Chủ động học trực tuyến với các môn lý thuyết
Hào hứng đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài học online, tuy nhiên, nhiều trường nghề đã phải linh hoạt dạy và học khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. Theo đó, các trường chủ động có kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh, chuyển các môn học lý thuyết sang trực tuyến.
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội có 54 cán bộ, giáo viên và hơn 100 học sinh, sinh viên mắc Covid-19. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức lớp học trực tuyến và trực tiếp đối với những môn học lý thuyết. Đồng thời chia ca học thực hành ở trường với số lượng tối đa khoảng 20 học viên/lớp. Trường cũng yêu cầu thực hiện 5K theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế như quét mã QR Code, đo thân nhiệt, khử khuẩn...
Ông Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng trường, cho biết, những thầy cô F0 cách ly ở nhà, nếu sức khỏe vẫn đảm bảo dạy được thì nhà trường bố trí lịch. Những thầy cô F0 bị triệu chứng nặng không tham gia dạy được, nhà trường bố trí lịch dạy cho giáo viên khác.
“Những sinh viên mắc Covid-19 ở trọ bên ngoài thì khai báo y tế ở địa phương, học trực tuyến. Số ca mắc đang ở kí túc xá sẽ được chuyển sang phòng cách ly riêng. Nhà trường có bộ phận y tế phát thuốc và hướng dẫn các em cách điều trị, thực hiện khai báo y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế” – ông Phạm Xuân Khánh cho biết.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường thông tin, đến thời điểm này, nhà trường có khoảng 15% học sinh, sinh viên và 20% cán bộ, giáo viên bị F0. Nhìn chung, số ca mắc Covid-19 trong trường tăng nhanh, nhất là đối với khối 9+. Chưa kể đến, có 90% giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên là F0, F1. Vì thế, các môn văn hóa của chương trình này đều được chuyển sang học trực tuyến.
Đối với sinh viên hệ cao đẳng, những lớp học đang triển khai theo hình thức trực tiếp thì vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, với những lớp còn rất ít sinh viên, mà phần thực hành không thể dạy trực tuyến, nhà trường phải đổi sang môn học khác để dạy online. Đối với những môn học thực hành tại xưởng, số học sinh là F0, F1 không đến trường được sẽ được bố trí học bổ sung sau.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao và có thể đạt đỉnh. Trước tình hình này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nghiêm 5K, giáo viên tăng cường giám sát sinh viên để hạn chế các em tụ tập. Các trường thiết kế giờ học thực hành, không nghỉ giải lao, em nào có nhu cầu thì tự đi ra ngoài, để tránh tình trạng tụ tập đông người.
Ứng phó linh hoạt khi có F0 trong trường học
Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cho biết sẽ nắm sát diễn biến tình hình dịch Covid-19, có thể trong thời gian cao điểm 1 – 2 tuần chuyển sang dạy học trực tuyến để giảm thiểu số giáo viên, học sinh, sinh viên mắc Covid-19. Bên cạnh đó là chủ động xây dựng kịch bản, có thể dạy những môn lý thuyết trước, sau đó dạy bù thực hành sau.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, bên cạnh tiến độ bao phủ vắc-xin và các trụ cột quan trọng thì tiên quyết, quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao. Vì vậy, các cơ sở GDNN cần nhanh chóng thích ứng để thay đổi phương thức trong đào tạo mở, linh hoạt, chú trọng tham gia đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Đồng thời, có kế hoạch điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, chia sẻ: “Nhà trường đã xây dựng toàn bộ kịch bản để ứng phó. Nếu có trường hợp mắc Covid-19, nhà trường đã có các phòng cách ly cho từng học sinh trong điều kiện y tế địa phương cho phép, đảm bảo an sinh cho sinh viên. Các em trong cùng một lớp là F1, nhà trường sẽ cho tạm thời học trực tuyến một thời gian nhất định, sau khi đảm bảo lại tiếp tục học trực tiếp. Kịch bản của nhà trường là ứng phó linh hoạt để đảm bảo việc học của các em được tốt nhất”.
Cũng theo ông Ngọc, đặc thù của trường nghề là phải học kỹ năng đến 70 - 80% và bắt buộc sinh viên phải có kỹ năng thành thục. Vì vậy, trước khi tới trường học trực tiếp, nhà trường đã tiến hành khảo sát, để kiểm tra phần kiến thức của sinh viên khi học trực tuyến như thế nào. Qua đó, kịp thời bố trí thời gian, chương trình đào tạo bổ sung cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng chưa đầy đủ.
“Giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực giáo dục đặc thù. Các trường phải phụ thuộc vào đặc điểm ngành nghề để xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến. Đối với các ngành có hàm lượng lý thuyết nhiều như kế toán, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn viên du lịch… có thể áp dụng hình thức học online.
Đối với những ngành học như Ô tô, Điện tử, Cơ điện… chỉ đào tạo được những buổi học lý thuyết, thực hành gặp nhiều khó khăn. Những ngành nghề này, người học phải được thực hành bằng giác quan vật lý nên bắt buộc phải được tiếp xúc với máy móc mới có thể học được. Vì vậy, các cơ sở cần linh hoạt trong dạy và học, chủ động ứng phó khi có các ca F0 trong trường học”, ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.
Linh hoạt trong tình hình mới, nhiều trường nghề đã lập tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ kịp thời cho những em mắc Covid-19 và có nguy cơ. Tổ phản ứng nhanh sẽ hướng dẫn cho học sinh, sinh viên cách phòng tránh dịch. Đồng thời kêu gọi các tổ chức hỗ trợ que test, khẩu trang, thuốc, thực phẩm cho những sinh viên đang ở kí túc xá.
Cùng với việc kiểm soát học sinh, sinh viên, các trường cũng chủ động test nhanh cho cán bộ và giáo viên, bố trí các phòng trong kí túc xá làm khu cách ly. Những môn lý thuyết, số học sinh đông thì được chuyển sang dạy học online. Trong trường hợp giáo viên thực hành không bị F0, F1 thì dạy thực hành trực tiếp tại trường.