Người dân sống ven khu vực dòng rạch Cầu Sơn, Bình Thạnh bức xúc phản ánh: hơn mười năm nay nhiều lần đã họp bàn về vấn đề đoạn rạch trước trường THCS Lê Văn Tám nhưng không có động thái giải quyết từ cấp trên, đoạn kênh trước trường có 2 đầu là cầu với gầm khá thấp, xà lang nạo vét không thể tiếp cận vào được.
Đoạn rạch rộng hơn 10m nhưng luôn ngập trong rác, chai lọ, túi nilon, xác động vật chết được vứt đầy 2 bên bờ rạch, nước thải đen ngòm bốc mùi hôi thối được người dân xả trực tiếp ra rạch. Ý kiến phải ảnh gửi đi rất nhiều lần nhưng hầu như không tìm được phương án để giải quyết. Ô nhiễm gây bệnh cho người dân sống ven con rạch, người dân còn cho biết đây là ổ dịch sốt xuất huyết của quận, rất bức xúc nhưng mong muốn cái tạo gửi đi rồi đâu lại vào đấy. Mức độ ô nhiễm của đoạn rạch này vẫn ngày một gia tăng.
Dòng kênh ô nhiễm chảy qua THCS Lê Văn Tám và Học viện Cán bộ TP.HCM - ảnh: Tuấn Anh |
Điều đáng chú ý, rạch Cầu Sơn chảy ngang qua ngay trước cổng trường THCS Lê Văn Tám. Mỗi khi các em đến trường hoặc ra về, luôn phải bịt mũi vì mùi bốc lên từ con rạch. Giờ ra chơi các em cũng hạn chế ra phía cổng trường vì mùi hôi nồng nặc. Mặc cho dòng kênh ô nhiễm, xung quanh khu vực này vẫn có rất nhiều hàng quán, bán trực tiếp cho học sinh, người dân giữa sự ô nhiễm của dòng nước.
Bảo vệ của trường cho biết: "Khi trời nắng dòng rạch bắt đầu bốc mùi, gió thổi về phía trường làm cho học sinh, giáo viên rất khó chịu, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe". Ruồi, muỗi, chuột cũng từ con rạch này phát tán ra khắp khu vực, gây ra rất nhiều bệnh cho người dân.
Được biết, đoạn rạch này có chảy qua 2 trường: Học viện Cán Bộ TP.HCM và THCS Lê Văn Tám. Đoạn qua Học viện Cán bộ sau rất nhiều cuộc họp bàn mới được cho xà lang vào nạo vét giải quyết ô nhiễm những vẫn rất sơ sài, còn đoạn trước trường Lê Văn Tám vẫn chỉ im hơi lặng tiếng mặc cho ý kiến phản ánh bức xúc từ người dân.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã cử đoàn giám sát, kiểm tra rạch Cầu Sơn, yêu cầu cải tạo dòng rạch. Tuy nhiên, tuyến rạch này bị các hộ dân lấn chiếm để xây dựng nhà cửa khiến cho dòng chảy bị thu hẹp. Việc cải tạo tốn kinh phí rất lớn, mất rất nhiều thời gian. Dự án cải tạo tuyến rạch này vẫn đang còn nằm trên giấy. Người dân rất mong có được phương án xử lí ô nhiễm của con rạch này.