Về việc chuyển Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi: Chậm triển khai vì… Covid-19

GD&TĐ - Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ninh, việc chuyển hoạt động dạy học từ Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi (cùng huyện Tiên Yên) vẫn được thực hiện theo quyết định của tỉnh.

Trường THPT Nguyễn Trãi với cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng quy mô 32 lớp với 1.400 học sinh đến nay đang bị “ế”.
Trường THPT Nguyễn Trãi với cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng quy mô 32 lớp với 1.400 học sinh đến nay đang bị “ế”.

Nhưng nguyên nhân chậm tới 3 năm là do dịch Covid-19.

Tất cả tại Covid?

Việc chuyển địa điểm dạy học từ Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi kéo dài qua 3 mùa tuyển sinh vẫn chưa được thực hiện. Việc này gây lãng phí nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục. Trong khi đó học sinh tại Trường THPT Tiên Yên phải học tập trong ngôi trường chật hẹp, CSVC đã xuống cấp.

Như đã thông tin trong các số báo trước, Trường THPT Nguyễn Trãi có diện tích 3,7ha, với quy mô có thể tổ chức được 32 lớp học, với 1.440 học sinh, các phòng học, phòng chức năng hiện đại phục vụ tốt nhu cầu đổi mới giáo dục.

Nhưng hiện nhà trường mới có hơn 300 học sinh theo học. Vài năm trở lại đây, tình trạng thừa trường thiếu trò luôn diễn ra tại một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Điều đó tạo nên một nghịch lý gây “chùn chân” cho những doanh nghiệp muốn đầu tư cho sự phát triển của giáo dục.

Được biết, năm học 2020 - 2021, số học sinh tốt nghiệp Trường THCS ở huyện Tiên Yên là 683 em. Ngoài số học sinh không tiếp tục theo học và học tại Trường THPT Chuyên Hạ Long thì trên địa bàn huyện còn lại trên 500 em. Số học sinh này sẽ phân bổ cho 5 trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Tiên Yên.

Ngày 4/3/2021, UBND huyện Tiên Yên họp thống nhất và đề nghị tỉnh Quảng Ninh phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2021 - 2022 cho các trường. Theo đó, Trường THPT Tiên Yên đề xuất tuyển 230 học sinh, THPT Hải Đông đề xuất tuyển 120 học sinh, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Tiên Yên tuyển 30 học sinh có hộ khẩu tại Tiên Yên, Trường THPT Nguyễn Trãi và Trung tâm GDNN và GDTX của huyện tuyển số học sinh còn lại.

Với chủ trương và chính sách hiện hành ưu tiên cho hệ thống các Trung tâm GDNN-GDTX nên công tác tuyển sinh của trung tâm có nhiều thuận lợi. Trong đó, công tác tuyển sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi gặp rất nhiều khó khăn.

Năm học này, Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ tuyển được 71 học sinh của địa phương. Để duy trì hoạt động, trường phải vận động mọi phương thức xuống vùng biển huyện Đầm Hà chiêu sinh được 37 em và ngược vùng cao đến huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) tuyển được 13 học sinh để duy trì trường lớp.

Việc mất cân đối trong phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh khiến Trường THPT Nguyễn Trãi gặp khó, hoạt động cầm chừng và tốn kém tiền của đầu tư của doanh nghiệp.

Trước muôn vàn khó khăn, nhưng khi UBND tỉnh Quảng Ninh có chủ trương thuê CSVC của Trường THPT Nguyễn Trãi để chuyển hoạt động dạy học của THPT Tiên Yên sang khiến nhà đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Hợp Tiến (Công ty Hợp Tiến) vui mừng đầu tư thêm 24 tỷ đồng xây dựng thêm 12 phòng học, phòng chức năng, nhà xưởng và gần 10 tỷ đồng mua xe ô tô đưa đón học sinh.

Nhưng đến nay, việc chuyển trường theo Quyết định 896/QĐ-UBND ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân tại thời điểm đó là do sự phản đối của một bộ phận phụ huynh lo ngại con em mình phải mang “mác” trường dân lập, đồng thời một bộ phận giáo viên lo ngại mất chế độ giáo chức.

Trao đổi về việc này, Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, không có việc Sở hạn chế hay thắt chặt chỉ tiêu đầu vào của Trường THPT Nguyễn Trãi. Chỉ tiêu tuyển sinh là huyện đề xuất dựa theo phương án phân bổ chỉ tiêu cho các trường trên địa bàn. Sở GD&ĐT chỉ xem xét và trình tỉnh phê duyệt. Hướng của lãnh đạo tỉnh là tạo điều kiện cho Trường THPT Nguyễn Trãi để tránh lãnh phí nguồn lực của doanh nghiệp, đó cũng là nguồn lực xã hội của nhân dân.

Ông Sơn chia sẻ, trên thực tế, học sinh trên địa bàn huyện Tiên Yên sau khi tốt nghiệp THCS nếu không thi được vào hệ công lập thì gia đình các em thường hướng tới học ở Trung tâm GDNN-GDTX vì không mất học phí. Sau khi kết thúc 3 năm học các em vừa có bằng nghề vừa có bằng văn hóa. Hiện tại CSVC tại Trung tâm GDNN-GDTX không đáp ứng đủ việc dạy và học nên các cơ quan chức năng đã phải hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh.

Về việc chuyển Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi: Chậm triển khai vì… Covid-19 ảnh 1

Quyết định 896 chưa bị “bỏ quên”

Theo tìm hiểu, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ninh chưa có một văn bản nào bác bỏ hoặc thay thế Quyết định số 896/QĐ-UBND, nhưng hiện chủ trương chuyển Trường THPT Tiên Yên sang THPT Nguyễn Trãi vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Về việc này, ông Đinh Ngọc Sơn cho hay, có rất nhiều hướng được các cơ quan chức năng cũng như Sở đưa ra bàn bạc để sắp xếp lại hệ thống THPT trên địa bàn huyện Tiên Yên cho phù hợp. Lựa chọn được đưa ra là thuê lại CSVC của THPT Nguyễn Trãi để chuyển hoạt động dạy học của THPT Tiên Yên sang.

Từ cấp huyện đến Sở GD&ĐT, UBND tỉnh không lãng quên việc này và đó là trăn trở của lãnh đạo cấp ngành nhưng cứ mỗi lần có ý định triển khai lại vướng dịch Covid-19

Ngày 1/4/2021, Sở GD&ĐT đã có Báo cáo số 900/BC-SGDDT gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về đề xuất giải pháp sắp xếp các cơ sở giáo dục có cấp THPT trên địa bàn huyện Tiên Yên.

Theo đó, sau khi họp thống nhất với các đơn vị liên quan, Sở GD&ĐT đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh giải thể Trường THPT Nguyễn Trãi theo đề nghị của chủ đầu tư, tỉnh mua lại tài sản trên đất của Công ty Hợp Tiến. Chuyển Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi, giao tài sản của Trường THPT Tiên Yên hiện nay cho UBND huyện Tiên Yên sắp xếp cho các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn huyện.

Quy trình thực hiện việc này gồm các bước, chủ đầu tư Trường THPT Nguyễn Trãi đề nghị giải thể, UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, ban hành quyết định giải thể.

Sau đó, Công ty Hợp Tiến thực hiện các thủ tục thanh lý, bán tài sản trên đất. Tại bước thứ 2 này nếu có doanh nghiệp khác mua một phần hay toàn bộ tài sản thì đây là thỏa thuận giữa 2 bên. Nếu Nhà nước mua sẽ thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản và các quy định hiện hành đối với các công trình gắn với đất và cần cho Trường THPT Tiên Yên sử dụng để tổ chức hoạt động giáo dục.

Tiếp đó, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ chuyển tài sản cho Sở GD&ĐT giao cho Trường THPT Tiên Yên sử dụng nếu việc thỏa thuận mua bán giữa chủ Trường THPT Nguyễn Trãi và UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn tất.

Cuối cùng là sắp xếp lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Tiên Yên, về học sinh và giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi sau khi giải thể.

Kế hoạch từng bước sắp xếp lại các cơ sở giáo dục có cấp THPT tại Tiên Yên đã được vạch rõ nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Việc chuyển Trường THPT Tiên Yên sang địa điểm mới là tất yếu, trong khi quỹ đất dành cho giáo dục tại địa phương không còn, việc chuyển sang địa điểm Trường THPT Nguyễn Trãi hợp cả đôi đường. Vậy tại sao Quyết định 896 vẫn chưa được thực thi, UBND tỉnh Quảng Ninh cần nhanh chóng xử lý dứt điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.