Trường THCS Lý Thường Kiệt, Quận Hải Châu - Đà Nẵng: Thiếu minh bạch trong đóng tiền thuê máy chiếu?

GD&TĐ - Trong buổi họp phụ huynh học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đã có người chất vấn về khoản thu tiền thuê máy chiếu phục vụ cho việc dạy – học.

Giờ học có sử dụng máy chiếu tại Trường THCS Lý Thường Kiệt.
Giờ học có sử dụng máy chiếu tại Trường THCS Lý Thường Kiệt.

Theo đó, mỗi phòng học sẽ đóng 3 triệu/năm cho khoản tiền này. Phụ huynh cho rằng, máy chiếu nằm trong danh mục được Nhà nước đầu tư nên khoản thu này là không hợp lý - cho dù là tự nguyện. 

Theo phản ánh, buổi họp phụ huynh này diễn ra ngày 28/9. Ban đại diện phụ huynh có thảo luận về khoản thu 1,5 triệu/lớp về tiền thuê máy chiếu dùng cho năm học 2020 – 2021. Khoản thu này, năm học 2019 – 2020 cũng đã triển khai. Một phụ huynh cho biết, đây là khoản thu không hợp lý. Vì thiết bị máy chiếu phục vụ cho hoạt động dạy – học tại các trường đều được sở, phòng GD&ĐT trang bị hàng năm. 

Trước thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng nhà trường đã giải thích với phụ huynh đây là khoản thu xã hội hóa giáo dục, không bắt buộc và cũng không cào bằng. 

Làm việc với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Minh cho biết, Ban đại diện phụ huynh nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty VISNAM để trang bị máy chiếu cho 100% phòng học với mức thanh toán 3 triệu đồng/máy/năm/phòng học. Hợp đồng này bắt đầu thực hiện từ học kỳ II của năm học 2017 – 2018. Hợp đồng kéo dài trong 4 năm. Sau thời gian này, máy chiếu sẽ thuộc sở hữu của nhà trường. Với cách làm này, tất cả các HS đều được thụ hưởng phương pháp dạy học hiện đại. 

“Chúng tôi đã thử làm bài toán, nếu bỏ ra 12 triệu/phòng học để trang bị máy chiếu đồng loạt. Cho dù là xã hội hóa giáo dục thì mức đóng góp của mỗi phụ huynh cũng là một khoản tiền không nhỏ. Chưa kể, với những HS lớp 9, thời gian sử dụng của các em ở thời điểm đó chỉ còn 1 học kỳ.

Trong khi đó, với việc hợp đồng thuê máy, chi phí mỗi năm học/lớp chỉ ở mức 1,5 triệu đồng, lại được bảo hành, bảo trì nếu có hỏng hóc trong quá trình sử dụng. Có những lớp, chỉ vài ba phụ huynh ủng hộ là đã đủ chi phí cho cả một năm học” – cô Minh giải thích. 

Sau khi đã ký hợp đồng thuê máy chiếu thì những năm sau đó, nhà trường được sở và phòng GD&ĐT trang bị một số máy chiếu. Những máy chiếu này, theo như cô Minh, đã được lắp đặt tại các phòng bộ môn, phòng họp… để thay thế cho những máy đã bị hư hỏng, xuống cấp. 

Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Trong danh mục mua sắm trang thiết bị tối thiểu tại các trường học, máy chiếu sẽ được trang bị tại các phòng học bộ môn và phòng dùng chung.

Nếu các trường có kế hoạch trang bị tại các lớp học thì thường là có 3 nguồn: Từ 20% ngân sách chi cho các khoản chi dành cho các hoạt động khác, từ nguồn kinh phí địa phương đầu tư cho giáo dục hàng năm và từ nguồn tài trợ giáo dục. Tuy nhiên, nếu sử dụng từ nguồn kinh phí của nhà trường thì rất khó để phủ cho 100% lớp học trong một thời gian ngắn”. 

“Để lớp có lớp không thì không bảo đảm công bằng trong hưởng thụ giáo dục. Chính vì vậy, Ban đại diện phụ huynh đã xây dựng kế hoạch lắp đặt tại các lớp học. Trong đó, có tính đến cân đối làm sao để năm đầu tiên, phụ huynh không phải “gánh” quá nhiều và để những HS mới vào trường có tham gia đóng góp” – bà Minh thông tin thêm. 

Tuy nhiên, có ý kiến phụ huynh cho rằng, trong cuộc họp phụ huynh năm học 2019 – 2020, đã có thông tin rằng việc thuê máy chiếu chỉ kéo dài trong 3 năm. Đến năm học 2020 – 2021 này là đã hoàn tất hợp đồng. Chính vì thông tin không nhất quán nên dẫn đến những bức xúc của phụ huynh khi vẫn phải tiếp tục đóng góp khoản thuê máy chiếu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.