Giáo viên Đắk Lắk gửi quà cho bà con vùng tâm dịch: Việc làm từ tâm

GD&TĐ -Dù bộn bề công việc chuẩn bị cho ngày khai trường, thế nhưng với tấm lòng hướng về phía Nam, hàng nghìn giáo viên tại Đắk Lắk cùng nhau gom góp những bó rau, ký hoa quả, cân gạo… để sẻ chia với người dân khó khăn.

Ông Lưu Tiến Quang (ngoài cùng bên trái) trao đổi với giáo viên về cách phân loại rau, củ, quả trước khi chất lên xe chuyển vào phía Nam.
Ông Lưu Tiến Quang (ngoài cùng bên trái) trao đổi với giáo viên về cách phân loại rau, củ, quả trước khi chất lên xe chuyển vào phía Nam.

Mệnh lệnh từ trái tim

Ông Lưu Tiến Quang - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk cho biết đây là đợt phát động thứ 2 của ngành. “Đợt một, chúng tôi đã vận động toàn ngành GD-ĐT quyên góp vào Quỹ phòng chống dịch Covid-19 do Chính phủ phát động được hơn 9 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi đã gửi tặng người dân TP Hồ Chí Minh, Bình Dương … hơn 20 tấn rau, củ quả, nhu yếu phẩm.

Đây là những sản vật do đội ngũ giáo viên, công nhân viên, người lao động trong ngành GD-ĐT Đắk Lắk tăng gia sản xuất được sau những giờ lên lớp. Ở đợt hai, sau khi nắm bắt thông tin về dịch bệnh và cuộc sống của bà con ở khu vực TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… chúng tôi thống nhất ủng hộ bằng nhu yếu phẩm như rau xanh, bơ, các loại củ, gạo …”, ông Lưu Tiến Quang cho hay.

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa hình rộng, số trường, lớp rất lớn (hơn 1.000 trường học từ mầm non đến THPT với gần 40 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên). Phát huy lợi thế về vị trí địa lí, nhiều thầy cô giáo đã tranh thủ tăng gia sản xuất bằng việc trồng cây ăn trái, rau, củ … góp phần cải thiện đời sống và yên tâm công tác.

Khi Công đoàn ngành và Sở GD&ĐT phát động, các thầy cô giáo, người lao động nhiệt tình hưởng ứng. Đây không chỉ là sự “nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách”, mà cao hơn hết đó là tình cảm là “mệnh lệnh từ trái tim” của người thầy với đồng bào, đồng chí đang gặp khó khăn.

Chuyến xe mang theo nghĩa tình của giáo viên Đắk Lắk đến với bà con vùng tâm dịch Covid-19.
Chuyến xe mang theo nghĩa tình của giáo viên Đắk Lắk đến với bà con vùng tâm dịch Covid-19.

Cô Đặng Thị Hồng - giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Cư M’Gar) chia sẻ: Trước khi nhận thông tin phát động của ngành, đội ngũ giáo viên đã phối hợp với người dân trên địa bàn tích cực tham giam các hoạt động hỗ trợ người dân gặp khó khăn nói chung và người dân khu vực bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng.

“Nhà giáo viên ở vùng nông thôn có khuôn viên vườn rộng. Nhà tôi có hơn 1ha đất và ao hồ. Ngày nghỉ, vợ chồng tăng gia, trồng thêm cây ăn quả, rau xanh, nuôi gà, nuôi cá. Giờ dịch bệnh bùng phát, thấy người dân ở các khu vực đô thị bị phong tỏa đối diện khó khăn, tôi không cầm được nước mắt.

Cứ ước là mình sẽ tận tay trao cho họ những bó rau, mớ cá, cân bơ … từ vườn nhà. Rất mong, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục phát động để giáo viên cũng như người dân Đắk Lắk sẻ chia nhu yếu phẩm, kịp thời động viên bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này”, cô Hồng xúc động nói.

Đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19, Đắk Lắk cũng bị ảnh hưởng nặng nề do có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc sẻ chia với bà con ở các khu vực phong tỏa của Đắk Lắk cơ bản bảo đảm. “Vì thế, đội ngũ nhà giáo chúng tôi nhiệt tình ủng hộ ngành phát động quyên góp hướng tới bà con vùng tâm dịch ở phía Nam. Đây là việc làm đầy tính nhân văn, giáo dục cao cho thế hệ trẻ”, cô H’ Sương Niê – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THCS nội trú TP Buôn Ma Thuột chia sẻ.

Những bó rau tươi, sạch do thầy, cô giáo tăng gia sau giờ dạy sẽ được chuyển đến bà con vùng tâm dịch phía Nam. Ảnh: TG
Những bó rau tươi, sạch do thầy, cô giáo tăng gia sau giờ dạy sẽ được chuyển đến bà con vùng tâm dịch phía Nam. Ảnh: TG

Giáo dục học sinh bằng việc làm của người thầy

Với quan niệm chung tay hỗ trợ bà con vùng tâm dịch Covid-19 và bà con đang gặp khó khăn là việc nên làm, thầy Trần Lam - giáo viên Toán, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Buôn Đôn) cho rằng: Mỗi người góp một chút, vừa kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, nhưng quan trọng hơn là tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bà con vùng dịch.

“Chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị nội dung, kế hoạch dạy học, kế hoạch giáo dục cho năm học 2021 - 2022. Sở GD&ĐT cũng vừa yêu cầu giáo viên phải sẵn sàng chuyển đổi trạng thái dạy học trực tiếp sang trực tuyến, giao bài … để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và nội dung, chương trình năm học.

Việc Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh phát động quyên góp lần này rất ý nghĩa. Chương trình vừa huy động được đông đảo giáo viên tham gia, vừa tạo không khí thi đua sôi nổi trước thềm năm học mới. Vì thế, chúng tôi nhiệt tình ủng hộ. Việc làm của mỗi một thầy cô sẽ là hình ảnh đẹp, mang tính trực quan, từ đó nuôi dưỡng tinh thần nhân ái và tính đoàn kết cho con trẻ”, thầy Lam tâm sự.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột), thầy cô giáo luôn tích cực hưởng ứng các hoạt động thiện nguyện do ngành Giáo dục và địa phương phát động. Cô Nguyễn Thị Xuân Hương – Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Là đơn vị được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh giao nhiệm vụ tập kết, đóng gói, chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh.

Dù thông báo 8 giờ mới nhận hàng, nhưng sáng tinh mơ đã có nhiều thầy cô công tác ở các trường vùng sâu, vùng xa sử dụng phương tiện cá nhân chở hàng đến trước cổng trường. Dự kiến đủ 1 xe 10 tấn đi TP Hồ Chí Minh, nhưng giờ lên tới gần 50 tấn. Chúng tôi phải huy động, kêu gọi thêm xe chở đi Bình Dương, Đồng Nai để bà con có rau, củ tươi dùng”.

Sau khi hội ý, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh thống nhất huy động tối đa phương tiện để chở hàng vào cho bà con ở vùng tâm dịch. Riêng rau xanh, sẽ nhờ nhóm báo chí thiện nguyện và các đội nhóm tại Đắk Lắk chở đến hỗ trợ các bếp ăn từ thiện, khu vực bị phong tỏa trên địa bàn tỉnh. Hơn 10 tấn rau, củ được chuyển đến tay bà con ở các buôn bị phong tỏa của Đắk Lắk. Từ ngày 19/8 các xe sẽ chở đồ thiết yếu đi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, để hỗ trợ người dân. - Ông Lưu Tiến Quang 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.