Hình dung về một chương trình học quốc tế
- Thưa ông, một nhà trường cần có điều kiện gì để có thể tiếp nhận, triển khai Chương trình Cambridge International? Ông nhận xét gì về các trường học Hà Nội khi triển khai chương trình với chuẩn quốc tế này?
- Trong chương trình Cambridge International ở cấp tiểu học có 4 môn chính: Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất (như tiếng mẹ đẻ), Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, Toán, Quan điểm toàn cầu. Ở cấp THCS, cùng với 4 môn học này, HS được học chương trình IGCSE của Cambridge, bao gồm 70 môn học để HS lựa chọn. Khi lên bằng A-Level - cấp THPT - HS có 55 môn để lựa chọn.
Các trường giảng dạy, tiếp nhận chương trình phải đáp ứng được 5 tiêu chí: Lãnh đạo nhà trường phải hiểu những tính chất và yêu cầu giảng dạy của chương trình thực tế; Trình độ đội ngũ giảng viên để thực hiện các chương trình; Phải là một trường học được cấp phép của Nhà nước, không phải là một trung tâm tiếng Anh; Phương thức quản lý của trường phải phù hợp với yêu cầu của chương trình.
Để thực hiện chương trình thành công, cần kết hợp hài hòa 4 yếu tố: Chương trình dạy học, phương pháp và đội ngũ giảng dạy, kết quả học tập, phương pháp đánh giá kết quả học tập của HS. Trên thực tế, trong quá trình cộng tác với một trường để triển khai chương trình, chúng tôi đã duy trì sự kết nối, trao đổi thường xuyên với lãnh đạo các trường và Sở GD&ĐT. Qua đó, chúng tôi nắm bắt được cơ chế hiện tại của địa phương, có kinh nghiệm để trả lời câu hỏi: Làm thế nào Việt Nam tiến từ xuất phát điểm hiện tại tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Và quá trình này mất không ít thời gian.
Thay đổi tư duy quản lý – Thách thức lớn nhất
- Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai chương trình Cambidge Internationalthí điểm được hơn 2 năm và gặp một số khó khăn. Ông có biết khó khăn này và cách để tháo gỡ vướng mắc?
- Tiêu chuẩn quan trọng nhất với đội ngũ giảng dạy trong chương trình Cambridge International là phương pháp sư phạm, lấy HS làm trung tâm. Các GV Việt Nam được đào tạo theo hướng tập trung vào các phương pháp sư phạm nhưng chưa phải là các phương pháp phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mục tiêu của chúng tôi là các GV Việt Nam trong tương lai sẽ được đào tạo đầy đủ về các hợp phần cần thiết khi triển khai chương trình để chính họ tiếp quản giảng dạy thay vì dùng GV nước ngoài. Một lời khuyên chúng tôi thường tư vấn cho các trường là hãy kết nối GV trong nước với GV nước ngoài, như đào tạo 1 kèm 1 vậy. Đó là một hoạt động cần quá trình, có thể mất từ 3 – 6 năm để tạo ra sự thay đổi căn bản về phương pháp giảng dạy của GV.
Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất khi triển khai chương trình của chúng tôi là làm sao thay đổi được cách tư duy trong nhà trường. Ví như lớp học Cambridge International rất ồn ào, có người còn phàn nàn là GV lớp học chương trình này không quản được lớp. Nếu đội ngũ lãnh đạo nhà trường hiểu được sự ồn ào đó mới chính là thành công của chương trình khi HS chủ động thảo luận, tư duy, trao đổi với nhau, thì chương trình đã được triển khai đúng hướng!
- Tổ chức GD Cambidge có mạng lưới giúp các GV kết nối với nhau không, thưa ông?
- Từ 6 - 7 năm nay, chúng tôi đã duy trì các khóa đào tạo với các giảng viên từ Anh quốc sang đào tạo cho GV Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi có các khóa đào tạo tương tự như vậy diễn ra ở tất cả các quốc gia có triển khai chương trình của Cambridge
International. Có thể nói, lúc nào cũng có các khóa đào tạo, vấn đề là các trường có sẵn lòng đầu tư công sức để cử GV tham gia hay không. Chúng tôi đã khởi động một cộng đồng học tập nhỏ tại Việt Nam với một số hoạt động thường kỳ như tổ chức hội thảo, chia sẻ trách nhiệm của các trường có GV tham gia chương trình.
Bật mí thú vị về chương trình, SGK mới
- Ông có nhận được phản hồi của HS, phụ huynh HS về chương trình Cambridge International không?
- Ồ, đây là niềm vui của những người làm Chương trình Cambridge International. Có một thông tin khá thú vị, nhiều phụ huynh sau khi cho con tham gia Chương trình Cambridge International đã chấm dứt các lớp học thêm bên ngoài. Có phụ huynh tâm sự, sau 4 - 5 tháng học chương trình, các con đã có cải thiện nhiều trong cách thức học, tư duy và cách sử dụng ngôn ngữ.
- Các nhà trường Việt Nam đã và đang triển khai đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, vậy việc chạy một chương trình theo chuẩn quốc tế có giúp gì cho công cuộc đổi mới này?
- Tôi được biết chương trình, SGK mới của Việt Nam trong quá trình thiết kế có sự tham khảo nhiều chương trình GD tiên tiến, trong đó có Chương trình Cambridge
International. Bởi vậy, khi các thầy cô giáo, nhà quản lý GD đã “chạy” chương trình rồi sẽ rất thuận lợi khi thực hiện chương trình, SGK mới hướng tới chuẩn quốc tế!
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ông Melvyn Lim – Giám đốc Quốc gia của Tổ chức GD Quốc tế Cambridge.