Trường phổ thông bắt nhịp với điểm mới trong tuyển sinh

GD&TĐ - Những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH có tổ chức thi riêng năm nay sẽ trải qua 2 kỳ thi là thi tốt nghiệp THPT và làm bài thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy.

Thầy và trò Trường THPT Bình Liêu (Quảng Ninh) tích cực ôn luyện kiến thức và kỹ năng chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2022. Ảnh: NTCC
Thầy và trò Trường THPT Bình Liêu (Quảng Ninh) tích cực ôn luyện kiến thức và kỹ năng chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2022. Ảnh: NTCC

Điều này cần được các trường THPT nhanh chóng nắm bắt để hỗ trợ học sinh kịp thời.

Cập nhật thông tin xét tuyển, định dạng đề thi

Một trong những điểm mới đáng chú ý của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 là thêm nhiều trường tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Có thể kể đến kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐHQG; thi đánh giá năng lực vào các trường khối công an; thi đánh giá năng lực tại 2 trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TPHCM; thi đánh giá tư duy tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; thi đánh giá năng lực Trường ĐH Việt Đức… Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐHQG và thi đánh giá tư duy tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được chú ý vì nhiều trường khác sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Là chủ nhiệm lớp 12H2 Trường THPT Hàm Long (tỉnh Bắc Ninh), cô Lê Thị Thủy đã tiến hành khảo sát nhanh về nguyện vọng của học sinh trong lớp xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay. Kết quả, lớp có 33 học sinh thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển; 9 học sinh xét tuyển vào các trường tổ chức thi đánh giá năng lực; 20 học sinh chỉ xét học bạ và 4 học sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ và kết quả thi học sinh giỏi.

Với kỳ tuyển sinh có nhiều điểm mới như năm nay, cô Thủy luôn nhắc nhở học trò tìm hiểu kỹ; từ cách thức đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thời hạn có hiệu lực của điểm thi, đối tượng ưu tiên?... Với những trường tổ chức bài đánh giá tư duy, thi đánh giá năng lực, các em cần tìm hiểu kỹ thông tin từng trường, thời gian, địa điểm tổ chức, ưu điểm của hình thức này và các trường đó có phù hợp ngành nghề muốn học hay không?...

“Tôi luôn đồng hành cùng học sinh trong quá trình tìm hiểu và ôn tập cho kỳ thi mới này, để giải đáp thắc mắc, cũng như hỗ trợ các em khi cần. Đồng thời, định hướng các em tải đề thi mẫu do trường công bố để biết hình thức, mức độ và dạng đề, từ đó có hướng ôn tập phù hợp; có thể sưu tầm thêm tài liệu từ bạn bè trong và ngoài trường, từ thầy cô hoặc trên Internet… Đối với học sinh đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tôi đã sưu tầm một số đề của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Hồ Chí Minh và soạn đề cương cho các em ôn tập. Ba nhóm học sinh còn lại chủ yếu tập trung ôn tập cho các em nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa” - cô Lê Thị Thủy cho biết.

Còn theo thầy Nguyễn Hữu Thận, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, Trường THPT Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa), cơ bản học sinh trong lớp, trong trường mới chỉ định hình nguyện vọng; thường phải sang tháng 3 các em mới có quyết định chọn trường. Đó là khi phần ôn tập đã có độ chín; học sinh trải qua thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các trường để có quyết định phù hợp.

“Thông tin sơ bộ ban đầu, học sinh lớp tôi chủ nhiệm có khá nhiều hướng đi. Trong đó, 2 em có hướng đi du học; khá nhiều học sinh định hướng tham gia kỳ thi đánh giá tư duy tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; khoảng 30% học sinh trong lớp lại lựa chọn thi theo đánh giá năng lực...”, thầy Thận chia sẻ và cho rằng: Trước một kỳ tuyển sinh có nhiều điểm mới, giáo viên cần tìm hiểu, cập nhật, chia sẻ thông tin đến học sinh và phụ huynh; hướng dẫn để các em cùng tìm hiểu, rút ngắn thời gian nghiên cứu lựa chọn trường.

“Tôi đã tìm hiểu cấu trúc đề thi đánh giá tư duy, giá năng lực của một số trường; chia sẻ cho học sinh tìm hiểu, tham khảo; đồng thời lồng ghép vào việc giảng dạy để học sinh làm quen với cấu trúc các đề thi. Ngoài ra, định hướng cho học sinh chọn ngành cũng vô cùng quan trọng. Tôi luôn nhắc nhở trò, khi lựa chọn ngành cần căn cứ 3 tiêu chí: Theo sở thích, đam mê; phù hợp với khả năng (khả năng của gia đình, bản thân); nhu cầu của xã hội” - thầy Nguyễn Hữu Thận chia sẻ thêm.

Thầy Nguyễn Hữu Thận trong giờ giảng bài trên lớp.
Thầy Nguyễn Hữu Thận trong giờ giảng bài trên lớp.

Trang bị kiến thức toàn diện, tăng cường tự học

Trường THPT Hàm Rồng đang tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT, chú trọng cả 9 môn thi và theo lựa chọn khối, bài thi tổ hợp của học sinh. Các giáo viên thực hiện theo chỉ đạo của nhà trường, ôn tập chắc chắn các kiến thức thi tốt nghiệp THPT và cho học sinh làm quen, cọ sát dần với cấu trúc các đề thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Một trong những cách làm là lồng ghép câu hỏi đánh giá tư duy, năng lực trong các đề ôn tập… Những học sinh ôn thi tốt nghiệp vững, nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc làm bài thi đánh giá năng lực, hay đánh giá tư duy.

Thầy Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng nhấn mạnh: Chỉ đạo xuyên suốt của nhà trường là học sinh cần phải học toàn diện, tạo kiến thức nền tảng vững chắc. Trường định hướng cho học sinh ngay từ đầu năm học, xem các em lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội, chọn xét tuyển ĐH theo tổ hợp nào để có hướng ôn tập phù hợp. Bên cạnh đó, thầy cô bổ sung kiến thức từ việc tham khảo các đề thi đánh giá năng lực, tư duy, hỗ trợ các em có nguyện vọng vào những trường sử dụng phương thức tuyển sinh này.

Tại Trường THPT Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), theo thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thắng, hằng năm tỷ lệ học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ khoảng 75-80%. Trong số 75-80% này, năm nay có gần 50% tham gia xét tuyển ở các trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực. Nắm bắt được nhu cầu học sinh, nhà trường đã chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn tìm hiểu, phân tích đề tham khảo của các trường, nắm bắt xu hướng thay đổi để thông tin, hướng dẫn học sinh ôn tập trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của các em.

Nhà trường vẫn thực hiện phân luồng học sinh để tổ chức ôn tập, theo hướng chia nhóm chỉ có mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và nhóm có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chú trọng phụ đạo thêm cho nhóm học sinh có nguy cơ điểm bài thi tốt nghiệp THPT dưới 5, mục tiêu để các em đỗ tốt nghiệp. Tiếp tục duy trì “lớp học 24+” - gồm những học sinh được lựa chọn trên cơ sở điểm bài khảo sát, có 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống đạt 24 điểm trở lên - để ôn thi nâng cao. Việc ôn tập diễn ra thường xuyên, nhưng thực sự bước vào giai đoạn nước rút là từ học kỳ II; thời lượng ôn tập được bố trí khoảng 3 buổi/tuần.

“Trong điều kiện dịch bệnh, ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn tăng cường kết hợp ôn tập trực tiếp và trực tuyến, đặc biệt chú trọng hướng dẫn để học sinh tự học. Một số tổ nhóm báo cáo đã họp và thống nhất biên soạn được bộ tài liệu chung để hướng dẫn học sinh tự học tại nhà” – thầy Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Thông tin về định hướng ôn tập tại Trường THPT Hàm Long, Bắc Ninh, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương chia sẻ: Nhà trường tập trung vào 4 phương án: Thi tốt nghiệp THPT và lấy kết quả xét tuyển ĐH theo các tổ hợp; với học sinh thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải thì có thêm xét tuyển học bạ, kèm theo giải học sinh giỏi; xét tuyển dựa vào học bạ. Phương án cuối cùng là ôn tập cho các học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường có tổ chức thi đánh giá năng lực, tư duy. Với phương án này, giáo viên tìm các đề mẫu mà nhà trường công bố để tập hợp thành đề cương ôn tập cho học sinh. “Phần này khá khó khăn vì còn mới mẻ, nguồn đề chưa nhiều” – thầy Nguyễn Bá Khương cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ