Trường sư phạm đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Nhiều năm gần đây, các tranh luận xung quanh vấn đề đào tạo giáo viên gần như trở thành tâm điểm. Tranh luận về chính sách, chế độ; tranh luận về chương trình, tài liệu, con người, phương pháp, kỹ năng…

Một lớp bồi dưỡng sư phạm ở trường ĐH Thái Nguyên
Một lớp bồi dưỡng sư phạm ở trường ĐH Thái Nguyên

Nhưng rồi bài toán đào tạo nguồn nhân lực sư phạm xem ra vẫn còn ngổn ngang những cái khó. Vậy, mắt xích để tháo gỡ những khó khăn đó bắt đầu từ đâu để đào tạo giáo viên có tính chuyên nghiệp hóa nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên các trường phổ thông?

Đánh giá đúng để mở hướng đi đúng

Không thể phủ nhận những đóng góp của các trường sư phạm cho sự nghiệp giáo dục. Việc đào tạo GV ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định: sự mở rộng về quy mô, đa dạng trong mô hình đào tạo; cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp, chương trình đào tạo tại các trường sư phạm có nhiều điểm mới theo hướng phát huy năng lực người học.

Nhận định về thực trạng đào tạo sư phạm, tại Hội nghị quốc gia về đổi mới đào tạo sư phạm vào năm 2017, bà Nguyễn Thúy Hồng, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) phát biểu: “Chất lượng các trường sư phạm trên toàn quốc không đồng đều, chưa có những cơ sở đầu ngành được đầu tư để gánh vác trách nhiệm đi đầu và dẫn dắt, hỗ trợ các cơ sở khác trong mạng lưới. Vì thế, cần tập trung đầu tư có trọng điểm để có được một mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm hiệu quả”.

Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, công tác đào tạo GV ở nước ta đang bộc lộ những hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tế, đặc biệt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay. Một sai lầm chính trong quá khứ làm trở ngại việc kiểm định và cải cách là sự thiếu đồng thuận về chương trình chủ đạo cần thiết cho GV làm chủ công việc và làm chủ những kinh nghiệm thực hành đứng lớp mà các GV tương lai phải đối mặt khi họ chuẩn bị nghề nghiệp của mình.

Một số chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý chuyên môn ở các trường cũng nhận định: Chương trình đào tạo GV cũng bộc lộ bất cập là chưa sát với thực tiễn hành nghề của GV; sự gắn kết đào tạo ở trường đại học với thực tiễn nghề nghiệp ở phổ thông còn lỏng lẻo. Trong khi nhiều trường sư phạm trọng điểm nỗ lực tìm hướng đổi mới và có chuyển biến tốt thì vẫn còn không ít trường sư phạm, khoa sư phạm còn trì trệ, lạc hậu cả chương trình đào tạo, phương thức đào tạo. Việc này tạo nên một mặt bằng chất lượng GV trồi sụt, với những cách biệt khá xa về chất.

Hiện nay, chúng ta chưa có phương pháp đào tạo giảng viên sư phạm có tầm chiến lược. Các trường sư phạm vẫn làm theo cách cũ là giữ lại sinh viên giỏi (vốn được đào tạo ra làm GV phổ thông) để tự đào tạo và bồi dưỡng, học tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trở thành giảng viên. Một số giảng viên sư phạm được đào tạo “một mạch” từ cử nhân đến tiến sĩ, thiếu trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Mặc dù đội ngũ giảng viên này có học vị, có kiến thức lí thuyết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia giáo dục đại học và chưa có sức thuyết phục cao đối với GV phổ thông.

 
PGS.TS Phạm Hồng Quang - Trường ĐHSP-ĐH Thái Nguyên:

Nghiệp vụ sư phạm là một trong những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo GV. Tuy nhiên, năng lực nghề nghiệp của GV được đào tạo sư phạm ở các trường hiện nay vẫn còn một bộ phận khá đông yếu cả về lý luận và thực hành (tay nghề). Tình trạng phân bổ GV không đồng đều, không đúng chuyên môn do dư dôi GV cấp học, môn học này nhưng lại thiếu GV môn học khác, cấp học khác, hoặc thiếu GV phổ thông một số môn đặc thù - nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến lỗ hổng về chất lượng ở các cấp học.

Trong một thời gian, cách đào tạo GV theo kiểu truyền thống bộc lộ nhiều nhược điểm do còn rời rạc, quá nhiều lí thuyết, ít thực hành; thiếu sự nhận thức rõ ràng và sự chia rẽ giữa các GV trong cùng một khoa về công tác giảng dạy. Những chương trình chủ yếu là một tập hợp các khóa học không liên quan gì nhau và thiếu một quan niệm chung về dạy và học được biết đến như những đại diện yếu kém trong việc tác động đến việc thực hành của GV mới. Đây cũng là trường hợp của một số loại hình đào tạo không chính quy, làm hỏng nội dung then chốt của việc đào tạo GV, làm khóa học tách rời khỏi việc thực hành độc lập và không hỗ trợ được nhiều cho GV mới vào nghề.

Các giáo sinh sư phạm dự giờ thực tập

Các giáo sinh sư phạm dự giờ thực tập

Cần một chương trình cốt lõi, những chuẩn mực và kinh nghiệm

Bà Nguyễn Thúy Hồng cho biết: “Hiện tại một số trường sư phạm đã phối hợp cùng nhau trên cơ sở phát huy vai trò của Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường ĐH sư phạm. Việc điều chỉnh chương trình đào tạo sư phạm được thực hiện ở cả việc đổi mới nội dung chương trình, sắp xếp thời lượng đào tạo theo hướng cập nhật những nội dung mới của khoa học giáo dục hiện đại cũng như các vấn đề của thực tiễn giảng dạy môn học và giáo dục học sinh ở nhà trường phổ thông, mầm non”.

Việc bắt đầu cải cách trong đào tạo GV bắt đầu từ thiết kế chương trình mang tính tổng hợp và mạch lạc. Khi có được một chương trình mới để đào tạo GV thì mọi vấn đề về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá sẽ được giải quyết triệt để. Để không lạc hướng và tạo ra được sức thuyết phục cho giảng viên, cần có đủ cơ sở khoa học khi làm chương trình và đặc biệt là lựa chọn tri thức khoa học giáo dục hiện đại để triển khai đổi mới và gắn với lợi ích của giảng viên.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Bộ đang xây dựng chuẩn GV và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm theo hướng gắn kết các trường sư phạm thành một chuỗi. Chương trình sư phạm các cấp tiến tới một chương trình thống nhất, chuẩn hóa”. Hiện Bộ đã mời các giáo sư, chuyên gia có kinh nghiệm để xây dựng chương trình đào tạo GV chuẩn phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới, phản biện chương trình để áp dụng trong toàn quốc.

Theo đó, các trường sư phạm phải bám sát chương trình chung được chuẩn hóa này để xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại. Với định hướng này sẽ không còn tình trạng mạnh ai nấy làm, các trường sư phạm phải đảm bảo chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng tối thiểu để GV có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn tới. PGS.TS Phạm Hồng Quang đề xuất giải pháp: “Để không lạc hướng và tạo ra được sức thuyết phục cho giảng viên, cần có đầy đủ cơ sở khoa học khi làm chương trình và đặc biệt là lựa chọn tri thức khoa học giáo dục hiện đại và triển khai đổi mới, gắn với lợi ích của giảng viên”.

Các công trình nghiên cứu cho thấy rằng, những chương trình ưu việt, nhiều điểm mạnh là dạy cho GV tương lai cách thực hành đứng lớp hơn là chỉ dạy các kỹ thuật đặc thù, giúp họ học cách tư duy mang tính sư phạm, lý giải sự việc thông qua những tình huống khó xử, điều tra khảo sát các vấn đề, và phân tích việc học tập của HS nhằm đưa ra một chương trình học tập với nhiều nhóm học sinh khác nhau.

Theo đó, việc tăng thời lượng thực hành nghề cho SV sư phạm là rất cần thiết.

Việc tăng tính kết nối giữa cơ sở đào tạo sư phạm với các trường phổ thông cũng được Bộ chức năng quan tâm. Bộ khuyến khích các trường sư phạm xây dựng các trung tâm nghiệp vụ sư phạm, các trường thực hành trong trường sư phạm, cũng như kết nối với các trường ở địa phương để tạo thành hệ thống trường thực hành sư phạm cho riêng mình. Việc đưa sinh viên, giảng viên xuống trường mầm non, phổ thông và ngược lại mời GV và cán bộ quản lý giáo dục giỏi ở các trường mầm non, phổ thông đến trường sư phạm chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thực hành nghề đã được chú trọng hơn trong vài năm gần đây. Có nhiều trường làm tốt việc này như các Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Đà Nẵng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.