Trong buổi lễ tổng kết năm học, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương. Tuy nhiên, trong hè trường vẫn phối hợp với đoàn thanh niên thị trấn, liên hệ với các chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố tổ chức các hoạt động cho học sinh như: thi rung chuông vàng, vẽ tranh, giao lưu văn nghệ, đá bóng, bơi lội…
Đây là những hoạt động rất bổ ích, tuy nhiên vì nhiều lý do (học sinh về quê chơi hoặc đi du lịch, có những em bố mẹ bận nên gửi về ông bà, một số em tham gia học thêm trong hè nên trùng lịch…), nên học sinh học sinh không tham gia được đầy đủ các buổi sinh hoạt theo quy định.
Để hoạt động hè có hiệu quả, cô Lương Thị Hồng cho rằng, nhà trường và các chi đoàn nơi học sinh cư trú cần phối kết hợp chặt chẽ. Ngay từ đầu tháng 5, chi đoàn nơi cư trú nên có kế hoạch sinh hoạt cụ thể trong hè; sau đó cùng với các chi đoàn nhà trường, liên đội thống nhất nội dung sinh hoạt phù hợp nhất và tuyên truyền tới học sinh. Đặc biệt, nội dung sinh hoạt nên chia theo lứa tuổi, thường xuyên đổi mới, nội dung phong phú thì sẽ hiệu quả hơn.
Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống được ưu tiên tổ chức trong hè. |
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục trẻ em trong dịp hè năm nay, Trường TH&THCS Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, Thái Bình triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, đem lại cho học sinh một mùa hè bổ ích, an toàn.
Chia sẻ cụ thể, cô Hiệu trưởng Vũ Thị Mai Luyên cho biết, thứ nhất, nhà trường tạo điều kiện cho trung tâm dạy bơi và câu lạc bộ võ thuật cổ truyền tổ chức dạy bơi, dạy võ cho học sinh tại sân trường. Các hoạt động nhằm trang bị kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng thoát hiểm, tránh đuối nước. Hoạt động này thu hút được khá nhiều học sinh tham gia.
Thứ hai, khi bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương, nhà trường có kế hoạch phân công giáo viên phụ trách học sinh theo địa bàn thôn nhằm kịp thời nắm bắt thông tin và quản lý học sinh.
Trường đồng thời kết nối các đội hình thanh niên, học sinh THPT tình nguyện tại địa phương hỗ trợ học sinh ôn bài, học tập; tổ chức các câu lạc bộ bóng chuyền tại các thôn, đảm bảo học sinh được củng cố kiến thức và rèn luyện thể chất.
Tuy nhiên, cô Vũ Thị Mai Luyên cũng cho biết, trong quá trình tổ chức các hoạt động trên còn có những hạn chế khó khăn nhất định. Ví dụ như hoạt động bơi lội, tham gia chỉ là học sinh của trường nên không nhiều, học phí thu khá thấp, trong khi đó chi phí để có một bể bơi được đặt tại sân trường lại khá cao.
Chủ nhiệm các câu lạc bộ bơi lội và võ thuật là giáo viên nhà trường, nhưng giảng dạy lại chủ yếu là giáo viên, võ sư của trung tâm nên chưa thật chủ động.
Số lượng học sinh THPT tình nguyện chưa tương ứng với số lượng học sinh hỗ trợ nên việc giúp đỡ học sinh còn khá vất vả.
Trước những khó khăn trên, Trường TH&THCS Thụy Ninh đã tuyên truyền để học sinh, phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động nói trên; lựa chọn giáo viên chủ nhiệm các câu lạc bộ đã được tham gia tập huấn về bơi lội, võ thuật để hỗ trợ giáo viên và võ sư trong công tác giảng dạy; cử giáo dạy môn học thể chất phụ trách các câu lạc bộ bóng chuyền của các thôn. Trường đồng thời lựa chọn các học sinh tiêu biểu, kết hợp với học sinh THPT tình nguyện, ưu tiên giúp đỡ học sinh nhận thức chưa nhanh trong học tập.
“Các giải pháp trên vừa tạo ra một mùa hè vui vẻ, bổ ích cho học sinh; đồng thời cũng là bước đệm để nâng cao chất lượng toàn diện cho các hoạt động trong năm học tiếp theo của nhà trường”, cô Vũ Thị Mai Luyên cho hay.