100% các trường nội thành ô nhiễm
“Hệ thống cảnh báo ô nhiễm âm thanh PNI (pollution noise index) tại các trường phổ thông theo thời gian thực” là đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả Trường Đại học Giáo dục. Hệ thống này đã ghi nhận dữ liệu khảo sát trước - trong giờ học, giờ ra chơi ở cổng trường, sân trường và trong lớp học.
Theo nhóm nghiên cứu, tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật. Tiếng ồn được đo bằng Decibel (dB), số dB càng cao càng gây nguy hại cho tai (ngưỡng nguy hại là trên 85 dB, WHO, 1974). Người tiếp xúc lâu với tiếng ồn được gọi là đối tượng phơi nhiễm.
Nhóm nghiên cứu đã lắp đặt cảm biến và thử nghiệm hệ thống này tại 400 trường tiểu học, THCS, THPT thuộc 5 khu vực dọc theo các tuyến đường chính. Đó là khu vực Sóc Sơn - sân bay Nội Bài, khu nội thành, dọc Quốc lộ 1, dọc Quốc lộ 6, dọc Quốc lộ 32. Thời điểm thử nghiệm là tháng 12/2020.
Ở mỗi trường, dữ liệu được ghi nhận thực tế bằng các trạm cảm biến âm thanh tại 3 địa điểm: Cổng trường, sân trường/hành lang và trong lớp học.
Phần lớn các trường được lấy mẫu định kì tại các thời điểm: Trước giờ vào lớp, trong thời gian học, giờ ra chơi và tan tầm.
46 trường có nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn cao được lắp trạm sensor có khả năng ghi nhận theo thời gian thực để liên tục truyền tín hiệu về máy chủ.
Kết quả, 100% các trường ở nội thành bị ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn từ môi trường bên ngoài (ENP). Mức độ ồn từ 55 - 85 decibel (dB). Trong đó, trên 50% số trường có mức ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, tức trên 85 dB.
Một số nguồn chính của tiếng ồn bước đầu được ghi nhận chủ yếu từ giao thông công cộng (gần trục quốc lộ, đường vành đai). Cùng với đó là từ công trình xây dựng, hoạt động của học sinh, giáo viên, các hoạt động chung của nhà trường...
Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và đặt trạm sensor ghi nhận dữ liệu độ ồn theo thời gian thực. Hệ thống này sử dụng các trạm cảm biến thu dữ liệu âm thanh ở trường học, kết nối với máy chủ thông qua Internet kết nối vạn vật (IoT) để đưa ra kết quả cường độ âm thanh (tính bằng decibel) và vị trí địa lý (GPS) của điểm đo.
Dựa trên kho dữ liệu này, các nhà nghiên cứu đã xây dựng những bản đồ thực trạng ô nhiễm âm thanh trên toàn thành phố (bản đồ tĩnh) với nhiều độ phân giải và mục đích sử dụng khác nhau.
Đồng thời, nhóm cũng xây dựng một bản đồ heatmap (bản đồ động) trên webisite để biểu thị sự biến động của ô nhiễm âm thanh theo thời gian thực tại các điểm trường có đặt cảm biến thời gian thực.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tạo ứng dụng PNI trên điện thoại để người dùng có thể theo dõi thực trạng ô nhiễm âm thanh tại vị trí trường học xác định và nhận các thông tin cảnh báo nguy hiểm đến sức khỏe qua email hoặc tin nhắn.
Sẽ nghiên cứu ô nhiễm nhiệt trường học
Bộ Y tế có Thông tư về “Quy định quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về tiếng ồn – mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc”. Theo Thông tư này, giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các phòng lao động trí óc, nghiên cứu thiết kế, thống kê, lập chương trình máy tính, phòng thí nghiệm lý thuyết và xử lý số liệu thực nghiệm không vượt quá 55dB.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Thông tư “Quy định chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường”. Bộ này quy định, đối với khu vực đặc biệt (là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa…) quy định giới hạn tiếng ồn không được vượt quá 55dB trong khoảng thời gian từ 6 – 21 giờ mỗi ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần 50% số người trong độ tuổi từ 12 – 35 có thể tiếp xúc với mức âm thanh không an toàn từ việc sử dụng các thiết bị âm thanh cá nhân. Khoảng 40% những người trong độ tuổi đó có thể tiếp xúc với mức độ âm thanh gây tổn hại các điểm giải.
Từ năm 2001 - 2008, tại Mỹ đã ước tính 30 triệu người Mỹ trên 12 tuổi gặp khả năng nghe kém ở cả 2 tai. 48 triệu người Mỹ trên 12 tuổi gặp khả năng nghe kém ở 1 tai do tác động của tiếng ồn đô thị. 10% dân Mỹ mắc chứng ù tai kéo dài ít nhất 5 phút trong vòng 4 năm do tiếng ồn từ môi trường gây nên.
Suy giảm thính lực là một trong ba căn bệnh mãn tính nguy hiểm phổ biến ở Mỹ sau ung thư và tiểu đường. Tổng chi phí điều trị bệnh suy giảm thính lực sẽ gấp 6 lần vào năm 2030 (51,4 tỷ USD) so với năm 2002 (8,2 tỷ USD).
Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu giải pháp công nghệ, nhóm nghiên cứu còn tìm kiếm, đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm âm thanh để bảo vệ sức khỏe học sinh và giáo viên trong bối cảnh ô nhiễm âm thanh ở môi trường học đường.
Nhóm nghiên cứu cho biết, trong tương lai, họ có thể sẽ phát triển hệ thống này để ghi nhận thêm cả dữ liệu ô nhiễm không khí và ô nhiễm nhiệt (tức mức chênh lệch nhiệt độ dẫn tới hiện tượng sốc nhiệt) ở các trường phổ thông, nhằm góp phần phát triển một môi trường giáo dục bền vững hơn.