Trường Sĩ quan Lục quân 1: Nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ

GD&TĐ - Mỗi năm, cả nước có hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông, làm hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn người bị thương; không còn khả năng lao động, mang trong mình nỗi ám ảnh, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Kiến thức về an toàn giao thông thường xuyên được các học viên Trường sĩ quan Lục quân 1 trau dồi.
Kiến thức về an toàn giao thông thường xuyên được các học viên Trường sĩ quan Lục quân 1 trau dồi.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về bảo đảm an toàn giao thông và văn hóa giao thông.

Nhà trường có những chủ trương, biện pháp tích cực, chủ động trong giáo dục tuyên truyền và tổ chức thực hiện, làm cho mọi quân nhân, công nhân viên không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm và tự giác chấp hành nghiêm luật giao thông. Tổ chức giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, cổ động, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đài truyền thanh Nhà trường, ở đơn vị cơ sở với khẩu hiệu, băng rôn, bảng tin nội bộ, báo tường, sinh hoạt văn nghệ có lồng ghép tuyên truyền an toàn giao thông.

Nhà trường chỉ đạo các cơ quan kỹ thuật tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm tình trạng kỹ thuật tốt cho các xe ô tô khi tham gia giao thông. Kiên quyết không sử dụng các loại xe ô tô không bảo đảm kỹ thuật theo tiêu chuẩn hoặc hết niên hạn sử dụng. Tất cả các đồng chí lái xe khi đi công tác đều có đầy đủ giấy tờ theo quy định và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ.

Tổ chức kiểm tra xe quân sự trên đường trong khu vực theo sự phân công của Cục Xe-Máy/ TCKT, kiên quyết xử lý các vi phạm quy định Ngành Xe-Máy quân đội và pháp luật Nhà nước. Các lỗi vi phạm chủ yếu là thiếu giấy công tác xe, giấy phép lưu hành xe. Từ việc kiểm tra này đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông; nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ; Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội và các quy định của đơn vị.

Luôn duy trì nghiêm túc công tác kiểm tra chấp hành Luật giao thông đối với cán bộ, giảng viên, công nhân viên Nhà trường.

Học viên Trường sĩ quan Lục quân 1 tuyên thệ trong lễ Tốt nghiệp
Học viên Trường sĩ quan Lục quân 1 tuyên thệ trong lễ Tốt nghiệp 

Các loại xe máy khi tham gia giao thông  phải có đầy đủ các giấy tờ xe, tình trạng kỹ thuật xe tốt, có đủ đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, còi, gương chiếu hậu. Mọi đối tượng phải gương mẫu chấp hành đi xe đúng tốc độ quy định trên các tuyến đường; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Các trường hợp vi phạm đều được báo cáo nghiêm túc trong giao ban chỉ huy Nhà trường để lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, khoa, đơn vị trong toàn trường được biết, từ đó có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh đơn vị mình.

Nhờ vậy, mà ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của cán bộ, học viên, công nhân viên Nhà trường đã không ngừng tăng lên, phát triển một cách bền vững và liên tục, tạo thành thói quen tốt khi tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, do lưu lượng sử dụng các phương tiện tham gia giao thông rất lớn đặc biệt trong các đợt nghỉ lễ, tết nên việc bảo đảm an toàn giao thông và thực hiện văn hóa giao thông có thời điểm còn chưa tốt, nguy cơ mất an toàn giao thông vẫn còn cao như việc điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia say nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông… Việc nắm Luật giao thông đường bộ của một số lượng người không nhỏ còn mơ hồ, việc chấp hành Luật ở một số thời điểm còn chưa nghiêm túc. Việc tuyên truyền phổ biến Luật còn nặng về hình thức, chưa có nhiều sáng kiến tuyên truyền hay, hiệu quả.

Trước thực trạng giao thông phức tạp như hiện nay, để nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, cần thực hiện tốt  một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho từng cán bộ, giảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, học viên

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị cần nhận thức sâu sắc việc giáo dục Luật giao thông là việc làm có tính quyết định nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật giao thông. Việc giáo dục Luật giao thông cho đơn vị mình cần phải làm thường xuyên, liên tục, chọn lọc nội dung phù hợp với từng đối tượng với nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể là, kết hợp giảng dạy nội dung Luật giao thông với Nghị định xử phạt hành chính và quy định của đơn vị; kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với việc minh họa bằng hình ảnh, video sinh động; kết hợp với lên lớp tập trung với việc chia nhỏ từng nhóm cùng tìm hiểu một vấn đề và viết thu hoạch.

Hàng tháng cần phải chủ động, nhắc nhở và rút kinh nghiệm kịp thời. Từng người, mà đặc biệt là học viên cần phải tự xác định việc học tập, tuyên truyền và chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ là yêu cầu bắt buộc và mang ý nghĩa thiết thực đến bản thân, gia đình, đơn vị và toàn xã hội. Từng người phải nhận thức rõ ràng được rằng, khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy tắc giao thông.

Trước mỗi đợt nghỉ lễ tết, cấp ủy cơ quan khoa, đơn vị phải ra Nghị quyết chuyên đề về việc chấp hành Luật giao thông và các quy định của địa phương; tổ chức giáo dục các nội dung của Luật giao thông phù hợp với từng đối tượng và điều kiện của đơn vị mình; tổ chức cho đơn vị xem liên tục các đoạn phim về tai nạn giao thông và chấp hành Luật giao thông, sau đó viết thu hoạch về cảm nhận và trách nhiệm của mình đảm bảo an toàn giao thông.

Đối với học viên, ngoài việc phải viết cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông, đơn vị cần liên hệ chặt chẽ với từng gia đình và địa phương. Hàng tuần, cần nắm rõ tình hình của đơn vị mình thông qua liên lạc với gia đình và địa phương.

Hai là,tăng cường công tác tuyên truyền chấp hành Luật giao thông và Biển báo hiệu giao thông đường bộ Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau.

Tuyên truyền Luật giao thông là việc làm quan trọng để nhân rộng các điển hình tốt, răn đe, ngăn ngừa các tình huống mất an toàn. Đây là giải pháp để đưa Luật thực sự vào từng người, từng gia đình và cuộc sống. Cụ thể là, vào các buổi chiều hàng ngày, truyền thanh Nhà trường đều phát các bản tin an toàn giao thông; xây dựng các panô áp phích lớn về tại nạn giao thông ở phía trước và sau cổng ra vào, ở quảng trường, chế tài xử phạt hành chính vi phạm quy tắc giao thông và thực hiện văn hóa giao thông để nhắc nhở, ngăn ngừa và nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên toàn trường.

Cán bộ, chiến sĩ Trường sĩ quân Lục quân 1 báo công dâng Bác
Cán bộ, chiến sĩ Trường sĩ quân Lục quân 1 báo công dâng Bác

Bên cạnh đó, định kỳ tổ chức hội thi tuyên truyên viên giỏi, tìm hiểu về Luật giao thông đường bộ, Nghị định xử phạt hành chính… Qua các hội thi cần làm tốt công tác biểu dương, nhân rộng điển hình cũng như rút kinh nghiệm kịp thời các lỗi sai phạm.  

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra chấp hành Luật giao thông đường bộ cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong toàn trường.

 Trong những năm qua, hàng tháng cứ 2 tuần một lần Ban Xe- Máy đều tiến hành kiểm tra giấy tờ xe máy cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên toàn trường. Điều này rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông của mọi người, từ đó tạo ra thói quen tốt luôn mang đầy đủ giấy tờ khi tham gia giao thông. Nhiều trường hợp vi phạm, sau khi được nhắc nhở đã chuyển biến tốt, trở thành tấm gương sáng chấp hành Luật giao thông trong toàn trường.

Phát huy điều đạt được đó, cần phải tích cực kiểm tra hơn nữa với nhiều nội dung khác nhau; không chỉ kiểm tra về giấy tờ còn phải kiểm tra cả tình trạng kỹ thuật của xe; không chỉ kiểm tra đối với xe máy còn phải cả ô tô quân sự cũng như ô tô dân sự trong toàn trường. Đặc biệt, đối với đội ngũ lái xe quân sự phục vụ các nhiệm vụ của Nhà trường thì việc tăng cường kiểm tra giấy tờ, thời gian ngủ nghỉ, sức khỏe và tâm lý lại càng quan trọng. Khi phát hiện lái xe không đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ phải kiên quyết thay lái xe khác.

Các trường hợp vi phạm, phải báo cáo và tuyên truyền rộng rãi trong toàn trường để tăng cường răn đe, ngăn ngừa tai nạn giao thông xảy ra. Đưa nội dung chấp hành Luật giao thông vào đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức đảng và bình xét thi đua cuối năm. Bên cạnh đó, cần phải biểu dương và nhân rộng những cá nhân điển hình và tập thể chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông trong toàn trường.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với chính quyền địa phương để chấn chỉnh, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông ở khu vực cổng trường và trên địa bàn đóng quân, công tác của Nhà trường.

Các cơ quan, khoa, đơn vị cần giữ vững mối liên hệ với địa phương để thực hiện đưa công tác an toàn giao thông, văn hóa giao thông đến cộng đồng dân cư, đến từng gia đình quân nhân, từng người dân trên địa bàn đóng quân. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, phải thường xuyên tiến hành, góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông cho các đối tượng. Mặt khác, phải thực hiện nghiêm quy định sử dụng rượu bia đặc biệt là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; ngày lễ, tết.

Đây là một yếu tố dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao vì khi đã sử dụng rượu bia thì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý; khả năng phản xạ, xử lý tình huống giao thông sẽ mất đi rất nhiều. Việc nắm được các cá nhân, tập thể hay tổ chức uống rượu bia cũng là cơ sở để có biện pháp nhắc nhở, chỉnh đốn, ngăn ngừa kịp thời các vụ việc mất an toàn giao thông.

Năm là, Ngành Xe-Máy của Nhà trường cần phải phát huy vai trò “đầu tàu” trong công tác bảo đảm an toàn giao thông trong toàn trường.

Ban Xe - Máy cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường củng cố hệ thống các loại biển báo giao thông đường bộ trong toàn trường, lắp đặt gương cầu ở nơi giao nhau có tầm nhìn hạn chế.

Sưu tầm tài liệu học tập về Luật giao thông, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định xử phạt; các đoạn phim, hình ảnh về tai nạn giao thông, chấp hành giao thông, thực hiện văn hóa giao thông; các kỹ thuật điều khiển xe máy, ô tô và kinh nghiệm xử lý trên đường. Chia sẻ các thông tin đó trên mạng nội bộ, tạo ra diễn đàn về an toàn giao thông trong toàn trường để xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên giỏi, có nhiều sáng kiến mới, hiệu quả trong việc giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.