Trường học phản hồi đề kiểm tra giữa kỳ I bàn về 'lối sống phông bạt'

GD&TĐ - Đề kiểm tra Ngữ văn tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi gây ra nhiều tranh cãi khi yêu cầu học sinh trình bày quan điểm về ‘lối sống phông bạt’.

Đề Văn lớp 10A25 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6. Ảnh: MXH.
Đề Văn lớp 10A25 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6. Ảnh: MXH.

Tối 29/10, trên mạng xã hội lan truyền đề Ngữ văn của lớp 10A25, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TPHCM). Đề Ngữ văn gây chú ý vì ngắn gọn, được thực hiện trong thời gian 45 phút, đề cập đến vấn đề thời sự là “lối sống phông bạt”.

Xung quanh đề kiểm tra này có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, có một số giáo viên cho rằng đề chưa ổn vì thời gian chưa phù hợp. Về phần yêu cầu của đề, có ý kiến cho rằng cần thiết phải có phần gợi dẫn về “lối sống phông bạt” để học sinh hiểu trước khi đi sâu vào bàn luận...

Theo cô Trần Thị Bích Châu, Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết, đây là bài kiểm tra định kỳ thực hiện theo đơn vị lớp, đề do giáo viên bộ môn ra theo sự thống nhất của tổ nhóm chuyên môn

Theo đó, yêu cầu của đề viết văn bản nghị luận bàn về một vấn đề (một hiện tượng đời sống hoặc một vấn đề liên quan đến giới trẻ). Đề không dùng ngữ liệu với thời lượng làm bài 45 phút.

Theo cô Châu, đề đảm bảo nội dung chương trình môn Ngữ văn 10 của bộ sách Chân trời sáng tạo.

Về thời lượng làm bài được thực hiện trong 45 phút, cô Châu lý giải do học sinh đã được hướng dẫn nhận biết yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội. Các em cũng đã thực hành vận dụng các thao tác lập luận trong bài viết phù hợp với thời gian yêu cầu. Bên cạnh đó, học trò còn được học cách diễn đạt ngắn gọn, trình bày rõ ràng có lí lẽ và dẫn chứng phù hợp theo yêu cầu của đề.

Liên quan đến nội dung, cô Châu cho hay trước khi thực hiện bài kiểm tra nêu trên, giáo viên đã hướng dẫn học sinh nêu được ý nghĩa thực tiễn các vấn đề xã hội mà các em được định hướng lựa chọn, trong đó, có nội dung về “lối sống phông bạt”.

Mặt khác, trong tiết học viết, học trò đã được thực hành các kỹ năng viết, trình bày vấn đề xã hội đã lựa chọn. Trong tiết học nói - nghe, các em được trình bày theo nhóm về các vấn đề xã hội, giáo viên lắng nghe và nhận xét giúp học sinh nhận thức đúng vấn đề xã hội, có thái độ, giải pháp phù hợp.

Đồng thời, giúp học sinh thể hiện nhận thức quan niệm, thái độ, lập trường của người viết trước các biểu hiện đúng sai, tốt xấu; biết cách phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong cách nhìn nhận vấn đề; có cái nhìn khách quan, hướng tới những điều tích cực và tốt đẹp trong cuộc sống.

Ngoài ra, học sinh lớp 10 cũng được học chủ đề “Xây dựng quan điểm sống” từ bộ môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ sách Chân trời sáng tạo” nên các em có thêm kiến thức xã hội để viết bài nghị luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.