Trường là nhà, cha mẹ là thầy cô

GD&TĐ - Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) là nơi học tập của hơn 800 học sinh dân tộc xã Mường Lèo.

Cô trò Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La).
Cô trò Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La).

Thiếu thốn cơ sở vật chất, trường có nhiều học sinh mồ côi cha, mẹ, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khó chồng khó

Mường Lèo là xã biên giới xa xôi và khó khăn bậc nhất của huyện Sốp Cộp. Trước đây, đường đến trung tâm xã không thuận lợi, giao thương buôn bán hạn chế, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, đời sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào chậm cải thiện. Giáo dục không được quan tâm.

Vài năm trở lại đây, nhiều dự án đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực, đoàn kết người dân... giúp xã Mường Lèo có những chuyển biến tích cực. Song như vậy không có nghĩa Mường Lèo khoát khó, giáo dục được đầu tư đầy đủ các điều kiện dạy và học. Đặc biệt, tình trạng học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, hoàn cảnh éo le không ít khiến thầy cô, nhà trường mất đi “chân kiềng” quan trọng.

Trao đổi về hoạt động của nhà trường trong điều kiện này, thầy Hà Văn Tâm, Hiệu trưởng, cho biết: Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mường Lèo có hơn 800 học sinh dân tộc, trong đó 500 em thuộc diện được hỗ trợ điều kiện ăn ở, bán trú. Tuy nhiên, ngay cả được hỗ trợ các điều kiện cơ bản thì số học sinh diện đặc biệt khó khăn vẫn còn không ít.

Bước vào năm học mới, trường thống kê được 60 học sinh diện đặc biệt khó khăn để giáo viên đỡ đầu hàng tháng. Trong số đó 31 em mồ côi bố hoặc mẹ, không người thân bên cạnh, chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều trẻ từ lớp 2 - 9 thiếu tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ do liên quan đến ma túy.

Theo thầy Hà Văn Tâm, khi 1 trong 3 “chân kiềng” giáo dục bị khuyết, đặc biệt khuyết “chân kiềng” là bố mẹ thì không chỉ học sinh mất điểm tựa, không được quan tâm về tình cảm, hỗ trợ trong học tập…, mà còn dẫn tới hệ lụy nhà trường, thầy cô vô cùng vất vả, thậm chí độc hành trên con đường giáo dục. Nếu không có chiến lược, kế hoạch biến nhà trường thành gia đình; thầy cô vừa dạy kiến thức vừa thay cha mẹ hướng dẫn, dạy bảo kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho học trò… thì giáo dục sẽ không hiệu quả.

Cô Lành Thị Nhung trong giờ sinh hoạt nhóm cùng các học trò. Ảnh: NVCC

Cô Lành Thị Nhung trong giờ sinh hoạt nhóm cùng các học trò. Ảnh: NVCC

Bằng trách nhiệm, tình thương với học trò, ban giám hiệu đang triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”. Trường chọn ra 60 học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn nhất để cán bộ, giáo viên, nhân viên đỡ đầu suốt năm học.

Các em sẽ được giúp đỡ quần áo, sách bút, vở viết… Dù không thật dư dả, nhưng cán bộ giáo viên, nhân viên của trường nhiều năm qua đều đặn giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần cho học trò. Từ chương trình này, tỷ lệ học sinh bỏ, trốn học do khó khăn đã giảm đáng kể.

Nỗ lực bù đắp

“Mới vào lớp, chưa quen giáo viên, các em không mở lòng, rụt rè nhút nhát, hỏi gì cũng không trả lời. Tuy nhiên, với bạn bè đã quen thì hòa đồng. Nắm được tâm lý đó, tôi kiên nhẫn làm quen, tạo sự gần gũi với từng học sinh để có thể trao đổi, chia sẻ, nói lên mong muốn… trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường. Học sinh mồ côi cha, mẹ thường nhạy cảm hơn bình thường. Do đó, không làm mẹ thứ 2 của học trò thì giáo dục sẽ thất bại. Giáo viên nhất định phải vừa là thầy vừa là mẹ, vừa dạy kiến thức vừa dạy kỹ năng từ vệ sinh tắm gội, đến giặt quần áo, gấp chăn màn...”, cô Nhung trao đổi.

Lớp 7B có 34 học sinh, trong đó có 1 em mồ côi cha, 1 em mồ côi mẹ. Cô Lành Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm, luôn coi 34 học sinh như con. Nhưng với học trò có số phận, hoàn cảnh đặc biệt, cô dành sự quan tâm, động viên cả vật chất lẫn tinh thần.

Vàng A Sinh từ nhỏ đã ở với bà ngoại do mất mẹ, bố lấy vợ hai. Ngày chuẩn bị thủ tục để em hưởng chế độ hỗ trợ học tập, bán trú…, bà ngoại tuổi cao sức yếu không thể tới trường. Cô Nhung phải xuống tận bản, vào nhà mang hồ sơ, sổ hộ khẩu đi hoàn thiện thủ tục giúp. Còn Thào Thị Nhịa, mồ côi cha, mẹ không nói sõi tiếng Việt nên khi cần trao đổi, giáo viên không còn cách nào khác là đến nhà và nhờ người phiên dịch…

Vàng A Sinh bày tỏ: “Những bộ quần áo thầy cô cho cùng quyển vở, cuốn sách, cây bút… khiến em xúc động và trân trọng. Em cố gắng học thật tốt để không phụ lòng cô…”.

Thầy Lò Văn Miện đã 20 năm gắn bó với giáo dục vùng khó Mường Lèo chia sẻ: Năm nay, tôi tiếp tục làm công tác chủ nhiệm lớp 3A2 (trong đó, 1 học sinh không có bố, 1 em bố mẹ bỏ nhau, để em lại cho bà). Theo thầy Miện, tình trạng học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc mất cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh khó khăn có xu hướng gia tăng. Điều đó khiến học sinh thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Các em cũng mất đi điểm tựa trong quá trình phát triển nên việc học sa sút. Nhiều gia đình, bố mẹ “khoán” trắng giáo dục trẻ cho nhà trường, thầy cô, không tương tác hỗ trợ.

Trách nhiệm của người thầy với những hoàn cảnh học sinh khó khăn, mồ côi… không thể xem nhẹ. Chính vì vậy, “ngày dạy 2 buổi trên lớp, vào các buổi tối, thầy cô lại dành thời gian để kèm cặp, bổ sung kiến thức cho học sinh. Trên lớp, em nào học yếu tăng cường gọi lên bảng đọc, viết, ôn chữ cái. Mặt khác, giáo viên luôn chủ động sẵn sách vở để bất kỳ khi nào học sinh cần sẽ có ngay để học…”, thầy Miện chia sẻ.

Chị Lò Thị Phiêu, có con học lớp 2A1, bày tỏ: “Tôi biết ơn nhà trường, thầy cô đã quan tâm, hỗ trợ cho con trong học tập và sinh hoạt. Về nhà con biết quan tâm, giúp đỡ mẹ nhiều hơn. Sự hỗ trợ quý giá, thiết thực giúp con tôi thoát mù chữ, tự tin, có kiến thức, kỹ năng. Mong sao thêm nhiều sự hỗ trợ từ xã hội để trẻ có điều kiện học tập tốt hơn”.

Cô Lò Thị Thơi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1, có 2 học sinh mồ côi cha, mẹ, cho biết: Bố mẹ mất khi tuổi đời còn trẻ nên các em sớm thiệt thòi. Vào đầu năm học mới, giáo viên đã hỗ trợ sách vở quần áo để yên tâm học tập. Mặt khác, với sức học trung bình, yếu khi dạy học, luôn xác định kiên nhẫn, quan tâm, lấp “đầy” dần dần; tạo sự gần gũi thân thiết thầy và trò để học sinh mạnh dạn trong học tập, giao tiếp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ