Trường là nhà

GD&TĐ - “Nhà trường trước tiên phải là nhà. Ở trong đó, thầy cô là cha mẹ, học sinh đều là anh em”.

Học sinh được thoải mái phát triển sở thích, sở trường cá nhân sẽ có hứng thú hơn với việc học. Ảnh: TG
Học sinh được thoải mái phát triển sở thích, sở trường cá nhân sẽ có hứng thú hơn với việc học. Ảnh: TG

Cô Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên nói về nền tảng xây dựng ngôi trường mơ ước của nhiều thế hệ học sinh dân tộc thiểu số địa phương.

Còn có một “gia đình” lớn!

Cũng giống như gần 600 học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, ngày 10/11, Cà Văn Quân, lớp 12C1 tự tin tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Quân tâm sự: “Khi được nhà trường phổ biến về chương trình tiêm, em cùng nhiều bạn  trong lớp đều đồng ý nhưng trong lòng vẫn có một chút băn khoăn”.

“Đây là loại vắc-xin mới, chưa có nhiều thông tin cụ thể. Trong khi chúng em đều ở nội trú, không có bố mẹ bên cạnh động viên nên khó tránh khỏi sự lo lắng. Nhiều ngày trước tiêm, cô chủ nhiệm đã gặp gỡ nói chuyện, giải đáp mọi thắc mắc, động viên nên chúng em có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và yên tâm hơn rất nhiều”, Quân bộc bạch.

Cũng theo Quân chia sẻ, buổi tiêm diễn ra nhiều thuận lợi. Trong suốt quá trình đó, cô chủ nhiệm và Đoàn trường luôn sát cánh, hướng dẫn để các em có tâm lý thoải mái hoàn thành mũi tiêm đầu.

“Em không có phản ứng gì, chỉ nhức bắp tay và hơi mệt mỏi. Suốt nhiều ngày sau đó, thầy cô luôn thường trực tại kí túc xá, liên tục cập nhật tình hình mỗi bạn, rồi chia sẻ, động viên chúng em. Có bạn thấy trong người không khỏe, ngay sau đó đã được thầy, cô giáo cho đi viện kiểm tra và cùng người thân chăm sóc. Hiện, em và các bạn thấy sức khỏe bình thường. Em thấy mình may mắn và hạnh phúc, vì ngoài bố mẹ, em còn có một gia đình lớn”, Quân trải lòng.

Cô Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Với 98,5% học sinh hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 ngay trong đợt đầu, nhà trường được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục tiêu biểu hoàn thành tốt kế hoạch. Để có được kết quả này, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt rất quan trọng.

“Trong đó, cần phải kể đến lực lượng 17 thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm. Mỗi thầy cô phải thay chính bố mẹ các em trong việc trao đổi, nắm bắt tâm lý, động viên, hướng dẫn và theo dõi hỗ trợ cả quá trình trong và sau tiêm. Song, các thầy cô vẫn phải bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình” – cô Huệ cho hay.

Mỗi thầy, cô giáo không đơn giản chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình, mà phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau.
Mỗi thầy, cô giáo không đơn giản chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình, mà phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau.

Thầy cô đảm nhiệm nhiều “vai”

Với chia sẻ này của cô Phó Hiệu trưởng, thì mỗi thầy cô giáo không đơn giản chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình, mà phải đảm nhiệm nhiều “vai” khác nhau. Thầy, cô vừa là người chịu trách nhiệm cùng bố mẹ các em, vừa trở thành “người bạn lớn” bên cạnh học sinh trong mọi hoàn cảnh, tình huống xảy ra trong cuộc sống.

Gần 20 năm gắn bó với Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, cô Nguyễn Thị Thường luôn áp dụng phương pháp giáo dục, giảng dạy học trò như chính con đẻ của mình. Cô tâm sự: “Làm giáo viên ở trường nội trú phải nói là vất vả hơn rất nhiều. Giáo viên không chỉ đơn giản làm công tác giảng dạy, mà còn nhiều nhiệm vụ không tên, như: Quản lý, dạy dỗ, chăm sóc và giáo dục các em. Nhưng với tôi, những công việc giờ là thói quen, là niềm vui mỗi ngày”.

Mỗi khóa học trò mới tiếp nhận, là thời gian cô Thường vất vả nhất. Bởi phải hướng dẫn, chỉ bảo, dạy dỗ các em từ những điều cơ bản, như: Ăn uống ra sao, vệ sinh cá nhân như thế nào, cho đến tự dọn dẹp phòng ở, giặt quần áo, chăm sóc, bảo vệ bản thân… Tuy nhiên sau khoảng 1 tháng nhập trường, giáo viên đã giúp học sinh ổn định nền nếp trong sinh hoạt và học tập.

Cô Thường kể, trong lớp 12C5 cô đang chủ nhiệm có một cô học trò dân tộc Cống rất đặc biệt. Em đặc biệt không chỉ bởi là học sinh nữ hiếm hoi của một cộng đồng dân tộc rất ít người đang theo học tại trường, mà ở chính sự tiến bộ mỗi ngày của mình.

“Nếu là năm lớp 10 mà hỏi Hù Thị Tơi thì đúng là không bạn nào biết. Nhưng chỉ sau 1 năm rèn luyện thì em luôn là tấm gương để nhiều bạn cùng khối, cùng phòng kí túc xá nhìn và học tập theo. Năm lớp 11 vừa qua, em là học sinh tiên tiến của lớp và kỳ I của năm lớp 12 này tôi cũng tự tin là em có kết quả rèn luyện, học tập nhiều khả quan”, cô Thường bộc bạch.

Theo cô Thường, ngày đầu vào nhận lớp, Tơi không chỉ có học lực yếu hơn nhiều bạn, mà còn hạn chế giao tiếp, rất rụt rè và tự ti. Để có sự thay đổi đó, nhiệm vụ của cô Thường mỗi ngày không phải chỉ là lên lớp, giảng bài hay làm công tác chủ nhiệm.

“Thời gian đầu, mỗi ngày tôi đều có mặt tại phòng kí túc để trò chuyện cùng em, hỏi han về cuộc sống, nắm bắt tâm lý. Từ đó chia sẻ, đưa ra những lời động viên, tư vấn phù hợp nên em cũng cởi mở hơn với tôi. Khi hiểu em rồi, tôi tìm ra điểm mạnh để khích lệ, giới thiệu, kết nối em tham gia nhiều hoạt động bề nổi của lớp, của trường. Từ đó tạo cơ hội để em có sự giao lưu, cọ xát, rèn luyện sự tự tin cho bản thân”, cô Thường chia sẻ.

Mỗi giáo viên trở thành bố mẹ và những “người bạn lớn” của học sinh.
Mỗi giáo viên trở thành bố mẹ và những “người bạn lớn” của học sinh.

Nền tảng là “tình người”

“Vì học sinh của trường đều được tuyển chọn từ nhiều địa phương trong tỉnh, các em còn bỡ ngỡ trong môi trường nội trú và phải tự chủ trong sinh hoạt. Chính vì vậy, việc giáo dục các em cũng cần những cách thức riêng và phải bắt đầu từ nền tảng là tình người”, cô Huệ giãi bày.

Với quan điểm này, suốt nhiều năm qua, Ban giám hiệu nhà trường đã lan tỏa đến toàn thể giáo viên nhà trường. “Tôi hiểu, trường là ngôi nhà lớn. Vì thế, nhiệm vụ của mỗi giáo viên là tạo dựng mỗi lớp học của mình trở thành một ngôi nhà nhỏ. Và kết nối với nhau bằng tình yêu thương”, cô giáo Hoàng Thị Hà cho hay.

Không gắn bó với Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên từ những ngày đầu, song kể từ khi chuyển về đây công tác, cô Hà (giáo viên Văn) đã có nhiều thay đổi. Cô Hà chia sẻ, vì xác định đây là “cái nôi” đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh, nên cô cũng tự đề cao trách nhiệm của bản thân hơn.

Ở bất cứ môi trường giáo dục nào thì cũng cần phải có nền tảng là tình yêu thương thì việc giáo dục mới hiệu quả. Thế nhưng, ở đây tình yêu thương học trò càng phải chân thành và sâu sắc hơn.

Chính vì vậy, cô Hà luôn cố gắng để trở thành người nhen nhóm, khơi gợi cảm hứng cho học sinh. “Với mỗi bài giảng, tiết học, tôi đều tìm tòi, sáng tạo những cách truyền thụ sao cho phù hợp với đối tượng học sinh, khơi lên niềm yêu thích đối với các nhân vật văn học để các em lắng nghe được tiếng nói tri âm của tác giả. Muốn vậy, sẽ phải mất thêm nhiều thời gian, tâm huyết hơn, nhưng cũng giống như với con mình, có tình yêu thương sẽ làm được” – cô Hà nói.

Năm học 2021 – 2022, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên có 595 học sinh, 65 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo cô Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Xây dựng trường học hạnh phúc, chúng tôi không nghĩ là sẽ làm được điều gì to tát, mà chỉ cần mỗi cá nhân thay đổi từ những điều đơn giản nhất. Làm sao để mỗi người đều cảm thấy thoải mái, tự tin với vai trò của mình thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học”.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.