Với quan điểm này, nhiều trường học ở Điện Biên đang đẩy mạnh phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc" để đấu tranh hiệu quả với vấn nạn bạo lực học đường.
Lấy yêu thương làm nền tảng
“Học sinh của trường đều được tuyển chọn từ nhiều địa phương trong tỉnh. Các em còn bỡ ngỡ trong môi trường nội trú và phải tự chủ trong sinh hoạt. Chính vì vậy, việc giáo dục học sinh trong nhà trường cũng cần những cách thức riêng và phải bắt đầu từ nền tảng là tình yêu thương”, thầy giáo Vũ Trung Hoàn, Hiệu trường Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Với quan điểm này, suốt nhiều năm qua, Ban giám hiệu nhà trường đã lan tỏa đến toàn thể giáo viên tinh thần xây dựng: “Trường là ngôi nhà lớn”. Vì thế, nhiệm vụ của mỗi giáo viên là tạo dựng mỗi lớp học trở thành một ngôi nhà nhỏ. Các thành viên trong đó kết nối với nhau bằng tình yêu thương.
Gần 20 năm gắn bó với nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thường luôn áp dụng phương pháp giáo dục, giảng dạy học trò như chính con đẻ của mình. Theo cô Thường, bất cứ môi trường giáo dục nào cũng cần phải có nền tảng là tình yêu thương thì việc giáo dục mới hiệu quả. Đặc biệt là với trường nội trú, học sinh phải xa gia đình, thiếu vắng tình cảm cha mẹ.
“Mỗi ngày tôi đều cố gắng dành thời gian nhất định lên phòng kí túc để trò chuyện, hỏi han về cuộc sống và nắm bắt tâm lý học sinh. Khi giáo viên gần gũi, thân thiện, thì các em cũng cởi mở hơn. Nhờ vậy tôi thường phát hiện ra sớm những khúc mắc hoặc mâu thuẫn tình cảm để chủ động đưa ra những lời khuyên, tư vấn tháo gỡ kịp thời. Đó là lý do trong suốt nhiều năm làm chủ nhiệm, học sinh lớp tôi chưa từng xảy ra mâu thuẫn lớn”, cô Thường chia sẻ.
Học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ tham gia diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường". Ảnh NTCC. |
Cũng với quan điểm này, nhiều năm qua, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên đã xây dựng “ngôi nhà chung” đáng mơ ước cho nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Đăng Khoa cho biết: Trường có gần 350 học sinh theo học ở nội trú, với đa dạng các dân tộc khác nhau.
“Mỗi dân tộc một phong tục, tập quán; mỗi học sinh một tính cách. Tuy nhiên, khi đã về trường thì chúng tôi đều xây dựng cho các em một tư tưởng tất cả đều là anh em. Vì thế, phải yêu thương, đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau. Việc anh em trong một nhà mâu thuẫn thì không thể không xảy ra, thế nhưng các em đều phải hiểu là không dùng bạo lực để giải quyết”, thầy Khoa chia sẻ.
Để làm được điều đó, nhà trường đã đẩy mạnh truyền thông bằng đa dạng hình thức. Đặc biệt là tổ chức các diễn đàn, sân chơi tăng cường tình đoàn kết. Áp dụng các biện pháp nhân văn, tình cảm trong giáo dục.
Ngoài ra, theo thầy Khoa, việc áp dụng nghiêm ngặt bộ Quy tắc ứng xử trong nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng. Trong đó, quy định rõ từng hành vi ứng xử giữa giáo viên, nhân viên, học sinh. Xem đây là “kim chỉ nam” trong mọi hành động.
Lan tỏa tình đoàn kết
Một trong những hoạt động vừa có giá trị truyền thông, nâng cao nhận thức, vừa góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết đang được các nhà trường đẩy mạnh hiện nay là diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”.
Tại Trường THCS THPT Lương Thế Vinh (TP. Điện Biên Phủ), các diễn đàn này được Đoàn thanh niên nhà trường phối hợp cùng nhiều đơn vị, đoàn thể tổ chức quy mô và bài bản. Tham gia diễn đàn, học sinh được xem các video về tình trạng bạo lực học đường. Đây được xem như hồi chuông nhắc nhở, tác động trực tiếp đến nhận thức của mỗi em.
Một giờ học của cô và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. |
Ngoài ra, theo thầy giáo Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng nhà trường, học sinh sẽ được bổ sung nhiều kiến thức, kỹ năng, giải pháp phòng chống bạo lực học đường. Đặc biệt thông qua việc lắng nghe những chia sẻ về câu chuyện tình bạn đẹp sẽ giúp khơi gợi và lan tỏa trong thực tế.
Với đối tượng học sinh nhỏ hơn, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” lại được tổ chức bằng hình thức sinh hoạt dưới cờ. Trong khuôn khổ buổi lễ diễn ra nhiều hoạt động mang tính hoạt náo, nhằm thu hút sự tham gia, hưởng ứng của các đối tượng học sinh.
Cô giáo Lê Thị Nga, Hiệu trường nhà trường tâm sự: “Với hình thức sinh hoạt dưới cờ, học sinh sẽ không bị gò bó, áp lực. Qua đó, dễ dàng tiếp nhận các kiến thức cũng như kỹ năng xã hội. Cụ thể như: thế nào là tình bạn đẹp, bạo lực học đường là gì, hậu quả của hành vi bạo lực học đường. Đồng thời chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp không để xảy ra tình trạng bạo lực cũng như làm sao để xây dựng tình bạn đẹp”.
Theo cô Nga, nhà trường cũng xác định, xây dựng tình bạn đẹp đồng nghĩa với việc không có bạo lực học đường, không có mâu thuẫn và những mối quan hệ tiêu cực trong lớp học, trường học và cả bên ngoài trường.
Do đó, tại mỗi diễn đàn, nhà trường đều xây dựng kịch bản, tình huống tương tác đa dạng, xoay quanh giữa cô, trò và các mối quan hệ ngoài xã hội. Từ đó giải đáp các câu hỏi, ứng xử, xử lý tình huống các em đưa ra theo hướng tích cực.
“Mỗi học sinh sẽ có một cách nhìn nhận tình huống, vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, từ những cuộc truyền thông như thế này, các em sẽ biết cách giải quyết hoặc xử lý đúng đắn hơn”, cô Nga cho hay.