của con em địa phương; được sự quan tâm của Thành phố và Sở GD-ĐT Hà Nội, huyện Hoài Đức đã xây dựng Đề án nâng cấp, cải tạo, mở rộng trường THPT Hoài Đức A. Song hành với Đề án của huyện, trường cũng xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng đào tạo thế hệ công dân toàn cầu. Ngôi trường mới trong tương lai sẽ đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Phối cảnh tổng thể của trường THPT Hoài Đức A sau khi dự án cải tạo, nâng cấp được hoàn thành
Phối cảnh tổng thể của trường THPT Hoài Đức A sau khi dự án cải tạo, nâng cấp được hoàn thành

Với thành tích đạt được trên chặng đường 55 năm qua cùng sự cống hiến của các thế hệ thầy và trò nhà trường, trường THPT Hoài Đức A đã vinh dự và tự hào được Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen trong các dịp kỉ niệm. Hơn nửa thế kỉ đã qua, vượt lên trên mọi khó khăn thử thách, thầy và trò nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục trên những chặng đường mới để nâng cao chất lượng dạy và học, hướng tới hội nhập toàn cầu, phát triển bền vững trong tương lai.

Thầy Nguyễn Văn Dũng – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chặng đường 55 năm lịch sử, trường THPT Hoài Đức A đã từng bước khẳng định được uy tín và vị thế của mình trong sự nghiệp giáo dục Thủ đô. Trường luôn là mái ấm thấm đượm tình người, tình thầy - trò, là địa chỉ giáo dục tin cậy của nhân dân huyện Hoài Đức.

Tiếp nối truyền thống quý báu đó, thầy và trò trường THPT Hoài Đức A sẽ không ngừng nỗ lực rèn đức, luyện tài, tiếp bước cha anh, quyết tâm đưa ngôi trường đạt nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” cao quý. Cùng với sự quan tâm của Thành phố, của Sở GD-ĐT Hà Nội, của UBND huyện Hoài Đức, nhà trường quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo những thế hệ học sinh phù hợp với xu thế phát triển của toàn cầu. Đồng thời với mục tiêu đó, trong tương lai gần, nhà trường cũng đề ra mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia hướng tới mô hình trường học chất lượng cao. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.