Trường học Thái Lan chật vật giữ học sinh

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Thái Lan đã đề ra nhiều biện pháp nhằm giảm tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học. Số lượng học sinh bỏ học những năm gần đây đã giảm nhưng vẫn ở mức cao – là vấn đề nhức nhối của GD Thái Lan…

Trường học Thái Lan chật vật giữ học sinh

Kế hoạch toàn diện

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan Surachet Chairong cho biết, có 3 biện pháp chính nhằm ngăn ngừa học sinh bỏ học. Kế hoạch toàn diện nhắm tới những học sinh đã bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học, cũng như những em trong độ tuổi đi học nhưng chưa được đến trường.

Theo Bộ Giáo dục, năm 2012 có 32.799 học sinh bỏ học trước khi hoàn thành cấp học đang theo đuổi; năm 2013 con số này là 12.165 và năm 2014 là 8.814 em. Trong năm 2014, 1.760 em bỏ học khi đang ở tiểu học, 4.290 em bỏ học khi đang ở THCS và 2.764 em bỏ học khi đang học dở THPT.

Một số lí do chính dẫn tới trẻ bỏ học bao gồm: Phụ huynh chuyển gia đình tới nơi có việc làm mới; học sinh nghỉ học để nuôi con sau khi lỡ mang thai; phạm tội hình sự khiến học sinh bị kết án tù hoặc bị đưa vào trại giáo dưỡng cho trẻ vị thành niên.

Số liệu của Văn phòng Ủy ban GD cơ bản (Obec) cho thấy năm ngoái tăng 70% trẻ nghỉ học sớm do cha mẹ tìm công việc mới tại một nơi ở mới. Obec cũng chỉ ra nhiều học sinh bỏ học do tiếp thu chậm và không thể bắt kịp bạn cùng lớp.

Thứ trưởng Gen Surachet cho biết, các trường và cơ quan quản lí GD cấp tỉnh sẽ phối hợp lập cơ sở dữ liệu trẻ bỏ học và trẻ bị tước cơ hội giáo dục. Dữ liệu này sẽ giúp Bộ Giáo dục hiệu quả hơn trong việc đề ra các biện pháp chống bỏ học phù hợp với điều kiện riêng của mỗi tỉnh.

Để ngăn chặn học sinh bỏ học, các chuyên gia giáo dục sẽ tới tận nhà học sinh để thảo luận với gia đình để tháo gỡ khó khăn, có thể hỗ trợ tài chính hay hỗ trợ khác.

Bộ Giáo dục cũng sẽ kêu gọi sự trợ giúp của xã hội để giúp đỡ trẻ em trong độ tuổi tới trường nhưng chưa được đi học.

Đổi mới phương thức giáo dục

Bên cạnh việc vận động trẻ ra lớp, từ năm 2015 ngành Giáo dục Thái Lan đã đề ra những thay đổi trong phương thức giáo dục nhằm giúp trẻ hứng thú với học tập.

Thực hiện đề án “Dạy ít, học nhiều” của Bộ Giáo dục, có hơn 3.000 trong tổng số 38.000 trường công lập trên toàn Vương quốc Thái Lan cắt giảm 2 giờ học trên lớp một ngày.

Đề án được khởi xướng trong hoàn cảnh số giờ học trên lớp của học sinh Thái Lan thuộc diện cao nhất trên thế giới. Học sinh tiểu học phải ngồi 1.000 giờ/năm và học sinh trung học cơ sở là 1.200 giờ/năm, so với 800 giờ ở hầu hết các quốc gia phát triển.

Theo đề án thí điểm, các lớp học sẽ kết thúc vào lúc 2 giờ chiều hàng ngày, và 2 giờ sau đó, học sinh được phép lựa chọn các hoạt động ngoại khóa. Hoạt động ngoại khóa sẽ chia làm 3 chủ điểm: 1/Khuyến khích khả năng học tập, tiếp thu và hiểu bài; 2/Trau dồi đạo đức và hành động sống đẹp; 3/Tăng cường tính siêng năng trong lao động và kỹ năng sống.

Đề án trên được kì vọng sẽ mang lại môi trường học tập thú vị mới trong trường học, qua đó đóng góp một phần vào nỗ lực chống học sinh bỏ học. Tuy nhiên, để thực hiện thành công đề án cần có chính sách hợp lí khuyến khích giáo viên thay vì kêu gọi trách nhiệm suông.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục, mặc dù số học sinh bỏ học đã giảm trong những năm gần đây, vấn đề này vẫn là điểm yếu lớn của Thái Lan khi mà giáo dục đóng vai trò thiết yếu cho phát triển kinh tế thịnh vượng.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ