Thầy cô là gương sáng

GD&TĐ - Trước sự phát triển của mạng xã hội, học sinh có thể phải đối mặt với nhiều kênh thông tin “xấu”.

Thầy cô luôn là những tấm gương sáng trong công tác giáo dục và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Ảnh minh họa
Thầy cô luôn là những tấm gương sáng trong công tác giáo dục và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Ảnh minh họa

Đứng trước thách thức này, ngành Giáo dục Kon Tum ưu tiên giáo dục nhân cách song song với kiến thức. Qua đó, giúp học sinh gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Dạy nhân cách song song với kiến thức

Thầy Châu Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đăk Hà (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết: 100% học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, học sinh ít có điều kiện tiếp xúc với mạng xã hội, trò chơi điện tử… nên hạn chế “thói hư tật xấu”. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà trường ít quan tâm, giáo dục học sinh về nhân cách và văn hóa ứng xử không chỉ trong trường học mà ngay cả bên ngoài xã hội.

Cũng theo thầy Quang, học sinh của trường đa phần ở nội trú nên thời gian trên trường nhiều hơn về nhà. Chính vì vậy, thầy cô là người trực tiếp dạy dỗ, giáo dục để các em trưởng thành.

“Nhà trường luôn dạy nhân cách, văn hóa ứng xử cho học sinh song song với kiến thức. Theo đó, nhà trường lồng ghép những buổi nói chuyện, tuyên truyền cho học sinh về đạo đức, lối sống thông qua hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, giáo dục học sinh phải biết sẻ chia, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, giáo viên phải là người tiên phong, tấm gương sáng để học sinh noi theo”, thầy Quang chia sẻ.

Y Ánh và Y Quỳnh luôn ghi nhớ điều thầy cô dạy và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như cuộc sống.
Y Ánh và Y Quỳnh luôn ghi nhớ điều thầy cô dạy và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như cuộc sống.

Nhờ đó, những năm qua học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đăk Hà rất chăm ngoan, luôn hỗ trợ sẻ chia với nhau. Do đó, chưa xảy ra trường hợp bạo lực học đường hay vi phạm các quy tắc ứng xử trong trường học. Mặc dù, ngoài khuôn viên trường lớp việc quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhà trường luôn phối hợp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền, giáo dục các em không vi phạm pháp luật, chung tay vì cộng đồng.

“Các em đều là người dân tộc thiểu số nên nhà trường ưu tiên giáo dục học sinh phải biết giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, khơi dậy tình yêu quê hương, con người và bản sắc văn hóa của địa phương”, thầy Quang nói.

Ghi nhớ những điều thầy cô dạy, 3 năm qua, Y Ánh tình nguyện làm “đôi chân” đưa Y Quỳnh (cùng học lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đăk Hà) tới lớp.

Ngược dòng về nhiều năm trước, khi Y Quỳnh lên 7 tuổi, căn bệnh sốt xuất huyết đã hành hạ và cướp đi đôi chân của em. Từ đó, 2 chân của Y Quỳnh co quắp, không thể cử động được. Để đến trường, Y Quỳnh phải nhờ đôi vai của mẹ. Thế rồi, đến năm học cấp 3, thương bạn nên Y Ánh đã tình nguyện cõng Y Quỳnh đến lớp và hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày khi ở nội trú.

“Em vẫn còn may mắn và hạnh phúc hơn bạn Y Quỳnh nhiều vì có đôi chân lành lặn. Thầy cô cũng luôn dạy em rằng phải biết yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Do đó, em muốn giúp bạn Y Quỳnh thuận tiện hơn khi đến lớp và trong sinh hoạt hàng ngày. Em hy vọng bạn sẽ học thật tốt để sau này có công việc ổn định và cuộc sống tốt đẹp hơn”, Y Ánh chia sẻ.

Ngành Giáo dục Kon Tum giảng dạy nhân cách, văn hóa ứng xử song song với kiến thức.
Ngành Giáo dục Kon Tum giảng dạy nhân cách, văn hóa ứng xử song song với kiến thức.

Giáo dục hướng đến điều tốt đẹp

Cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên điểm trường Đăk Púk – Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum) luôn ưu tiên, hướng dẫn, giúp học sinh nâng cao tính tự chủ, tự lập và tự giác trong học tập cũng như cuộc sống.

Cô Thu Hà tâm sự: Học sinh nơi đây đều là người dân tộc thiểu số. Bố mẹ quanh năm làm nương rẫy nên việc dạy kiến thức và nhân cách đều giao phó cho giáo viên. Do đó, ngay từ khi các em còn nhỏ, giáo viên luôn ưu tiên dạy nhân cách, văn hóa ứng xử song song với kiến thức. Bởi giáo dục là con đường duy nhất để đào tạo ra những thế hệ có văn hóa, có kỹ năng trong cuộc sống.

“Học sinh nơi đây quanh năm chủ yếu sống với núi đồi, sông suối nên còn nhút nhát, tự ti. Bên cạnh đó, các em còn hạn chế trong văn hóa ứng xử và giải quyết các vấn đề phát sinh ngoài xã hội. Do đó, mình ưu tiên giáo dục học sinh về văn hóa, ứng xử nhưng phù hợp, gắn liền với địa phương”, cô Hà nói.

Cũng theo cô Hà, việc giáo dục nhân cách cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ rất quan trọng. Qua đó, giúp các em hình thành được ý thức, kỹ năng sống, bảo vệ bản thân khi ra ngoài cuộc sống. Để các em tự tin, chủ động hơn trong học tập cũng như cuộc sống, cô Hà thường xuyên cắt, dán tranh ảnh để trang trí lớp học lại vừa giáo dục cho học sinh về văn hóa ứng xử, văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, trong những buổi sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa cô thường tổ chức cho học sinh tham gia đóng tiểu phẩm, xử lý tình huống. Từ đó, giúp học sinh thích thú và tiếp thu, ghi nhớ dễ dàng hơn.

“Trong các tiết học hay giờ ngoại khóa tôi luôn tâm sự, chia sẻ với học sinh những điều tích cực, hướng đến những điều tốt đẹp. Từ đó, khơi gợi cho học sinh tinh thần lạc quan, sống phải biết yêu thương, sẻ chia và có ích cho xã hội”, cô Hà tâm sự.

“Y Ánh và Y Quỳnh tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng các em rất nỗ lực vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống. Hai em là tấm gương điển hình trong phong trào giúp bạn đến trường. Thông qua câu chuyện của hai em, nhà trường cũng muốn tuyên truyền, giáo dục các bạn khác học tập và noi theo”, thầy Châu Văn Quang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ