Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Cần phải xử lý triệt để và kết thúc trong năm vấn nạn này”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề đã tồn tại khá lâu và đặc biệt nóng vào thời gian gần đây.
Việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã có cơ sở nhưng các cơ quan chức năng thời gian qua còn chưa hiểu hết các quy định và cách xử lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan còn cho đây là chuyện thường ngày, không phải việc của mình.
Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TP, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết; trong năm 2019 và 2020, tại 17 quận, huyện trên địa bàn TP đã xử lý 141 trường hợp vi phạm về tiếng ồn với số tiền hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, trong 141 trường hợp đó chỉ có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 triệu đồng.
“Việc xử phạt hạn chế là do hiện nay việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, mức phạt tiền của Nghị định 167 thấp, chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng nên không đủ sức răn đe và chỉ xử phạt từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau” - bà Mỹ nói.
Vì vậy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP kiến nghị Bộ Công an tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 theo hướng: Tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm về tiếng ồn tại Điều 6 của Nghị định này và không quy định thời gian vi phạm về tiếng ồn.
Đồng thời, kiến nghị Bộ TN&MT hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn của UBND phường xã.
Cụ thể: Bổ sung nhóm hành vi vi phạm tiếng ồn đối với loại hình sinh hoạt trong khu dân cư; sửa đổi quy chuẩn về tiếng ồn (quy định đo độ ồn nền, quy định về tần suất ồn).
Trước đó, bà Mỹ từng đề xuất những giải pháp làm ngay, làm liền trong thời gian chờ luật bổ sung, sửa đổi và được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư.
Giai đoạn 2 là tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp huyện, xã; trưởng công an xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên nếu để tái vi phạm các điểm, khu vực gây ồn.
Theo bà Mỹ, để hiệu quả, các giải pháp trên phải được triển khai thống nhất và đồng loạt trên toàn địa bàn TP với sự tham gia của các hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - đoàn thể.
Kết luận cuộc họp, ông Võ Văn Hoan khẳng định: “Chúng ta phải cùng nhau rút kinh nghiệm, triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp và quyết liệt với tệ nạn này. Không chấp nhận một đô thị lớn mà từ khu dân cư đến quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu đều ra rả mở loa công suất cao ảnh hưởng đến người dân”.