Trường hợp thứ 7 tại TP.HCM tiếp xúc với BN1553 âm tính lần 1 với COVID-19

GD&TĐ - Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM vừa cho biết, trường hợp thứ 7 tại TP tiếp xúc với BN 1553 là nhân viên sân bay ở Quảng Ninh cũng đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, ca bệnh 1553 (BN 1553) là nam, 31 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nghề nghiệp: nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn, có địa chỉ thường trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Do có biểu hiện sốt, ho khan, đau họng, bệnh nhân đã tự đến bệnh viện khám.

Bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm tối 27/1 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Thông tin từ CDC TP.HCM cho biết, đã xác định, đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 7 trường hợp trên địa bàn thành phố tiếp xúc gần với bệnh nhân 1553 và đã cho kết quả xét nghiệm âm tính.

Sáng 29/1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trường hợp thứ 7 tại TP tiếp xúc với BN 1553 là nhân viên sân bay ở Quảng Ninh cũng đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Trước đó, chiều 28/1, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP.HCM cho hay 6 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 1553 ở tại các quận 5, quận 6, quận 10 và quận Tân Phú âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. 

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, 6 người tiếp xúc (F1) với bệnh nhân này khi tham dự hội nghị điện máy tại khách sạn Mường Thanh (Quảng Ninh) vào ngày 19/1.

Trong đó, có 2 người trú ở quận 5, 2 người ở quận 10, một người ở quận 6, một người ở quận Tân Phú. 6 trường hợp này đang được cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm âm tính.

Cũng trong ngày 28/1, Sở Y tế TP.HCM họp trực tuyến khẩn với lãnh đạo 24 Trung tâm y tế quận huyện trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh.

Tại cuộc họp, Sở Y tế chỉ đạo ngành y trước mắt thực hiện sẵn sàng các biện pháp truy vết các trường tiếp xúc với ca bệnh, ca nghi ngờ, các trường hợp đến từ vùng dịch đúng phương pháp và có hướng dẫn cụ thể; tăng cường giám sát, quản lý các khu cách ly.

Tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 tại các cơ sở điều trị; giám sát các trường hợp có triệu chứng đường hô hấp như sốt, ho, khó thở... để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh có thể xâm nhập từ cộng đồng vào bệnh viện.

Giám sát xét nghiệm các nhóm nguy cơ như nhân viên phục vụ tại khu cách ly, nhân viên tại các cảng vụ... Tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn cộng đồng phản ứng phù hợp với từng thời điểm dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra, truy vết, quản lý chuỗi lây nhiễm COVID-19.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá, ổ dịch bệnh mặc dù ở Quảng Ninh nhưng có nguy cơ lớn đối với TP.HCM. Trong đó, TP.HCM là nơi có một trong 2 đường bay tập trung đông khách nội địa nhất, đặc biệt là đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh khuyến cáo TP luôn phải đặt ở mức cảnh giác cao nhất. Các đội phản ứng nhanh, công tác xét nghiệm đều chuyển sang trạng thái sẵn sàng ra trận. Hệ thống y tế đã sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh khác nhau.

Lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh, người dân thành phố trong thời điểm hiện nay cần bình tĩnh, truy cập thông tin chính thức từ ngành y tế để hiểu và hành động đúng theo khuyến cáo. Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ