Những công việc không tên ấy khiến các cán bộ y tế làm không hết việc. Thế nhưng, vai trò, quyền lợi của đội ngũ này lại chưa được nhìn nhận tương xứng.
Bệnh học đường ngày càng tăng
Hiện nay chúng ta có 2 hệ thống cán bộ làm y tế trường học. Một hệ thống cán bộ do ngành Y tế quản lý và một bộ phận cán bộ y tế trường học do ngành GD quản lý.
Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, tỷ lệ trường có phòng y tế hiện nay là 49,3%, số trường đào tạo có trạm y tế cũng tăng từ 55,9% lên 80%. Tại các phòng y tế trong trường học ở bậc phổ thông và MN, tỷ lệ cán bộ chuyên trách chiếm 44,6%.
Cùng với sự phát triển của hệ thống trường lớp, vấn đề vệ sinh trường học cũng có sự cải thiện đáng kể. Số trường học có đủ nước uống hợp vệ sinh tăng lên 77,6% và 81,9% trường học có công trình hợp vệ sinh.
Hệ thống cán bộ y tế học đường trong ngành Y cũng xuyên suốt từ Bộ xuống các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố, quận/huyện và xã/phường.
TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Từ ăm 2011, Bộ Y tế và GD&ĐT đã tổ chức các lớp tập huấn cho 100% cán bộ làm công tác y tế trường học của Sở, Phòng và 80% cán bộ y tế trong trường học trên toàn quốc.
Tuy nhiên,qua khảo sát cho thấy có 47,1% số cán bộ chuyên trách biết được cả 5 lĩnh vực chuyên môn chính của công tác y tế trường học và chỉ có 17,7% nhóm kiêm nhiệm trả lời đủ 5 lĩnh vực.
Cũng theo TS Bắc, nhờ có y tế học đường, điều kiện học tập và vệ sinh trường học được cải thiện đáng kể. Số trường có đủ nước sinh hoạt đạt 77,6%. 82,8% trường có đủ nước uống cho học sinh, 61,9% trường có bếp ăn đạt an toàn thực phẩm.
Các dịch bệnh trong thời gian qua như tiêu chảy, cúm, tay chân miệng trong trường học giảm nhiều, không có vụ dịch lớn. Công tác an toàn thực phẩm trong nhà trường cũng được chú trọng.
Công tác khám sức khỏe định kỳ cho học sinh cũng được chú trọng. Trong những năm qua, 70% số trường từ MN đến phổ thông đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS hàng năm (tăng 33,3% so với năm 2010). Thông qua khám sức khỏe định kỳ, trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 700.000 em mắc tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị.
Vẫn bị coi nhẹ
TS Đặng Anh Ngọc, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết: Bệnh học đường tăng là xu thế tất yếu. Nguyên nhân không chỉ bởi áp lực học hành mà còn là môi trường ô nhiễm, sự phát triển của phương tiện nghe nhìn khiến các em sử dụng mắt nhiều hơn.
Do tác động của xã hội nên vấn đề về rối loạn tâm thần cũng tấn công vào trường học. Bạo lực học đường, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn hành vi… là minh chứng rõ nét của căn bệnh trên.
“Nói như vậy để thấy rằng y tế trường học là cần thiết bởi xã hội càng phát triển thì bệnh tật cũng phát sinh nhiều. Trường học không nằm ngoài quy luật trên. Y tế học đường sẽ có nhiều việc để giải quyết. Vấn đề là làm thế nào để chuẩn hóa đội ngũ, hoạt động hiệu quả để y tế học đường không chỉ dừng lại ở việc phát hiện mà còn tư vấn, xử lý ban đầu và theo dõi sau đó”, TS Ngọc cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, BS Nguyễn Tài Dũng, Phó trưởng phòng Công tác HSSV ( Sở GD&ĐT TP. HCM) trao đổi: Toàn thành phố có 1.754 trường học các cấp với 34.436 lớp và 1.382.412 học sinh. Có 75% trường học tổ chức bán trú, trong đó có 80% trường có bếp ăn và 223 trường đặt suất ăn với 560.740 học sinh ăn trưa tại trường.
BS Dũng nhấn mạnh, nếu không có cán bộ y tế trường học, ai là người chịu trách nhiệm giám sát an toàn thực phẩm, lưu mẫu. Mỗi khi có dịch, ai là người đi tập huấn, pha hóa chất khử trùng cho giáo viên vệ sinh đồ dùng học tập.
Rồi đến việc phát hiện học sinh mắc bệnh, liệu một mình giáo viên có kham nổi chứ chưa nói đến việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, theo dõi trẻ sau điều trị.
“Ngần ấy việc thôi cũng đủ để biết công việc hàng ngày của nhân viên y tế trường học và trường học cũng không thể thiếu đội ngũ này. Tuy nhiên, để y tế học đường phát huy hiệu quả cần có mô hình phù hợp với điều kiện từng vùng và cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương”, BS Dũng khẳng định.