Theo công ty Global Market Insights (Mỹ) dự đoán thị trường giáo dục AI có thể có giá trị thị trường là 20 tỷ đô la vào năm 2027. Đây là một tín hiệu tăng trưởng cho thấy AI - trí tuệ nhân tạo đang tác động đến nhiều ngành nghề, trong đó có giáo dục. Điều này dấy lên một số lo ngại của các nhà giáo dục cho rằng trong tương lai, công nghệ AI có thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên hay xuất hiện thêm nhiều hệ lụy khác.
"Chạm công nghệ - Đón tương lai"- hội thảo trên nền tảng Webinar và trực tuyến tại fanpage THPT FPT Cần Thơ, Trường TH&THCS Cầu Giấy, Trường TH&THCS Đà Nẵng vừa được tổ chức nhằm giải đáp băn khoăn của quý phụ huynh và học sinh về thách thức và cơ hội của công nghệ, trí tuệ nhân tạo cho nền giáo dục, cũng như vai trò của giáo viên hiện nay.
Từ phải qua: Thầy Đức Hiền, cô Kim Phượng, cô Khánh Ly và thầy Hoài Thương, khách mời của buổi hội thảo trực tuyến "Chạm công nghệ - Đón tương lai". |
Chương trình có sự tham gia của thầy Đinh Đức Hiền - Chuyên gia giáo dục tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, cô Phạm Thị Khánh Ly - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc điều hành FPT School Cầu Giấy và Bắc Giang, cô Lê Trương Kim Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT FPT Cần Thơ.
Vai trò của giáo viên khi công nghệ lên “ngôi”
Nằm trong chuyển động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 xoá nhòa ranh giới lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, hàng loạt công nghệ hay công cụ số “viễn tưởng" trong suy nghĩ trước kia của con người đã hiện thực hóa, mang đến hiệu quả tuyệt vời, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, còn có các thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, vận hành, nguồn lao động nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục. Gần đây nhất, sự xuất hiện của ChatGPT - chatbot từ trí tuệ nhân tạo đã cho thấy tốc độ phát triển ấn tượng và sự “thông minh" của AI.
ChatGPT là công cụ trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra ở bất cứ lĩnh vực nào, có thể làm thơ, viết thư, lập trình… “sân chơi" kiến thức thông tin hiện nay đã có thêm “đối thủ" xứng tầm.
Kiến thức hiện nay là “thế giới phẳng”, người dùng có thể truy cập internet mọi lúc mọi nơi và truy xuất được tất cả những kiến thức thông tin mà chúng ta cần, nguồn dữ liệu khổng lồ được trí tuệ nhân tạo cung cấp, không chỉ kiến thức cơ bản mà kiến thức chuyên sâu cũng có thể tìm thấy.
Như vậy, vai trò của thầy cô có dễ dàng bị thay thế? Bàn luận về vấn đề này, thầy Đinh Đức Hiền khẳng định: “Vai trò của người thầy sẽ là không bao giờ thay đổi”. Qua từng hình thái xã hội khác nhau, người thầy vẫn luôn đóng vai trò định hướng kiến thức, tư duy học sinh. Nếu trước đây, thầy cô như một nghệ sĩ trên sân khấu để học sinh dõi theo, thì hiện nay, thầy cô đã trở thành tổng đạo diễn chỉ đạo cho diễn viên, hay một nhạc trưởng để chỉ huy toàn bộ dàn nhạc. Đây không phải là thay đổi mà là “chuyển đổi" để phù hợp với nhu cầu giáo dục coi học sinh là chủ đạo trong quá trình đào tạo, giúp học sinh đi đúng hướng và trở thành “ngôi sao”.
Khi thế giới càng “phẳng” về mặt tri thức thì giáo dục con người về đạo đức càng lên ngôi, cô Phạm Thị Khánh Ly chia sẻ: Nếu như trước đây, thầy cô có hai nhiệm vụ là dạy con chữ kiến thức và dạy học sinh cách làm người, thì hiện nay, thầy cô có thể tận dụng công nghệ để tối ưu cách dạy tiết kiệm thời gian, thời gian còn lại để hướng dẫn học sinh những kỹ năng tìm kiếm tri thức nâng cao năng lực, kỹ năng và dành thời gian dạy cách làm người - một trong những điều quan trọng của giáo dục.
Buổi chia sẻ bàn luận về nhiều vấn đề trong giáo dục khi tiếp cận công nghệ. |
Học sinh phải tỉnh táo trước luồng thông tin rộng lớn và đôi khi tạp nham. Đây cũng là thách thức cho các em trong việc xây dựng sự tự chủ trong tự học để phân tích tổng hợp thông tin, nhận biết, chọn lọc thông tin đúng đắn. Bên cạnh đó, sự tiện lợi của công nghệ cũng khiến học sinh dễ bị sao nhãng, không nhận diện được điều ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Nhưng trên hết, sự phát triển của công nghệ cũng mang đến áp lực tích cực. Học sinh phải luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng và trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày để có cơ hội “sống sót" khi cơ hội nghề nghiệp của lao động chân tay thu hẹp dần và mở rộng cơ hội sang nghề nghiệp trí óc, nhất là các lĩnh vực công nghệ, cô Lê Trương Kim Phượng chia sẻ.
Sự phát triển công nghệ quá nhanh cũng tạo nên thách thức bắt kịp xu thế với phụ huynh, đây cũng là nguyên nhân tạo nên những khoảng cách vô hình giữa hai thế hệ. Các bậc phụ huynh cũng cần có “công thức" để đồng hành cùng con. Theo cô Phạm Thị Khánh Ly: Dù trong kỷ nguyên số này hay kỷ nguyên chúng ta chưa đặt tên thì công thức “bất bại” trong việc đồng hành cùng con vẫn luôn luôn là sự bình đẳng, dành thời gian làm bạn với con và tâm thế sẵn sàng cùng con vượt qua những khó khăn.
Từ công thức trên, ba mẹ có thể tìm hiểu những điều con thích, lắng nghe tâm tư nguyện vọng… để có cách thức đồng hành cùng con phù hợp. Phụ huynh có thể chủ động tạo nên các hoạt động như trong giờ ăn cơm không được sử dụng điện thoại, cùng nhau tập thể dục, hay tổ chức những buổi tâm sự “nói thật"... để tìm được điểm kết nối giữa ba mẹ và con cái.
Chúng ta không thể ngăn cản được dòng chảy của công nghệ và bắt buộc phải thích nghi. Nhà trường, phụ huynh, học sinh nên trang bị thêm kỹ năng kiến thức để luôn trong tâm thế sẵn sàng trở thành phụ huynh số, trường học số, giáo viên số để xây dựng cho học sinh năng lực số giữa thời đại công nghệ.
Điều gì không thay đổi khi công nghệ thay đổi?
Bên cạnh những thay đổi do công nghệ mang lại thì công nghệ sẽ không thay đổi điều gì? Thầy Đinh Đức Hiền đã đặt trọng tâm vấn đề vào ba khía cạnh:
Thứ nhất, về giáo dục đạo đức, công nghệ không thể chia sẻ, đồng cảm khi học sinh gặp vấn đề tình cảm hay tâm lý và đồng nghĩa với việc công nghệ không thể thay thế thầy cô về giáo dục con người.
Thứ hai, môn học mang tính chất sáng tạo, điểm mạnh của công nghệ chính là khả năng phân tích và dữ liệu, còn về mặt sáng tạo công nghệ không thể nào bắt kịp.
Thứ ba, kiểm tra đánh giá thi cử, hiện nay, nhiều trường có bước đi mới khi thay đổi cách thức đánh giá phù hợp với yêu cầu của xã hội như đánh giá năng lực bằng câu hỏi tư duy, hoặc bằng yêu cầu học sinh tổng hợp, phân tích, thuyết trình…
Công nghệ không thể mang đến nhiều cảm xúc cho học sinh. |
Công nghệ là “con dao hai lưỡi" một mặt giúp học sinh thực hiện đa tác vụ, nhưng mặt thứ hai mang đến hàng loạt các hệ lụy không đáng có. Trong giai đoạn “thích nghi”, học sinh dễ bị lạm dụng, sa đà theo sự hiện đại của công nghệ. Điều này dẫn đến các thực trạng như tư duy xử lý vấn đề của học sinh bị chậm chạp, lờ đờ khó ngủ, không giao tiếp được với xã hội… tình hình lâu dài dễ dẫn đến vấn đề nghiêm trọng như trầm cảm hay các bệnh tâm lý.
Điều không thay đổi với thế hệ học sinh ngày nay chính là không ngừng nâng cao năng lực, tận dụng được thế mạnh của thời đại số, xây dựng tư duy đặt vấn đề, đặt câu hỏi để tìm được đáp án đồng thời luôn sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới để thấu hiểu và chiếm lĩnh công nghệ.
Vai trò của nhà trường giữa thời đại “số”
Đối với hệ thống giáo dục FPT được hình thành và phát triển từ năm 2013, ngay từ những ngày đầu thành lập trường đã lựa chọn phương hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế gắn với chương trình giáo dục phát triển năng lực số và các kỹ năng khác như chương trình phát triển cá nhân, chương trình ngoại ngữ chuẩn đầu ra Châu Âu với sự hỗ trợ từ giáo viên nước ngoài, chương trình giáo dục STEM, môn học về bản sắc văn hóa Việt Nam…
Năm 2022, hệ thống đã ký kết với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo AI và Robotics mang đến giáo trình từ UBTech nhằm giảng dạy trong chương trình trải nghiệm thế giới thông minh nâng cao kiến thức, tư duy và năng lực sáng tạo cho học sinh.
Cô Lê Trương Kim Phượng chia sẻ: Năm học 2022 - 2023 là năm học đặc biệt, vì lần đầu tiên học sinh khối 10 THPT FPT Cần Thơ được trải nghiệm chương trình thế giới thông minh thông qua bộ sách - AI Super Engineer.
Bên cạnh tiếp cận với lập trình cơ bản, nâng cao năng lực học sinh qua từng học kỳ, học sinh còn tương tác và thảo luận trao đổi ý kiến khi làm việc nhóm để khám phá bài học và đưa ra ý tưởng để hoàn thành được dự án của mình. Tại lớp học, mỗi bạn được cá nhân hoá, mỗi bạn được phát huy thế mạnh về ý tưởng, lắp ghép hay lập trình…
Học sinh THPT FPT Cần Thơ trong môn học công nghệ. |
Sự xuất hiện của ChatGPT hay trí tuệ nhân tạo mục đích đơn giản là tạo ra công cụ hỗ trợ tối ưu hoá công việc của con người. Dù thời đại nào, công nghệ không thể thay thế con người về sáng tạo hay cảm xúc.
Giáo dục nên xem học sinh là chủ đạo, luôn nhận được đồng hành; trong đó nhà trường, phụ huynh đồng hành giáo dục đạo đức, giáo dục con người giúp học sinh trở thành phiên bản hoàn thiện về tư duy và tri thức để có ích cho cộng đồng, xã hội.