Cơ cấu hệ thống giáo dục Armenia (thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập – SNG) gần giống với Nga: Giáo dục tiểu học (lớp 1 - 4) và THCS (lớp 5 - 9) bắt buộc. Sau đó học sinh được lựa chọn, có thể vào học trường cao đẳng hay THPT (lớp 10 - 12) và vào đại học. Vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học đại học nên họ thích cho con học nghề càng sớm càng tốt. Dự án của ông Vaag tạo cho họ cơ hội đó: Trường cao đẳng được công ty của ông tài trợ, học sinh không phải trả tiền. Hiện nay có khoảng 100 người đang học ở trường này.
“Trường thực tế” là trường trung học chuyên nghiệp với 3 chuyên ngành: Sư phạm và văn hóa, luật và chính trị, kinh tế. Học sinh tốt nghiệp được cấp bằng quốc gia và nếu có nhu cầu có thể tiếp tục vào học các trường đại học ở Armenia hay ở nước ngoài.
Học sinh tự lắp ráp bàn ghế và máy vi tính
Học ở “Trường thực tế” là những học sinh không có tiền học đại học. Ngoài ra, phần lớn các em sinh ra trong những gia đình không đủ cả bố lẫn mẹ, theo quan niệm của Armenia, đó là những gia đình không may mắn. Các bà mẹ gửi con tới học “Trường thực tế” để các em có thể được tiếp thu một nền giáo dục phù hợp.
Nhà trường quan tâm tới học sinh mới ngay từ trước khi bắt đầu năm học. Ông Vaag dẫn một đoàn thiếu niên có hoàn cảnh và tính cách khác nhau vào rừng 10 ngày. Ở đó, các em tự nấu ăn, sống trong các lều trại thiếu thốn tiện nghi. Không có điện thoại di động và thiết bị gia dụng, các em chỉ chơi các trò chơi, ca hát bên đống lửa trại và luyện tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhà trường và các nhân viên của Công ty
Instigate Design. Từ đây, học sinh thâm nhập vào thế giới của “Trường thực tế” hoàn toàn mới đối với các em.
Bước vào năm học, các em còn được chứng kiến nhiều điều bất ngờ hơn. Các lớp học không có bàn lẫn ghế. Thay cho máy vi tính là một đống những linh kiện điện tử đã qua sử dụng. Nhiệm vụ trước mắt là từ những phụ tùng này lắp ráp thành những chiếc máy tính điện tử có khả năng làm việc. Không biết làm ư? Đã có các giáo viên và Internet trợ giúp.
Bước tiếp theo - với sự trợ giúp của kỹ thuật sẵn có, các em thiết kế những chiếc ghế phù hợp nhất. Cách làm cũng như vậy, chỉ có điều không có vật liệu để sản xuất. Học sinh tự lập các bản dự toán sản xuất và trình cho ban giám hiệu nhà trường để nhận kinh phí. Kết quả là phần lớn học sinh được sử dụng những chiếc ghế tiện lợi do chính các em lắp ráp.
Phương pháp dạy học mang tính chất thiết kế thực nghiệm là cơ sở của toàn bộ quá trình giáo dục của “Trường thực tế”. Nếu học sinh cần phòng thí nghiệm hay lớp học mới, các em tự xây dựng bản thiết kế, lập dự toán. Ví dụ, để học nhạc các em tự làm ra một studio với hệ thống cách âm tự tạo. Thay cho những vật liệu cách âm đắt tiền, các em dùng hộp đựng trứng dán vào các bức tường của studio.
Tỷ lệ học và làm 50/50
“Trường thực tế” được bố trí trong một tòa nhà cùng với công ty của Pogosyan và lò ấp trứng khởi nghiệp công nghệ. Vì vậy học sinh có điều kiện thực hiện các dự án và nhiệm vụ thực tế dưới sự chỉ đạo của các cán bộ lò ấp trứng. Công việc của họ mang lại thu nhập cho công ty và cho phép trang trải hơn 30% chi phí đào tạo.
Học sinh đã thực hiện được một số dự án độc đáo. Tất cả đều bắt đầu từ việc tự chế tạo ra máy in công nghệ 3D. Nhà trường không có kinh phí để mua loại máy đắt tiền này, vì vậy học sinh tự nghĩ ra chiếc máy của mình. Chẳng bao lâu công trình máy đã in đầu tiên mang tên trường ra đời. Công nghệ này nhanh chóng được cấp bằng sáng chế và trong tương lai không xa sẽ được cung cấp cho nhà nước. Ưu thế quan trong của nó là giá cả. Nhờ giá phụ tùng thấp nên giá thị trường không vượt quá 20 - 30 USD.
Một dự án thú vị khác đã được thực hiện theo đơn đặt hàng của Singapore. Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này cần những chiếc máy bay không người lái bền vững có trọng tải lớn, nhưng phần lớn các mô hình không đáp ứng yêu cầu của họ. “Trường thực tế” đã giải quyết được nhiệm vụ này. Sản phẩm của các em trở nên tin cậy và hiệu quả đến mức Singapore ký hợp đồng mua một số chiếc.
“Điều chủ yếu là học làm người”
Theo ông Vaag Pogosyan, việc học tập không thể thiếu thực hành. Bản thân ông bắt đầu làm việc khi còn là sinh viên năm thứ hai ở trường đại học. Qua đó, ông thừa nhận rằng, số kiến thức nhà trường cung cấp không bằng một nửa số kiến thức mà ông tiếp thu được từ thực tế.
Những kỹ năng kỹ thuật và tư duy kỹ thuật rất cần thiết. Nhưng tôi cho rằng giáo dục phải bồi dưỡng nhân cách. Đến cuối lớp 9, học sinh phải trở thành một con người hoàn thiện, nhưng hệ thống giáo dục hiện hành không đủ sức bảo đảm điều đó.
Nhiệm vụ của các thầy giáo ở năm thứ nhất là sửa chữa những thiếu sót trong giáo dục mà học sinh phạm phải trước khi vào học “Trường thực tế”.
Chương trình giáo dục phổ thông cần có nhiều hơn các môn nghệ thuật: Âm nhạc, khiêu vũ, thư pháp, hội họa và tất cả những gì học sinh thích thú. Các môn thể thao cũng rất quan trọng để học sinh phát triển thể chất và học làm việc đồng đội. Cần phát triển cả trí tuệ cảm xúc.
Điều kiện cần thiết để phát triển một nhân cách toàn diện là nhãn quan rộng rãi và nhiều mối quan tâm. Mỗi ngày HS phải đọc gần 200 trang, đó không chỉ là sách. Nhiệm vụ của việc đọc là làm sao nắm bắt được văn cảnh và ý nghĩa quan trọng. Cần biết xử lý nhanh nhiều thông tin khác nhau.
Ngoài ra, cần đọc sách văn học. Nếu bạn không đọc sách văn học, không đi xem biểu diễn nghệ thuật, bạn sẽ trở nên nghèo nàn về tâm hồn. Nếu như một năm bạn không tham gia một hoạt động văn hóa nào, bạn trở nên cằn cỗi. Tài liệu khoa học, tất nhiên, cũng cần thiết, nhưng điều chủ yếu là học làm người” - ông Pogosyan nói.