Trường học vùng cao chủ động đón rét

GD&TĐ - Trường học ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang ráo riết chuẩn bị mọi nguồn lực, gia cố phòng học, ký túc xá cho học sinh để phòng chống rét.

Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) được phụ huynh mang củi đến để nhóm lửa sưởi ấm. Ảnh:NT
Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) được phụ huynh mang củi đến để nhóm lửa sưởi ấm. Ảnh:NT

Nhiều trường dân tộc nội trú đặc biệt chú trọng vào bữa ăn và sinh hoạt của học sinh nhằm đảm bảo sức khỏe, phòng tránh các bệnh theo mùa.

Phòng rét cho học sinh

Theo chia sẻ của thầy Bạc Văn Ân – Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La): “Mùa đông, huyện Bắc Yên lạnh hơn so với địa phương khác. Vì vậy, để chống rét cho học sinh, nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em mặc quần áo ấm, không uống nước lạnh. Là trường nội trú, nhà trường cũng chú trọng vào dinh dưỡng bữa ăn hằng ngày để các em được cung cấp đủ chất dinh dương, tăng sức đề kháng”.

Thời điểm giao mùa, học sinh dễ mắc bệnh về hô hấp vì vậy Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Yên thường xuyên phối hợp với Viện 6 (tỉnh Sơn La) tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe tổng thể cho trò. Đồng thời, chỉ đạo nhân viên y tế tăng cường theo dõi sức khỏe cho học sinh trong toàn trường, kiểm kê tủ thuốc và đề xuất mua bổ sung để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho các em. Nhân viên y tế cùng giáo viên chủ nhiệm, phụ trách bán trú tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh theo mùa để học sinh nâng cao ý thức và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người xung quanh.

“Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc với gia đình để nắm được tình hình sức khỏe của học sinh, phối hợp chăm sóc nhằm đạt hiệu quả tốt nhất”, thầy Ân nói và cho biết thêm: “Theo quy định nhiệt độ xuống dưới 7 độ C (đối với THCS) và dưới 5 độ C (đối với THPT) nhà trường sẽ cho học sinh nghỉ học. Vì vậy, chúng tôi chủ động cử giáo viên kèm cặp, phân công bài vở và hướng dẫn học sinh tự học. Khi học sinh quay trở lại, trường sẽ bố trí lịch dạy bù”.

Dù đã cố gắng nhưng thầy Ân cũng chia sẻ những khó khăn nhà trường gặp phải khi mùa đông đến: Không có đủ cơ sở vật chất để nấu nước nóng cho các em tắm vào mùa đông. Một số phụ huynh đi làm ăn xa, hầu như phó mặc cho giáo viên và nhà trường… là điều khiến mỗi giáo viên, ban giám hiệu trăn trở.

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) trong giờ học. Ảnh: NT

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) trong giờ học. Ảnh: NT

Linh động hoạt động ngoài trời

Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) thuộc xã miền núi, mùa đông thường đến sớm và kéo dài. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhà trường đã chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các hoạt động học tập cũng như chăm sóc sức khỏe.

“Mùa đông ở đây rất lạnh, chúng tôi đã yêu cầu các thầy cô ở trường chính cũng như điểm trường phải đun nước ấm cho học sinh uống. Đối với em nhà xa, phụ huynh sẽ gói cơm cho con ăn buổi trưa, các thầy cô ở điểm trường sẽ nấu thêm canh hoặc giúp học sinh hâm nóng cơm, thức ăn trước khi ăn” - cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thắm cho hay.

“Với điểm trường chính và một điểm trường lẻ đông học sinh, nhà trường tổ chức ăn bán trú, theo đó thực đơn được thay đổi theo mùa và tuần để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trò”, cô Thắm chia sẻ.

Mặc dù không tổ chức bán trú ở một số điểm trường lẻ nhưng Trường Tiểu học Minh Khai vẫn bố trí chăn ấm, chỗ cho học sinh ngủ trưa. Mỗi điểm trường đều bố trí tủ thuốc, đồng thời nhân viên y tế sẽ tập huấn cho các giáo viên ở tại điểm trường lẻ, hướng dẫn học sinh giữ ấm, đề phòng những bệnh theo mùa cho học sinh và phụ huynh.

Đồng quan điểm với cô Thắm, cô Lê Thị Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phùng Chí Kiên (Bắc Kạn) chia sẻ: Mùa đông ở Bắc Kạn rất lạnh, do đó tại mỗi phòng học, nhà trường luôn bố trí bình đựng nước ấm, chăm ấm, đệm để cho học sinh ngủ trưa tại trường. Phòng học luôn được kiểm tra, bố trí thảm xốp trải nền, nhà vệ sinh liền kề nên trẻ không phải ra ngoài khi trời lạnh.

Các hoạt động ngoài trời được Trường Mầm non Phùng Chí Kiên linh động tổ chức. Mùa đông, nhà trường sẽ hạn chế cho học sinh tập thể dục buổi sáng ở sân hay tổ chức các hoạt động tập thể ngoài trời. Thay vào đó, giáo viên cho trẻ tập thể dục sáng ngay tại lớp học. Nhân viên y tế của trường thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho học sinh. Trường cũng đặc biệt chú trọng vào dinh dưỡng, thực đơn các ngày không trùng.

Có con đang học lớp mẫu giáo, chị Vy Thị Vựng (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: “Mùa đông thường rất lạnh, đặc biệt là thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhiệt độ có khi xuống 4 - 5 độ C, do đó nhà trường thường xuyên nhắc nhở phụ huynh khi đưa con đi học phải mặc ấm, cho con dùng nước ấm.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tuyên truyền cho phụ huynh cách chăm sóc trẻ tại nhà khi nhiệt độ xuống thấp, hướng dẫn cách phòng các bệnh dễ mắc ở trẻ.

Đinh Thị Lệ Quyên, học sinh lớp 10A, Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) cho biết “Học sinh trường nội trú, sống xa nhà do đó ngay khi nhập học nhà trường đã tuyên truyền cách phòng, chống bệnh theo mùa cũng như chăm sóc sức khỏe. Mùa đông, thầy cô nhắc nhở phải giữ ấm, không uống nước lạnh hay để cơ thể bị lạnh”.

Trường hiện có 340 em học sinh đang học nội trú tại trường, do đó công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các em được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Nhà trường nấu ăn cho các em 3 bữa/ngày, thực đơn hàng ngày được xây dựng phù hợp với khẩu vị để cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Mùa đông, các suất cơm được tăng cường dinh dưỡng và bảo đảm nóng sốt, vừa giúp làm ấm cơ thể, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. - Thầy Bạc Văn Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ