(GD&TĐ) - Nguyên tắc cơ bản của giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật (tự kỷ, chậm phát triển, khiếm thính, khiếm thị…) là tạo cho trẻ có sự bình đẳng, được hòa nhập trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ thường bị các trường học lắc đầu từ chối vì nhiều lý do. Quyền được học tập của trẻ tưởng đương nhiên nhưng lại gặp không ít trở ngại…
Quyền được học của em đâu?
Chị Nguyễn Hà Phương, có con đang theo học tại trường Tư thục Chuyên biệt Khai Trí (quận Bình Thạnh – TP.HCM) kể lể: “Cháu mắc bệnh đã 5 năm nay, nỗi vất vả và cực khổ trong hành trình trị liệu tâm lý nhằm giúp cháu có thể hòa nhập với các bạn cùng trang lứa không khiến tôi mệt mỏi, hết hy vọng. Nhưng việc tìm cho cháu một mái trường để hòa nhập sao quá khó. Đi đến đâu nhà trường từ chối đến đó. Chính vì thế, tôi chẳng còn cách nào khác đưa cháu đến đây học, mong một ngày con mình đỡ hơn”.
Cùng chung nỗi khổ tìm trường cho con, chị Trần Ánh Ph, quê Tây Ninh, có con đang theo học tại trường Tư thục chuyên biệt Ban Mai (quận Bình Thạnh – TP.HCM) đã phải dùng đến chiêu “chạy hộ khẩu” để có thể xin cho con được vào học. “Ngay khi con còn học MN, tôi đã quá vất vả chạy trường cho nó rồi. Con tôi không bị thiểu năng trí tuệ như mọi người nói mà chỉ chậm phát triển hơn trẻ khác thôi. Các bác sĩ ở khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 nói như vậy, nhưng chẳng hiểu sao cứ xin vào học được trường nào thì y như rằng chưa hết học kỳ là nhà trường gọi lên kêu trả cháu về. Lý do trường đưa ra là không đủ GV, không có cơ sở vật chất. Tuy nhiên, tôi biết chủ yếu là họ sợ con tôi làm ảnh hưởng đến việc học tập của những học sinh khác cũng như thành tích của nhà trường”-chị Ph nói.
TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm, hiệu trưởng trường Tư thục chuyên biệt Khai Trí (quận Bình Thạnh) cho biết: “Xã hội và ngành giáo dục đều nói không kỳ thị với trẻ tự kỷ, nhưng kỳ thật việc tìm cho trẻ một ngôi trường để hòa nhập khi đến tuổi đi học là vô cùng khó. Bản thân tôi cũng có đứa con bị tự kỷ, vì không thể mở cánh cửa trường học cho con nên tôi chẳng có cách nào khác là phải tự tìm hướng đi để cứu lấy con mình.
Sau nhiều năm vật lộn với hành trình kéo con về với bình thường, tôi cho rằng trẻ tự kỷ khi được học chung cùng những trẻ bình thường khác, sẽ học được cách giao tiếp từ những bạn ấy. Trẻ tự kỷ có khó khăn về mặt giao tiếp xã hội chứ không phải là không có khả năng học tập. Tuy nhiên, hiện nay tại hầu hết các trường tiểu học, lại chưa có giáo viên giáo dục hòa nhập. Mặt khác, các thầy cô đứng lớp chưa hề được tập huấn hay qua các chương trình đào tạo về trẻ tự kỷ, nên nếu trường có nhận vào cũng “chào thua” vì không biết dạy trẻ ra sao, điều đó khiến họ ngại tiếp nhận trẻ”.
TS Lê Văn Tạc - Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, khẳng định: Giáo dục hòa nhập về nguyên tắc là hỗ trợ mọi học sinh, trong đó có trẻ khuyết tật có cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật đã đạt được những thành quả quan trọng về nhiều mặt. Mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV cho giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành và đang phát triển.
Tuy nhiên, thực trạng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật, về khả năng phát triển của trẻ khuyết tật khi được giáo dục - đặc biệt là trẻ tự kỷ. Chính vì thế, trong thực tế không ít cán bộ giáo dục và GV các trường vẫn mang tư tưởng e ngại, điều này khiến cho không ít trẻ phải thiệt thòi.
Vẫn còn khoảng trống trường lớp, giáo viên
Việc phụ huynh không tìm ra trường cho trẻ tự kỷ theo học một phần bởi việc gia tăng nhanh chóng tỉ lệ trẻ mắc bệnh trong vài năm trở lại đây, nhưng cũng không thể phủ nhận sự khiếm khuyết và quá tải hiện nay tại các trường chuyên biệt. TP.HCM đến nay mới chỉ có 17/24 quận, huyện có trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, trong đó vẫn thiếu hụt GV cũng như cơ sở vật chất trường lớp phần lớn vẫn chỉ ở dạng tận dụng, chưa được xây dựng, đầu tư bài bản. Thế nên với toàn bộ 25 trường (có 8 trường tư thục) chỉ mới đáp ứng nhu cầu nuôi, dạy cho khoảng hơn 2.400 trẻ.
Về thực trạng thiếu trường cho trẻ tự kỷ, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó phòng GDMN Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Việc quá tải trường lớp và thiếu GV của hệ thống các trường giáo dục chuyên biệt là điều mà TPHCM đang phải đối mặt. Hiện TPHCM vẫn còn 7 quận, huyện chưa có trường chuyên biệt. GV dù luôn có nguồn tuyển từ hai trường sư phạm nhưng tỉ lệ giáo sinh ra trường theo nghề tại các hệ thống trường chuyên biệt không cao. Ngoài chuyện thiếu trường thì việc quá tải cũng là do đầu ra tại các trường không thông nên đầu vào không có. Hàng năm, nếu đúng tuổi sẽ phải có một số trẻ phải rời trường, nhưng vì tình trạng bệnh lý của trẻ cộng tình thương của nhà trường khiến không nỡ “đẩy” đứa trẻ ra đường. Vì thế, TP.HCM cứ phải quá tải”.
Thực tế, khoảng trống trường dạy trẻ tự kỷ tại TP.HCM đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan cũng như sự nhìn nhận chưa đúng bản chất hiện tượng bệnh lý của đối tượng này nên sự đầu tư vẫn còn khá hạn hẹp, lực lượng đội ngũ GV các trường MN, TH vẫn chưa được tập huấn, lĩnh hội các phương pháp sư phạm giảng dạy đặc thù cho trẻ. Vì thế, việc hòa nhập của trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục bình thường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Khi hệ thống trường chuyên biệt vẫn chưa phủ kín các quận, huyện, tại TP.HCM những đóng góp của hệ thống trường tư thục, trung tâm trị liệu trẻ tự kỷ là không thể phủ nhận. Sự ra đời của các trung tâm, trường chuyên biệt tư (điều kiện mở trường rất khó) không chỉ giúp phụ huynh có được chỗ gửi con học tập, trị liệu, mà còn có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về bệnh trạng của con để góp phần chạy chữa.
Hiện nay, toàn TP.HCM mới chỉ có 8 trường, trung tâm trị liệu trẻ tự kỷ được cấp phép hoạt động. Việc thành lập một trường hay trung tâm trị liệu cho trẻ tự kỷ thường đòi hỏi một sự đầu tư tương xứng (gấp đôi, gấp ba) so với một trường chuyên biệt khác bao gồm cơ sở vật chất, đội ngũ GV cho đến cả giáo trình trị liệu. Với đặc thù mỗi lớp không quá 7-10 trẻ; 3 trẻ/1 GV (tỉ lệ này ở trường công là 1,5 GV/lớp) thì ngoài việc tăng cao chế độ đãi ngộ nhằm thu hút được lực lượng bác sĩ, GV về với mình, các trường còn phải đầu tư rất lớn các giáo cụ trực quan, phòng trị liệu, phục hồi chức năng… nhằm giúp trẻ hồi phục nhanh nhất. Trong thực tế không phải phụ huynh nào cũng có đủ khả năng để đưa con đến các cơ sở này trị liệu học tập vì mức học phí cao.
Ông Trần Văn Dương, giám đốc Trung tâm Tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em (ATC) thuộc Liên hiệp Khoa học kinh tế - Đô thị Nam bộ nói: Với khoảng trống trường lớp cho trẻ tự kỷ như hiện nay, việc phụ huynh chọn lựa trường hay trung tâm trị liệu cho con theo học là chuyện bất khả kháng. Để chọn được một nơi thật sự dạy tốt, đảm bảo được tiến trình hồi phục và hòa nhập các bậc cha mẹ cần chú ý 5 yếu tố quan trọng: Một là chất lượng đội ngũ GV, thứ hai là phương pháp giáo dục nơi đó, thứ 3 địa điểm và cơ sở vật chất, thứ 4 là sự tin tưởng của những phụ huynh đi trước, cuối cùng là chính sách của đơn vị ấy dành cho học sinh.
Theo ông Trần Văn Dương, giáo dục hòa nhập đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết để mọi học sinh (trong đó có HS tự kỷ) phát triển hết khả năng của mình. Sự hỗ trợ cần thiết đó được thể hiện trong việc điều chỉnh chương trình, các đồ dùng dạy học, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt, các kỹ năng giảng dạy đặc thù... Thực tế cũng đã cho thấy để can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển một cách hiệu quả, GV từ bậc học MN cũng cần phải có những kỹ năng nhận biết, kỹ năng giảng dạy đặc thù với trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ nhằm can thiệp để sớm phát hiện ra những bất thường nơi trẻ (từ 1-3 tuổi). Trong khi đó, tại các trường MN hiện nay, không nhiều GV MN có được những kỹ năng này. |
Anh Tú