Trường học không tiền mặt

GD&TĐ - Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục nhiều tỉnh thành triển khai mạnh mẽ các biện pháp thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có thu học phí. UBND TPHCM cũng có chỉ thị đầu năm học đề nghị đẩy mạnh các biện pháp để xây dựng trường học không tiền mặt.

Trước đó, từ năm 2014 thành phố này thí điểm xây dựng mô hình trường học không sử dụng tiền mặt thể hiện qua hai hình thức: Phụ huynh thanh toán học phí thông qua dịch vụ ngân hàng và học sinh sử dụng thẻ học đường thông minh để đóng học phí, các khoản phí khác và chi trả các dịch vụ phục vụ học tập.

Ở ĐBSCL, Bến Tre cũng đang quyết liệt đi đầu với mô hình thu học phí không tiền mặt, mục tiêu là đến cuối tháng 10/2019 phải có 100% trường, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh áp dụng.

Giáo dục ý thức sử dụng tài chính tốt không thể thiếu vắng vai trò của học đường. Mục tiêu của thanh toán học phí qua ngân hàng là giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian, chủ động, an toàn trong thanh toán; trường học cũng tiết kiệm nhân sự thu nhận, hạn chế rủi ro khi lưu quỹ. Học sinh dùng thẻ học đường có cơ hội làm quen với thanh toán hiện đại, hạn chế sự tiếp xúc với tiền mặt, qua đó có thể hạn chế các tình huống xấu do sử dụng tiền mặt phát sinh.

Tuy nhiên, để trường học không tiền mặt trở thành xu hướng phổ biến và hoạt động hiệu quả, không thể duy ý chí trong triển khai thực hiện. Bởi lẽ, thanh toán không tiền mặt phải gắn liền với hạ tầng dịch vụ: Độ phủ sóng của ngân hàng, việc dùng mạng Internet (nếu sử dụng dịch vụ Internet Banking)… Thực tế hiện nay ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn người dân do trình độ công nghệ hạn chế, kinh tế khó khăn, ngân hàng ở xa, nên thói quen dùng tiền mặt là phổ biến. Câu chuyện đầu năm học này nhiều gia đình có con em theo học tại các trường công lập ở Bến Tre phải đi hàng chục km kiếm ngân hàng đóng học phí cho con là một ví dụ.

Vùng khó có cái khó của vùng khó thì vùng thuận lợi, nơi các ngân hàng rầm rộ vào cuộc tiếp thị đến trường học để mong muốn được áp dụng dịch vụ của mình, cũng có những bất cập này. Một số trường để tiện cho mình đã ấn định cho phụ huynh phải theo dịch vụ của ngân hàng mà mình hợp tác.

Nhiều phụ huynh phải mở thêm tài khoản ngân hàng khác với ngân hàng mình đang sử dụng để chỉ… nộp học phí cho con! “Nhà trường phải đa dạng hình thức thanh toán như ủy thác thanh toán tự động, chuyển khoản qua Internet Banking, cổng thông tin học đường, máy POS tại trường, tại ngân hàng, tại ATM, ví điện tử, không nên áp đặt dịch vụ ngân hàng nào cho phụ huynh.

Đặc biệt, đã thực hiện không thu tiền mặt thì nên triệt để hơn. Học phí chỉ là một phần các khoản phải nộp ở trường. Phần lớn chi phí khác ngoài học phí, chúng tôi vẫn phải… đóng bằng tiền mặt!” - một phụ huynh ý kiến.

Thực hiện trường học không tiền mặt là xu hướng tích cực. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình này cần phải có lộ trình, truyền thông tốt và đề cao nguyên tắc quyền lựa chọn phương thức thanh toán thuộc về phụ huynh, học sinh. Nếu không, những mục đích, tiện ích của thanh toán không tiền mặt sẽ không còn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ