Sau gần 8 tháng có kế hoạch triển khai xây dựng lại trường nhưng đến nay kế hoạch vẫn bất động. |
(GD&TĐ) - Đó tình cảnh của học sinh Trường tiểu học (TH) Nguyễn Khuyến ở xã An Phú (TP Pleiku, Gia Lai) trong năm học 2013-2014 gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên và học sinh.
Trường TH Nguyễn Khuyến nằm trên quốc lộ 19, nằm cách thành phố Pleiku khoảng 12 km về phía Đông. Đây là một trong 9 trường TH thuộc phòng GD&ĐT thành phố Pleiku triển khai thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN).
Vốn dĩ trường đang thiếu hệ thống cơ sở vật chất để triển khai dạy học theo mô hình trường tiểu học mới, cho nên, sau khi 7 phòng chức năng, khu hiệu bộ bị sập đỗ, khiến tình thiếu phòng học càng thêm trầm trọng. Để đảm bảo hoạt động dạy học, nhà trường phải mượn hệ thống trụ sở 5 thôn trong xã An Phú (thôn 1, 2, 3, 5, 6) và một cơ sở nhóm mầm non tư thục trên địa bàn để làm phòng học.
Nguyên nhân làm 7 phòng chức năng, khu hiệu bộ bị sập đổ là do cơn lốc xoáy gây ra hồi tháng 5/2013. Cô Phan Thị Khuyên – Hiệu trưởng - cho biết: “Vào ngày 18/5/2013, bất ngờ một cơn lốc xoáy xảy ra tại khu vực trường làm sập đỗ khu nhà gồm 7 phòng hiệu bộ, chức năng. Kèm theo đó là hệ thống mái nhà của 8 phòng học khác cũng bị lốc xoáy cuốn phăng”.
Cơn lốc xoáy xảy ra vào lúc giáo viên, học sinh đang ở trường nhưng may mắn nên không ai bị thương vong. Tuy nhiên, trận lốc xoáy gây tổn hại lớn cho nhà trường. Cô Khuyên cho hay: “Sau khi sự việc xẩy ra lãnh đạo địa phương đến nắm bắt tình hình thiệt hại, sau đó, sẽ tiến hành đầu tư xây dựng lại hệ thống phòng học trong năm 2014. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa được khởi công xây dựng”.
Năm học 2013 - 2014, Trường TH Nguyễn Khuyến có tổng số 601 học sinh. Học sinh trong trường là con em của 7 dận tộc thiểu số khác nhau. Cô Khuyên buồn bã nói: “Hiện toàn trường có 20 lớp nhưng chỉ 13 phòng học để phục vụ dạy và học. Ban giám hiệu và các bộ phận khác cùng sử dụng chung 1 phòng học để làm việc. Vấn đề thực sự làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhà trường, nhất là hoạt động dạy học theo mô hình trường học mới”.
Cô Phan Thị Khuyên lo lắng: “Nếu như kế hoạch đầu tư xây dựng lại hệ thống phòng chức năng và khu hiệu bộ kịp thời thì học sinh nhà trường phải tiếp tục đi học nhờ tại các trụ sở thôn trong năm học 2014-2015. Thiếu phòng học không chỉ nỗi lo của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường, mà còn là sự lo lắng của cha mẹ học sinh. Vì thế, rất cần chính quyền địa phương quan tâm, giúp nhà trường sớm ổn định để tập trung chuyên môn, chăm lo, giáo dục học sinh”.
Đại Thắng