Trường học vùng cao tăng cường phòng dịch bệnh khi thời tiết giao mùa

GD&TĐ - Hai tuần gần đây, nhiều trường học tại Nghệ An có nhiều học sinh nghỉ do mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa..., đặc biệt là bậc mầm non.

Trường Mầm non Hoa Hồng (phường quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) định kỳ tổ chức kiểm tra sức khỏe, đo chiều cao cân nặng cho trẻ.
Trường Mầm non Hoa Hồng (phường quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) định kỳ tổ chức kiểm tra sức khỏe, đo chiều cao cân nặng cho trẻ.

Trường vùng cao chú trọng giữ ấm cho trò

Thời gian qua, Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) trung bình nghỉ học từ 3-4 trẻ/lớp mỗi ngày. Theo tổng hợp của nhà trường, lý do trẻ nghỉ học được phụ huynh thông báo là do cảm cúm, sốt, viêm đường hô hấp… Nhiều trẻ bị cúm A nghỉ liên tục suốt cả tuần lễ.

Thầy Phạm Ngọc Sửu - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường có hơn 600 trẻ, trong đó chỉ 1 nửa ở các khối trung tâm, còn lại ở bản làng vùng sâu vùng xa. Trong đó có nhiều cháu ở xã Tà Cạ (lân cận) chuyển ra học do điểm lẻ bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét chưa khắc phục được hoàn toàn. Kỳ Sơn vừa trải qua đợt lũ lụt lớn. Mặc dù sau khi lũ rút công tác vệ sinh khử khuẩn tại trường học và các bản làng được triển khai nhanh chóng, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trong điều kiện sức đề kháng của trẻ yếu.

Bữa ăn xế của trẻ mầm non tại điểm bản Chà Lâng, xã Hữu KHuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Bữa ăn xế của trẻ mầm non tại điểm bản Chà Lâng, xã Hữu KHuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Tại vùng cao của Nghệ An, thời tiết ở các bản làng bắt đầu rét, có sương mù. Điểm trường Tiểu học và Mầm non bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Đây là bản làng có 100% bà con người Mông sinh sống, và nằm tách biệt giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Các cháu tự ăn 29 cháu, cô giáo Lầu y xò (điểm mầm non) cho biết ở Chà Lâng có tất cả 29 cháu mầm non từ 3 – 5 tuổi. Do số trẻ ít nên chia thành 2 nhóm lớp 3 – 4 tuổi và 5 tuổi. Mùa này trời đã rét nên cô cũng thường xuyên nhắc nhở bố mẹ, ông bà ở nhà mắc màn khi đi ngủ, và mặc ấm, đi dép đầy đủ cho trẻ khi đến trường.

Học sinh trường vùng cao được nhắc nhở mặc đủ ấm khi tới trường, đặc biệt là khi thời tiết bắt đầu chuyển sang giá lạnh, sương mù.

Học sinh trường vùng cao được nhắc nhở mặc đủ ấm khi tới trường, đặc biệt là khi thời tiết bắt đầu chuyển sang giá lạnh, sương mù.

Bên cạnh đó, mô hình bán trú dân nuôi cũng được thực hiện tốt. Phụ huynh thay phiên nhau đến nấu cơm trưa cho trẻ. Còn cô giáo quản lý và phụ trách bữa xế. Nước uống và vệ sinh cho trẻ cũng được đun nóng đảm bảo giữ ấm. Qua đó đảm bảo đủ dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho trẻ trong dịp giao mùa và thời tiết chuyển sang giá lạnh.

Còn bên tiểu học tại bản Chà Lâng hiện có 3 lớp 1 – 2 và 4. Còn lớp 3 và 5 đã được chuyển ra trường chính ở bán trú. Thầy Lỳ Bá Của – giáo viên cắm bản lâu năm tại Chà Lâng cho hay, ngoài giữ ấm, các thầy cô quan tâm nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung để phòng dịch và tránh lây chéo.

Phòng tránh lây nhiễm chéo trong trường học

Tại TP Vinh (Nghệ An) nhiều trường mầm non cũng ghi nhận số lượng hàng trăm trẻ nghỉ học mỗi tuần. Cô Tạ Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Quang Trung, TP Vinh) cho hay, trường có 230 cháu từ tuổi nhà trẻ đến mẫu giáo. Trong 2 tuần qua, sỹ số trẻ đến lớp không đều, trung bình mỗi ngày nghỉ khoảng 30 cháu. Tỷ lệ trẻ đến lớp chỉ đạt 85%. Hầu hết trẻ nghỉ học liên đến sức khỏe với các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa như cúm A, B, viêm đường hô hấp, sốt…

Vấn đề vệ sinh, dinh dưỡng bữa ăn được trường mầm non chú trọng để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ khi đi học.

Vấn đề vệ sinh, dinh dưỡng bữa ăn được trường mầm non chú trọng để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ khi đi học.

Cũng theo Ban giám hiệu nhà trường, dịp giao mùa hàng năm, số trẻ mắc bệnh truyền nhiễm, cảm cúm thường tăng cao so với bình thường. Về phía trường học, giáo viên thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn phụ huynh cách phòng bệnh. Lưu ý bố mẹ đưa trẻ ra khỏi nhà vào buổi sáng cần mặc đủ ấm, đeo khẩu trang. Nhà trường thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh phòng dịch trước và trong lớp, xung quanh khu vực sân chơi của trẻ, vệ sinh cho trẻ theo đúng lịch, rửa tay cho trẻ trước và sau khi ăn bằng xà phòng…

Trường hợp trẻ bị ốm thì phụ huynh đưa đến cơ sở y tế điều trị đến khi đảm bảo sức khỏe mới tới trường, đồng thời tránh lây bệnh chéo.

Cô giáo hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ trước và sau bữa ăn tại Trường Mầm non Hoa Hồng.

Cô giáo hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ trước và sau bữa ăn tại Trường Mầm non Hoa Hồng.

Cô Tạ Thị Nga cho biết thêm, một khó khăn của trường là từ đầu năm học tới nay thiếu nhân viên y tế trường học, do cô phụ trách y tế trước đó đã nghỉ hưu. Biên chế cho vị trí này đang tạm ngừng giao từ năm 2015. (Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2378/VPCP-KGVX tạm dừng tuyển viên chức làm công tác y tế, kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập). Trong khi đó lực lượng y tế phường mỏng, riêng bậc mầm non trên địa bàn phường Quang Trung đã có tới 4 trường.

Nhiều hoạt động múa hát, vận động được cô giáo tổ chức để rèn luyện sức khỏe, sự linh hoạt cho trẻ khi tới trường.

Nhiều hoạt động múa hát, vận động được cô giáo tổ chức để rèn luyện sức khỏe, sự linh hoạt cho trẻ khi tới trường.

Trước mắt, nhà trường giao cho 1 phó hiệu trưởng kiêm phụ trách vấn đề y tế. Trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ cần hỗ trợ về mặt sức khỏe sẽ liên hệ với Trạm Y tế phường để có nhân viên kiêm nhiệm sang hỗ trợ. Bên cạnh đó theo định kỳ cũng phối hợp với y tế địa phương đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu có dấu hiệu bất thường sẽ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất và với phụ huynh để kịp thời xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ