Học năng khiếu nửa tháng, đóng tiền cả tháng
Theo phản ánh của một số giáo viên và phụ huynh Trường MN Hồng Đào, trong năm học 2019 - 2020, nhà trường thu tiền điện sử dụng điều hòa mỗi trẻ 30.000 đồng/tháng; thu trong 4 tháng. Trong khi đó, hàng tháng vẫn trích 15% từ nguồn phục vụ bán trú và thứ 7 để trả tiền điện, nước. Khoản thu này, phụ huynh nộp cho giáo viên đứng lớp và không có phiếu thu. Có một số trẻ ra lớp vào đầu tháng 6/2020, nhà trường đã thu khoản tiền đồ dùng phục vụ bán trú nhưng tháng 9/2020, vẫn phải tiếp tục nộp khoản tiền này.
Một khoản tiền nữa, theo phụ huynh không hợp lý là tiền phí học Erobic và học vẽ của tháng 1 và tháng 2/2020. Trường thu tiền 1 tháng nhưng trên thực tế, trẻ chỉ học nửa tháng và không trả tiền thừa cho phụ huynh. Tháng 6 trẻ chỉ học 3 tuần nhưng cũng thu đủ tháng.
Về khoản thu tiền sữa học đường, nhà trường cũng không minh bạch. Giấy báo nộp tiền ghi 30 suất mà thu 52 suất, khi phụ huynh thắc mắc, phòng tài vụ giải thích không thuyết phục.
Tiền điện do phụ huynh đề xuất?
Giải thích về khoản thu này, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường MN Hồng Đào cho biết: “Khoản tiền điện sử dụng điều hòa thu theo biên bản họp Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2019 - 2020. Tiền này là do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất nên nhờ giáo viên thu tại lớp, không có biên lai thu từng trẻ. Từng lớp nộp về phòng tài vụ và có biên lai nhận tiền của lớp. Thời gian sử dụng điều hòa sẽ được tăng thêm, thay vì bật từ 10 giờ sáng đến 14 giờ như trước, các lớp sẽ sử dụng từ 8 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày”.
Trong năm học 2019 - 2020, Trường MN Hồng Đào thu thêm 4 tháng với khoản thu này, gồm tháng 9, 10/2019 và tháng 5, 6/2020. Cô Thủy cũng cho biết: Giáo viên thu được bao nhiêu chuyển về phòng tài vụ chứ nhà trường không kiểm soát số lượng (?). Trong biên bản họp Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không thể hiện mức thu đề xuất tiền điện sử dụng điều hòa là 30.000 đồng/trẻ/tháng.
Với khoản thu tiền đồ dùng bán trú, bà Thủy thông tin: Nhà trường thu theo năm học chứ không căn cứ vào khoảng thời gian trẻ theo học tại trường. Với những trẻ vào học ở thời điểm cuối năm, nhà trường thu như HS cũ là 200.000 đồng/trẻ. Tháng 9/2020, những trẻ này vẫn tiếp tục đóng khoản thu này vì đây là thu cho năm học 2020 - 2021. “Đồ dùng bán trú của trẻ gồm đồ dùng chung và đồ dùng riêng. Trong đó, đồ dùng chung, mỗi năm nhà trường đều phải bổ sung, riêng khăn, bàn chải đánh răng… đều phải sắm mới” - cô Thủy chia sẻ.
Giải thích về thu tiền sữa học đường, đại diện nhà trường cho biết khoản này thu theo phân công của Sở GD&ĐT Đà Nẵng. Riêng tháng 6/2020 và tuần đầu tháng 7/2020, trường thu chung cả 2 tháng nên nhiều hơn những tháng bình thường. Có trường hợp phụ huynh thắc mắc sao tháng 5/2020, tiền sữa học đường chỉ 58.000 mà tháng 6 trẻ dùng 30 ngày lại lên đến 200.000 đồng, bộ phận tài vụ đã giải thích là do truy thu từ tháng 10. Phiếu thu ghi 30 suất nhưng thực thu 52 suất của những tháng trước.
Cô Thủy cũng thừa nhận nhà trường chưa tiến hành trả khoản tiền thừa với trẻ đăng ký học năng khiếu môn vẽ và Erobic. “Tiền thu các khoản này đều chuyển vào Kho bạc Nhà nước để chuyển cho Công ty Nam Phương. Nhà trường ký hợp đồng với công ty cả năm học nên khi kết thúc năm học, công ty có bảng kê khai cụ thể các ngày dạy về cho nhà trường”, cô Thủy lý giải.
Cuộc họp liên tịch giữa Thanh tra quận Thanh Khê, phòng GD&ĐT, phòng Nội vụ, đại diện Ban đại diện Cha mẹ học sinh Trường Mầm non Hồng Đào vào ngày 16/9/2020 đã đưa ra hướng xử lý sẽ tổ chức dạy bù các hoạt động thiếu của các lớp do tình hình dịch bệnh (bù mỗi tuần/1 tiết cho đủ). Với HS lớp Lớn đã ra trường, không có kế hoạch dạy bù, công ty sẽ hoàn lại tiền cho nhà trường để trả lại cho phụ huynh. Giải thích lý do vì sao không hoàn trả tiền học phí thừa cho phụ huynh như đề xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cô Thủy cho rằng: Hợp đồng giữa nhà trường với Công ty Nam Phương là dạy theo tháng, có số buổi/tháng. Tiền nhà trường đã chuyển cho công ty nên tăng giờ dạy tiện hơn trả lại tiền thừa.
Ông Lại Tiến Hương – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho rằng: Trường MN Hồng Đào cần lưu ý để đưa ra giá hợp lý và có chứng từ, hồ sơ liên quan theo Quy định số 2404 của UBND TP Đà Nẵng về giá dịch vụ trong nhà trường.