Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – đây là quyết tâm chung của các trường, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.
Căn cứ để Các điều kiện xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp sư phạm là: Kết quả thi của thí sinh và chất lượng yêu cầu đối với nguồn tuyển; chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp sư phạm; chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh.
Căn cứ để Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 phân tích đưa ra mức điểm trên là trên cơ sở kết quả điểm thi của các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm, chủ yếu căn cứ vào yêu cầu chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo giáo viên để đảm bảo chất lượng người thầy trong toàn hệ thống. Ngoài ra, chúng tôi cũng căn cứ vào những tiêu chí khác như điểm ưu tiên, các yếu tố vùng miền để xác định ngưỡng đảm bảo này.
- Với mặt bằng điểm thi năm nay, rất có khả năng một số trường sư phạm sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT có tính toán đến điều này?
Chúng tôi đã bàn kĩ trong các đơn vị chức năng của Bộ, cũng như các thành viên của Hội đồng - đại diện cho các hệ đào tạo khác nhau, ở các vùng miền khác nhau. Gần như đại diện toàn hệ thống rất quyết tâm không duy trì quy mô để đánh đổi chất lượng mà tôn trọng đầu tiên là yếu tố chất lượng, ngay cả những vùng khó tuyển sinh, hoặc hệ cao đẳng, trung cấp, dù cũng xác định có thể có trường có ngành khó tuyển sinh.
Các thành viên của Hội đồng “điểm sàn” cũng đã có phát biểu tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của mình trước tương lai đất nước, rằng làm sao phải đào tạo ra được đội ngũ những người thầy tốt để đào tạo ra những thế hệ học trò tốt. Đó là sự quyết tâm rất lớn của ngành và cả những trường ở vùng khó khăn cũng chung quyết tâm đó.
- Năm trước chúng ta đã phân tích lý do không nhiều thí sinh, đặc biệt thí sinh điểm cao mặn mà với sư phạm, không chỉ do vấn đề từ các trường mà do nhiều yếu tố khác, như cơ hội việc làm, thu nhập… Nhưng hiện nay, trong khi vấn đề này chưa được giải quyết thì liệu có phải bài toán khó bị đẩy về phía các trường?
Về vấn đề việc làm của thí sinh sau khi tốt nghiệp sư phạm, vừa rồi toàn ngành có khảo sát tổng thể về nhu cầu việc làm của 63 tỉnh thành trên toàn quốc và năm 2018, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu trên cơ sở nhu cầu sử dụng đó.
Như vậy, có thể thấy, càng ngày chỉ tiêu của ngành càng được xác định tiệm cận với nhu cầu sử dụng ở thời điểm sau khi các em ra trường.
Còn chế độ đãi ngộ, các chính sách khác thì gần đây, Chính phủ và Trung ương đã thông qua Đề án cải cách tiền lương…
Tuy nhiên, đối với riêng ngành GD-ĐT, trước hết cứ giải quyết vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh sát với nhu cầu về sử dụng lao động ngành sư phạm, có nghĩa hầu hết sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm, đó cũng là sự hấp dẫn rất lớn với các em vào sư phạm. Và đó cũng chính là lý do tại sao năm nay chỉ tiêu giao cho các ngành lại giảm tới 38% so với năm trước.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng |
- Tuy nhiên, có thể thấy, hiện nay việc tuyển được sinh viên vẫn là vấn đề sống còn với các trường. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT có kế hoạch nào để giúp các trường có được những nguồn lực khác hay không?
Những năm gần đây chúng ta đã nói đến cần đổi mới hệ thống đào tạo sư pham như thế nào. Một trong những nội dung đổi mới là khảo sát năng lực của tất cả các trường sư phạm, đánh giá năng lực từng trường ở các vùng miền khác nhau để làm công tác quy hoạch.
Trên cơ sở khảo sát đánh giá đó, các trường cũng tự đánh giá năng lực của mình, các cơ quan chủ quản cũng đánh giá nhu cầu duy trì các trường sư phạm thuộc phạm vi quản lý.
Các trường sư phạm, các cơ quan chủ quản, ngành GD-ĐT cũng đã có những đổi mới nhất định. Ví dụ, một số trường sư phạm đã chuyển đổi thành trường đa ngành, tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ người thầy để đào tạo các ngành khác nhau theo nhu cầu sử dụng lao động chứ không chỉ chuyên về đào tạo sư phạm.
Rồi các trường cũng đã linh hoạt hơn hoạt động của mình, không chỉ là đào tạo mà còn bồi dưỡng cán bộ cho địa phương và đặc biệt là bồi dưỡng để nâng chuẩn giáo viên đang công tác tại địa phương.
Việc này cũng phù hợp với việc Luật Giáo dục đang sửa đổi và đề ra hướng sẽ nâng chuẩn trình độ giáo viên từ mầm non đến tiểu học để có chất lượng tốt hơn.
Việc cải cách để nâng cao chất lượng, rồi các trường của địa phương hay các trường nhỏ sẽ có thể hợp tác liên kết với các trường lớn để đào tạo để có thể có chương trình trình đào tạo, cung cấp chất lượng đào tạo tốt hơn; hoặc một số trường đang tiến tới xu hướng giải thể hoặc sáp nhập với các trường lớn khác, hoặc trở thành cơ sở đào tạo vệ tinh của các trường lớn ở những vùng ven các khu trung tâm …
Bộ GD&ĐT đang tiến hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo giáo viên. Đó là những chính sách tổng thể đã được xúc tiến thực hiện trong một vài năm gần đây và sẽ được thực hiện trong một vài năm tới để hệ thống của chúng ta sát với nhu cầu hơn và nâng cao chất lượng hơn.
- Năm nay, các trường đều không còn chịu sự điều chỉnh của ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, trừ khối trường sư phạm. Điều này có tạo sự bất bình đẳng cho các trường hay không?
Chúng tôi xác định đào tạo sư phạm phải khác với đa số các ngành khác. Cái khác ở đây là chúng ta đào tạo ra một đội ngũ người thầy; đội ngũ thầy tốt sẽ có thế hệ học trò tốt, thế hệ học trò tốt sẽ có các lớp công dân tốt, có lớp lao động tốt để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Chính vì sự khác nhau đó nên quản lý nhà nước với các trường sư phạm vẫn khác. Chúng tôi vẫn giữ việc giao chỉ tiêu đào tạo, giữ điểm sàn để đảm bảo chất lượng đào tạo sư phạm.
Đây không phải chỉ là quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là quyết tâm của toàn ngành và hầu hết hiệu trưởng nhà trường. Những người tham gia hội đồng điểm sàn hoặc trong các hội nghị của ngành cũng đều nêu cao quyết tâm này.
Các trường sư phạm có sự chuyển đổi thành các trường đa ngành hoặc sáp nhập vào các trường khác, hoặc thành những cơ sở đào tạo bồi dưỡng của tỉnh, vùng… Điều đó cho thấy rằng các trường sư phạm có nhiều hướng phát triển bình đẳng như các trường khác.
Còn nếu họ vẫn lựa chọn thế mạnh, mũi nhọn nhất của mình là đào tạo giáo viên thì toàn ngành cũng như chính mỗi trường đều đang thể hiện quyết tâm rất lớn của mình. Chúng tôi cho rằng, đó là trách nhiệm, sứ mệnh của ngành Giáo dục đối với tương lai đất nước.
- Xin cảm ơn bà!