Trường học vùng cao nguyên hứng khởi với giáo dục biển đảo

GD&TĐ - Bằng những hình thức tổ chức linh hoạt với nội dung đúng định hướng, chất lượng và hiệu quả, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo của ngành GD&ĐT đã góp phần giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh - sinh viên và người dân, phụ huynh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo sự đồng thuận cao trong toàn ngành GD&ĐT đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.  

Giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức cho HSSV về biển đảo quê hương thông qua nhiều hoạt động bổ ích như tìm hiểu về lịch sử Trường Sa, Hoàng Sa
Giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức cho HSSV về biển đảo quê hương thông qua nhiều hoạt động bổ ích như tìm hiểu về lịch sử Trường Sa, Hoàng Sa

Thống nhất triển khai thực hiện

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển đảo đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, ngành GD&ĐT các địa phương khu vực Tây Nguyên đã và đang chỉ đạo các đơn vị giáo dục của mình làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên về vai trò, vị trí chiến lược của biển đảo nước ta hiện nay. 

Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh – sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.

Trên cơ sở nội dung kiến thức về biển, đảo và tài nguyên biển, đảo đã được đưa vào chương trình và sách giáo khoa THPT, các Sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng một số nội dung cụ thể cần lưu ý trong giảng dạy các môn khoa học xã hội. Trong đó, có một số nội dung tích hợp nhằm giáo dục học sinh về việc giữ gìn chủ quyền biển đảo đã được chỉ rõ, như: Vai trò của tổ chức Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hòa bình an ninh thế giới, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, vai trò của tổ chức ASEAN đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện nay… 

Vì vậy mà theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương, công tác giáo dục biển đảo của các cơ sở giáo dục gặp rất nhiều thuận lợi, triển khai một cách thống nhất và kết quả mang lại hết sức hiệu quả.

Theo thầy Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, hàng năm, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch thông tin truyên truyền về biển, đảo nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển đông. Trong đó, định hướng rõ về mục đích, yêu cầu, nội dung và hình thức tổ chức thực hiện. Chú trọng việc dạy học chính khóa và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, xác định rõ nhiệm vụ đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo vào trường phổ thông qua việc lồng ghép ở một số môn học như: Lịch sử, địa lý, GDCD và Giáo dục Quốc phòng - An ninh là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa chính trị.

Linh hoạt, đa dạng nội dung trong dạy học

Triển khai tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức các hội thi đố vui để học, thi văn nghệ hát về biển đảo, thi vẽ tranh với chủ đề biển đảo, thi kể chuyện, hùng biện với chủ đề biển đảo… nhằm tạo sân chơi sôi nổi, hấp dẫn và lôi cuốn đa số học sinh toàn trường tham gia. 

Mời các báo cáo viên có chuyên môn về biên giới, biển và hải đảo nói chuyện với toàn trường, tổ chức một số chuyến thăm quan, thăm hỏi đến các đồn biên phòng nhân ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam để các em có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với những người đang làm nhiệm vụ giữ gìn biên giới, nâng cao nhận thức cho học sinh.

Từ khi bắt đầu có chủ trương đưa nội dung giáo dục biển đảo vào nhà trường, ngành GD&ĐT tỉnh Gia Lai xác định công tác tập huấn cho tất cả cán bộ giáo viên là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là những giáo viên môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và GDQP-AN. Chính vì vậy ngay từ đầu công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn được ngành GD&ĐT địa phương triển khai một cách nghiêm túc. Vừa trang bị cho đội ngũ giáo viên nội dung kiến thức, cũng như phương pháp giảng dạy, tích hợp vào từng bài học cụ thể.

Bởi vậy khi nhận xét về kết quả công tác giáo dục biển đảo tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, thầy Lê Duy Định – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai phấn khởi nói: Thông qua những hoạt động tuyên truyền với thông điệp “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”, hoạt động ủng hộ “Góp đá xây dựng Trường Sa”, các chương trình hướng về biển đảo quê hương… đều được đông đảo các em học sinh hưởng ứng. Và bằng nhiều hình thức khác nhau, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đã tham gia chương trình “Góp đá xây dựng Trường Sa” một cách rất tích cực...

“Đó là những minh chứng cụ thể, hiệu quả về chất lượng và kết quả của công tác giáo dục biển đảo cho học sinh mà các trường học trong thời gian qua đã nỗ lực thực hiện”, thầy Lê Duy Định chia sẻ.

Thầy Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết: Các nội dung dạy học có liên quan đến biển, đảo được giáo viên truyền đạt, chuyển tải đến học sinh với nhiều phương pháp khá đa dạng: Dạy học giải quyết vấn đề, hoạt động nhóm, sưu tầm tư liệu… Thực hiện việc vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn (dành cho học sinh) và cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp (dành cho giáo viên) với việc giáo dục nội dung biên giới, biển và hải đảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ