GPLX B1 vẫn được lái xe ô tô
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất thay đổi những quy định có thêm giấy phép lái xe hạng A0 hay việc GPLX xe hạng B1 sẽ không được phép điều khiển ô tô, đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Đặc biệt là những người đang sở hữu GPLX B1 và học viên đang chuyển bị thi sát hạch GPLX B1.
Cụ thể, theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng Giấy phép lái xe: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất chia Giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.
Đặc biệt, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần này, Bộ GTVT đề xuất quy định có thêm GPLX hạng A0 cấp cho người lái xe xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 04 kW.
Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 04 kW đến 11 kW và các loại xe quy định cho GPLX hạng A0.
Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho GPLX hạng A0, A1.
Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A0, A1. Nếu dự thảo này có hiệu lực thì đồng nghĩa với việc GPLX hạng B1 sẽ không được phép điều khiển ô tô nữa.
Làm cho phù hợp với thế giới
Tại Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành đang quy định, hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: "Hiện nay, dư luận đang hiểu sai về việc GPLX B1 không được lái xe ô tô và giấy phép A1 không được lái xe mô tô trên 125 cm3. Thông tin này là sai".
Giải thích rõ hơn về đề xuất này, ông Thống cho rằng: "Về bản chất chỉ là thay tên GPLX cho phù hợp với Quốc tế, những ai đang sở hữu GPLX B1 thì vẫn được lái xe ô tô như bình thường, bản chất không thay đổi. Cẩn phải hiểu rõ là, dự thảo đang đề xuất những GPLX B1 hiện hữu thì sẽ được đổi tên thành B2 hoặc B và nhưng bằng B1 được cấp sau khi Luật được sửa đổi thì sẽ quy định không được lái xe ô tô".
"Khi Luật mới được ban hành, những ai có GPLX B1 vẫn được lái xe ô tô bình thường, không ai cấm, khi đến hết thời hạn phải cấp lại, thì sẽ được cấp đổi thành B2 hoặc B", ông Thống giải thích.
Theo ông Thống, đối với GPLX A1 đã được cấp không có thời hạn sử dụng thì vẫn được dùng bình thường, chỉ những giấy phép lái xe A1 cấp sau Luật mới thì mới áp dụng theo luật mới.
Quy định các hạng GPLX
Hạng B2 cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe) số tự động; ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng) số tự động có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B2 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg.
Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng) có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B2.
Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg… Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500 kg…
Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ đến 16 chỗ; Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 30 chỗ… Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 30 chỗ; xe ô tô chở người giường nằm…
Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg.
Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng C1 khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750kg. Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc.
Hạng D1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D1 khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg. Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D2 khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg. Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg…