Tuy nhiên, như thế nào là trường học hạnh phúc, làm gì để có trường học hạnh phúc, trường học hạnh phúc cần gì... vẫn là những trăn trở của thầy, cô giáo, nhà quản lý giáo dục và phụ huynh.
Thiếu sẻ chia, thấu hiểu
Tháng 9 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin phó hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) tát học sinh khiến em này thủng màng nhĩ khiến dư luận xôn xao. Vị phó hiệu trưởng này xác nhận có sự việc trên nhưng học sinh chỉ bị ù tai và vẫn đi học bình thường.
Cụ thể, sự việc xảy ra vào chiều 19/9, khi thấy nam sinh mặc đồng phục của trường đăng hình ảnh hút thuốc lá điện tử trên mạng xã hội, thầy Phó Hiệu trưởng phụ trách mời em này lên làm việc. Ban đầu, học sinh này chối cãi khẳng định không hút thuốc lá điện tử. Quá nóng giận nên thầy tát em một cái.
Tôi mong mô hình này được lan tỏa rộng rãi. Bởi việc áp dụng mô hình trường học hạnh phúc không chỉ có học sinh hạnh phúc, mà giáo viên, cha mẹ học sinh cũng có được niềm hạnh phúc khi thấy sự trưởng thành, niềm vui đến lớp của học sinh.
Chính tình yêu thương và niềm vui của học sinh khi đến trường sẽ giúp giáo viên có thêm động lực, nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người. - Cô Đặng Bích Trâm (Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TPHCM)
Tháng 10/2023, dư luận xôn xao với nhiều ý kiến tranh luận trước việc Trường THCS - THPT Đông Du (Đắk Lắk) lục cặp, soát người học sinh khi vào lớp. Mỗi buổi sáng, khi bước vào cổng chính, các học sinh ở trường này phải để bảo vệ, giám thị, giáo viên kiểm tra cặp, túi áo khoác và dùng máy quét an ninh xem có vật cấm hay không.
Việc này khiến nhiều học sinh thấy phiền toái. Nhà trường cho rằng việc lục cặp, soát người học sinh khi đến trường xuất phát từ mục đích muốn tốt, bảo vệ chính các em cũng như nhà trường…
Tại một trường THPT ở Vĩnh Phúc, sau Tết Nguyên đán 2023, một số học sinh lớp 10 quay trở lại lớp với màu tóc được nhuộm sáng như màu khói, màu vàng, không đúng với nội quy của trường. Cô chủ nhiệm đã nhiều lần nhắc nhở, quán triệt trực tiếp tại lớp, trên nhóm lớp và nhóm phụ huynh học sinh. Đa số các em đã chấp hành nhuộm lại màu tóc tự nhiên, chỉ còn một nữ sinh chưa chấp hành. Sau nhiều lần nhắc nhở, trong lúc nóng giận, cô chủ nhiệm dùng kéo cắt một lọn tóc phía trên của nữ sinh.
Sau khi sự việc được lan truyền, giáo viên - học sinh đều nhận ra phần sai của mình; mong được sự đồng cảm, xây dựng và xoa dịu vết thương để thầy - trò tiếp tục hành trình học tập...
Sự việc dù lớn dù nhỏ qua thời gian sẽ nguôi ngoai nhưng đâu đó vẫn để lại trăn trở. Điều lệ trường học, nội quy, quy tắc ứng xử ở mỗi trường đều đề cập đến việc tôn trọng người dạy và người học.
Đặc biệt, 3 trụ cột được nhiều trường thực hiện khi xây dựng trường học hạnh phúc là yêu thương, an toàn và tôn trọng nhưng đâu đó vẫn có nhà giáo vi phạm. Điều này khiến mỗi ngày đến trường của trò, đôi lúc đã bớt vui. Nhìn rộng ra, môi trường giáo dục tại đơn vị đó không an toàn. Người dạy và người học thiếu sự yêu thương và tôn trọng.
Từ sự việc trên, thầy Thái Thành Thuận - Trường THCS Tam Bình (Cai Lậy, Tiền Giang) cho rằng “giáo dục không chỉ là dạy học sinh kiến thức, mà còn quan tâm đến cảm xúc của trò. Muốn vậy, giáo viên phải chủ động xóa đi rào cản và bước vào thế giới của học trò, vừa là thầy, vừa là người bạn lớn. Thầy, cô giáo nếu chỉ là người giảng dạy thông thường thì chỉ dừng lại ở thầy, cô giáo giỏi. Còn thầy, cô giáo hạnh phúc là người biết truyền cảm hứng cho học sinh và giúp các em thay đổi”.
Cô giáo kèm những nét chữ đầu tiên cho học sinh lớp 1 Trường Tiểu học 1 Thị trấn Năm Căn (Năm Căn, Cà Mau). Ảnh: Q.Ngữ |
Nóng vội sẽ hỏng việc
Hơn 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục, nhà giáo Lê Xuân Bột - nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) rất tâm đắc với trường học hạnh phúc. Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, xây dựng trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần có một quá trình.
Trước tiên, nhà trường cần giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh, nhận thức về vấn đề này. Đây là quá trình tác động lâu dài bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau. Cần phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức, xây dựng văn hóa, quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường để làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.
“Làm thế nào để thầy, cô giáo không bị áp lực khi xây dựng trường học hạnh phúc là điều quan trọng. Không nên nóng vội, làm sao những giải pháp nhà trường đưa ra để xây dựng trường học hạnh phúc đến với giáo viên, học sinh và phụ huynh một cách nhẹ nhàng. Đôi khi họ không biết đó là cách mà nhà trường đang thực hiện để xây dựng trường học hạnh phúc, bởi nếu triển khai rầm rộ sẽ trở thành việc làm mang tính phong trào, hình thức”, nhà giáo Lê Xuân Bột nhấn mạnh.
Tương tự, theo chia sẻ của cô Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8, TPHCM), xây dựng trường học hạnh phúc là điều mà tất cả đội ngũ thầy, cô giáo, cha mẹ học sinh, bản thân học sinh và toàn xã hội đều mong và ước sẽ chạm đến. Tuy nhiên để có được nền tảng và lộ trình xây dựng trường học hạnh phúc còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: Con người, dạy học, học tập, môi trường… mà đôi khi trong quá trình thực hiện sẽ gặp khó khăn, trở ngại.
“Tôi nghĩ nhà trường cần có thời gian, kế hoạch ngắn, trung và dài hạn chứ không phải một sớm một chiều mà có thể làm được. Ở đây đòi hỏi nhà quản lý có góc nhìn về thực tế ngôi trường của mình đâu là hạnh phúc, đâu là thân thiện, mục tiêu hướng đến là gì? Có như vậy, các tiêu chí làm nền tảng hướng đến trường học hạnh phúc mới thực hiện được”, cô Hồng Anh đề xuất.
Giờ học tại Trường THCS Kim Hồng (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Ảnh: Q. Ngữ |
Cùng xây dựng, tự giác thực hiện
Nhiều trường THPT hiện nay đưa ra quy định cấm học sinh nữ trang điểm, nhuộm tóc khi đến trường. Tuy nhiên, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã mạnh dạn đưa vào nội quy cho phép học sinh làm việc này ở mức không nổi bật, lòe loẹt đã nhận được sự quan tâm.
Theo lãnh đạo nhà trường, quy định được đưa ra dựa trên mong muốn có thể thoa son dưỡng môi đến trường của học sinh. Việc cho phép nhuộm tóc màu không quá nổi bật đến trường cũng nhằm giúp trò có các vấn đề về tóc (như tóc bạc sớm) có thể tự tin đến trường.
Nội quy mới được Ban giám hiệu nhà trường công khai lấy ý kiến từ tập thể giáo viên và đại diện các học sinh là cán bộ Đoàn trường, lớp trưởng, lớp phó. Nhà trường cũng khẳng định vẫn xử lý những trường hợp vượt giới hạn như: Cố tình trang điểm hay nhuộm tóc quá lố, nhằm giữ gìn sự trong sáng, nghiêm túc trong môi trường học đường.
Về phía học sinh của Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, các em đều thể hiện sự phấn khởi và tán đồng với thay đổi mới linh hoạt của nhà trường. Cô Lâm Hồng Sen - Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ mong muốn nội quy của trường hướng đến tinh thần dân chủ, để học sinh tự do góp ý nhằm thúc đẩy tinh thần thầy và trò cùng xây dựng, tự giác thực hiện.
Tiết học của trẻ Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc |
Bày tỏ đồng tình về việc này, cô Trần Thị Thanh Thủy - giáo viên Tiếng Anh cho biết thêm: Giáo viên muốn chinh phục được học sinh, trước hết phải hiểu trò nghĩ gì, muốn gì. Từ đó những nhu cầu chính đáng trong khuôn khổ cho phép của các em có thể kịp thời được đáp ứng... Như vậy, trò tự tin bày tỏ nguyện vọng, tin tưởng thầy cô.
Nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng khó, luôn tâm huyết với trường học hạnh phúc, thầy Thạch Sa Quên - Trường THPT Cầu Ngang A (Cầu Ngang, Trà Vinh) cho rằng: Trường học hạnh phúc là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm vui. Để xây dựng trường học hạnh phúc đúng với các tiêu chí, cán bộ quản lý, thầy, cô giáo và học sinh trong nhà trường phải nỗ lực không ngừng. Đặc biệt, để đồng thuận, đồng lòng thay đổi, vai trò của người quản lý là rất quan trọng.
Còn thầy Nguyễn Minh Tâm - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Quận 6, TPHCM) nhìn nhận: “Xây dựng lớp học hạnh phúc đòi hỏi sự thay đổi từ mỗi thành viên trong nhà trường. Một số giáo viên ngại thay đổi, không muốn thêm công việc, không muốn học tập bồi dưỡng sẽ khiến cho việc thuyết phục các thành viên như phụ huynh học sinh, các đoàn thể khó hơn. Nhà trường cần huy động được sức mạnh tổng hợp của phụ huynh học, hội nhóm tại địa phương… trong việc xây dựng lớp học hạnh phúc”.
Là sinh viên sư phạm, ngành Sư phạm Toán (Trường Đại học Kiên Giang), Huỳnh Hồng Phúc hiểu rõ tâm trạng của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng buổi học. Một buổi học căng thẳng, giáo viên luôn trách mắng học trò hay một buổi học ảm đạm, trầm lắng đều làm cho học sinh chán học, buồn bã. Vì vậy, giáo viên cần thay đổi để có thái độ sư phạm chuyên nghiệp, tâm trạng vui vẻ, tích cực mới có thể lan tỏa đến học sinh và làm cho lớp học sôi nổi, năng động, chăm chỉ học tập hơn.
“Sự khéo léo và tài tình ở nhà giáo không phải là dùng uy nghiêm giáo dục học sinh mà dùng kỹ năng sư phạm để hướng dẫn và tương tác với người học một cách khéo léo. Giáo viên cần hiểu rõ hơn về tâm lý học trò và có khả năng giải quyết tốt các tình huống sư phạm. Như vậy, học sinh đến trường không mang cảm giác sợ học, thay vào đó các em thấy hạnh phúc và hứng thú, vui vẻ trong học tập”, Hồng Phúc bộc bạch.
Để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc thì yếu tố an toàn trường học theo tôi là trọng tâm nhất. Thiết nghĩ trường học an toàn, thân thiện chắc chắn học sinh sẽ hạnh phúc, thầy, cô giáo có niềm vui, cha mẹ các em sẽ phấn khởi. Ngoài ra, đầu tư cho con người trong đó đội ngũ thầy, cô giáo giỏi về chuyên môn chuyên nghiệp về kỹ năng và giàu có về phẩm chất là then chốt cốt lõi của ngôi trường hạnh phúc. - Cô Lê Thị Hồng Anh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM)